Không quân Mỹ có thể phải cắt giảm 1/3 số lượng tiêm kích F-35 mà họ đặt hàng nếu không tìm ra cách giảm được tới 38% khoản chi phí hoạt động và hỗ trợ tính trong 1 thập kỷ.
Theo một bản phân tích nội bộ, điều này sẽ khiến Không quân Mỹ phải cắt giảm 590 chiếc F-35 trên tổng số 1.763 chiếc đặt mua.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố đã kiểm soát được chi phí phát triển và chế tạo 2.456 chiếc F-35 cho Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ (hiện ước tính 406 tỷ USD) nhưng bản phân tích nội bộ đã nhấn mạnh tới những thách thức hiện nay, cũng như trong tương lai, liên quan tới việc bảo dưỡng và vẫn hành các chiến đấu cơ này.
Theo đó, Mỹ có thể phải tiêu tốn tới 1,1 nghìn tỷ USD để duy trì hoạt động và bảo dưỡng các máy bay F-35 cho tới năm 2070.
Tiêm kích F-35A tại căn cứ Nellis, Nevada. Ảnh: Newsweek
Không quân Mỹ đang đặt hàng 1.763 tiêm kích F-35. Chi phí hoạt động và hỗ trợ dành cho không đoàn F-35 ước tính tiêu tốn 3,8 tỷ USD một năm, cho tới năm 2028, con số này sẽ là 38 tỷ USD.
Không quân Mỹ sẽ phải tìm cách giảm 14,5 tỷ USD từ mức chi phí trên nếu muốn giữ lại được đầy đủ số lượng máy bay đã đặt hàng.
Người phát ngôn của Không quân Mỹ Ann Stefanik cho biết họ đang thảo luận với Lầu Năm Góc về vấn đề trên, nhưng cũng lưu ý rằng vẫn còn quá sớm để Không quân Mỹ cân nhắc cắt giảm số lượng máy bay F-35 vào thời điểm này.
Mức chi phí 38 tỷ USD sẽ được phân bổ cho Lockheed Martin và Không quân Mỹ. Lockheed phụ trách quản lý chương trình, bảo dưỡng nhà chứa máy bay, sửa chữa phụ tùng, bảo dưỡng phần mềm và kỹ thuật, còn Không quân Mỹ phụ trách nhân sự và nhiên liệu.
Stefanik cho biết phần chi phí của Không quân Mỹ đang "tăng lên do số lượng giờ bay tăng lên. Hiện không quân Mỹ đang thu thập thông tin về dữ liệu chi phí để làm rõ hơn lý do khiến nó gia tăng".
Cận cảnh dây chuyền sản xuất F-35 của hãng Lockheed Martin