Mệt mỏi đi khám ra suy tim
Trường hợp anh Vũ Văn Th (trú tại Sơn Tây, Hà Nội) bị suy tim nhưng không hề hay biết. Anh Th chỉ cảm thấy trong người mệt mỏi. Cách đây, 1 tháng anh Th đi khám bệnh, ban đầu bác sĩ cho biết anh bị suy nhược cơ thể chỉ cần nghỉ ngơi sẽ đỡ và uống thêm ít thuốc bổ.
Tuy nhiên, khi về nhà anh Th tiếp tục rơi vào tình trạng mệt mỏi kèm theo những cơn ngộp thở, anh Th kể chỉ cần đi cầu thang cũng thấy mệt. Anh Th xuống Hà Nội kiểm tra bác sĩ cho biết anh bị suy tim độ 2.
Suy tim nguy hiểm hơn cả ung thư
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Hằng (52 tuổi, trú tại Hải Phòng) cho biết bà bị phù, ban đầu mắt bà cứ híp lại nhìn phù thũng nhưng mọi người nói có thể bà béo. Sau đó, chân bắt đầu phù, mắt cá chân phù to ấn được cả ngón tay vào. Bà Hằng nghĩ mình bị bệnh thận nên đi bệnh viện kiểm tra. Tuy nhiên, bà không bị thận mà bị suy tim.
Trường hợp của em N.V.Đ (17 tuổi, Thái Bình) bị suy tim, ban đầu Đ bị sốt cao, gia đình nghi bị sốt virus nên điều trị tại nhà. Mấy hôm sau, Đ đi học trở lại bình thường.
Một thơi gian sau Đ xuất hiện tức ngực, khó thở nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình thăm khám và kết luận là bị suy tim.
Sau đó, gia đình đã tức tốc đưa Đ vào Bệnh viện Bạch Mai khám, bác sĩ thông báo nam sinh này bị suy tim rất nặng và chỉ định phải ghép tim thì mới có thể sống.
Nguy hiểm hơn cả ung thư
Bác sĩ Bùi Thế Dũng - Trưởng Khoa Nội Tim mạch (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết một thống kê mới đây cho thấy tần suất mắc suy tim ở độ tuổi trên 65 là khoảng 1/100 dân. Tỷ lệ mắc suy tim ở nam cao hơn nữ giới.
BS Dũng cho biết hiện nay trên thế giới có 23 triệu người bị suy tim và bệnh suy tim đang trở thành một vấn đề lớn của toàn nhân loại. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 1,6 triệu người bệnh suy tim.
Bác sĩ Dũng cho biết suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, hậu quả của những tổn thương hay rối loạn chức năng của quả tim dẫn đến tâm thất không đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc bơm máu đi nuôi cơ thể.
Cụ thể, suy tim là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau như: bệnh lý van tim, cơ tim, màng ngoài tim, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh tuyến giáp...
Trong đó, nguyên nhân gây suy tim phổ biến nhất là bệnh lý mạch vành, chiếm tỷ lệ trên 50%. Các nguyên nhân phổ biến tiếp theo là tăng huyết áp và bệnh lý van tim.
Suy tim gia tăng theo tuổi thọ. Một thống kê mới đây cho thấy tần suất mắc suy tim ở độ tuổi trên 65 là khoảng 1/100 dân. Tỷ lệ mắc suy tim ở nam cao hơn nữ.
Theo bác sĩ Dũng, suy tim ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhiều mức độ khác nhau: từ suy giảm khả năng gắng sức, giảm tập trung, giảm chất lượng giấc ngủ; cho đến khó thở thường xuyên khiến người bệnh phải nằm nghỉ thường xuyên và tăng số lần nhập viện.
Đặc biệt, ảnh hưởng của suy tim đến chất lượng sức khỏe sẽ càng nặng nề hơn trên người bệnh có các yếu tố trẻ tuổi, là nữ giới, mắc bệnh béo phì, đái tháo đường, trầm cảm, mắc chứng ngưng thở khi ngủ hoặc người bệnh đã bước vào giai đoạn suy tim nặng.
Suy tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong những bệnh lý tim mạch. Có khoảng 50.000 người bệnh suy tim tử vong hàng năm. Tỷ lệ tử vong do suy tim thậm chí cao hơn tỷ lệ tử vong do một số loại bệnh ung thư. Mặc dù hiện có rất nhiều tiến bộ trong điều trị, tỷ lệ tử vong do suy tim vẫn còn rất cao.
Dấu hiệu của suy tim được bác sĩ cảnh báo đó là khó thở, ho, một số có thể có cơn đau tức ngực. Nếu thêm phù kết hợp với ho, khó thở thì rất có thể phù này là do suy tim.
Đặc biệt dấu hiệu vàng đó là khó thở có thể khó thở khi gắng sức, khó thở khi không gắng sức, khó thở khi sinh hoạt bình thường, thậm chí ăn, ngủ cũng thấy khó thở cần đi khám có thể là dấu hiệu của suy tim.