Luật sư Nguyễn Hữu Học, Đoàn Luật sư TPHCM, trả lời: Điều 55 Luật BHXH 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau:
1. NLĐ quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Từ ngày 1.1.2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế ban hành.
Do bạn sinh năm 1959, năm nay đã 58 tuổi và có số năm đóng BHXH 21 năm, nên để được nghỉ hưu sớm thì cần phải giám định suy giảm khả năng lao động.
Nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì sẽ đủ điều kiện nghỉ hưu sớm, nhưng cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi (60 với nam, 55 với nữ) bị trừ 2%.
Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỉ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Mức lương hưu của bạn được tính tùy thuộc vào năm nghỉ hưu. Nếu bạn nghỉ hưu trong năm 2017, thì 15 năm đóng BHXH ban đầu được tính bằng 45%, những năm đã đóng BHXH còn lại tính 2%.
Nếu bạn nghỉ hưu trong năm 2018, thì 16 năm đóng BHXH ban đầu được tính bằng 45%, những năm đã đóng BHXH còn lại tính 2%.
Nếu bạn nghỉ hưu trong năm 2019 (khi đủ 60 tuổi, không phải trừ tỉ lệ % lương hưu do nghỉ trước tuổi), thì 17 năm đóng BHXH ban đầu được tính bằng 45%, những năm đã đóng BHXH còn lại tính 2%.