500 nhà khoa học cung cấp bằng chứng chứng minh: "Cú lừa đảo vĩ đại thế kỷ 21" là sai!

Trang Ly |

Phủ nhận biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu chỉ khiến chúng ta ngày càng phải đối mặt với những thảm họa tự nhiên khó lường.

Liên quan đến việc Tiến sĩ Ngô Quang Toàn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ Biển (IARMST), thành viên Tổng hội Địa chất Việt Nam phát biểu trên một tờ báo, có đoạn:

Các nhà khoa học nổi tiếng thế giới cho rằng những câu chuyện như "hiệu ứng nhà kính", khí hậu Trái Đất đang nóng dần lên, băng đang tan chảy, nước biển đang dâng cao... là những kịch bản lừa đảo vĩ đại của loài người cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.

Vậy, các nhà khoa học khí hậu Mỹ nói gì?

Hãy xem những phân tích của nhà khoa học khí hậu làm việc tại Trung tâm dữ liệu của NOAA (Cục quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ) Jessica Blunden đăng trên website Climate.gov để hiểu rõ thực hư chuyện có "kịch bản lừa đảo vĩ đại của loài người" hay không!

Theo bản báo cáo quốc tế của NOAA (State of the Climate report), "vượt mặt" năm 2015, năm 2016 chính thức là năm nóng nhất trong lịch sử 137 năm ghi chép về nhiệt độ của con người.

Mức nhiệt kỷ lục năm 2016 là kết quả từ việc nóng lên toàn cầu diễn ra trong thời gian dài, cộng hưởng với hiện tượng El Niño diễn ra mạnh mẽ vào đầu năm 2016.

Ảnh 1: Biểu đồ nhiệt độ toàn cầu năm 1900 - 2000

500 nhà khoa học cung cấp bằng chứng chứng minh: Cú lừa đảo vĩ đại thế kỷ 21 là sai! - Ảnh 1.

Nguồn: NOAA Climate.gov graphic.

Theo NOAA, các chỉ số chính của biến đổi khí hậu tiếp tục phản ánh xu hướng của một hành tinh đang nóng dần lên. Một số dấu hiệu chính như: Nhiệt độ của đất liền và đại dương, mực nước biển và nồng độ khí nhà kính trong khí quyển đã phá vỡ kỷ lục mà năm 2015 từng lập.

Bản báo cáo hàng năm lần thứ 27 này do NOAA thực hiện dựa trên những đóng góp, nghiên cứu của 500 nhà khoa học đến từ hơn 60 quốc gia trên thế giới. Các số liệu lấy từ hàng chục nghìn phép đo, cung cấp cập nhật chi tiết về các chỉ số khí hậu toàn cầu, các sự kiện thời tiết đáng chú ý.

Dưới đây là dẫn chứng về một hành tinh đang nóng dần lên trong năm 2016 mà chúng ta phải đối mặt:

1. Nồng độ khí nhà kính tăng kỷ lục

Ảnh 2: Nồng độ khí CO2 hàng tháng từ năm 1980 - 2010.

500 nhà khoa học cung cấp bằng chứng chứng minh: Cú lừa đảo vĩ đại thế kỷ 21 là sai! - Ảnh 2.

Nguồn: NOAA Climate.gov graphic.

Nồng độ các khí gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu (bao gồm CO2, mêtan và oxit nitơ...) đã tăng ở mức kỷ lục trong riêng năm 2016.

Cụ thể, nồng độ khí CO2 trong khí quyển năm 2016 đạt 402,9 ppm. Tăng hơn so với năm 2015 là 3,5 ppm, trở thành năm (2016) có nồng độ CO2 trong khí quyển lớn nhất trong 58 năm được con người quan sát. Chỉ số này còn tăng rất nhiều so với nồng độ CO2 thu được từ dữ liệu lấy được trong các mẫu vật niên đại cách đây 800.000 năm.

2. Nhiệt độ bề mặt toàn cầu đạt mức kỷ lục

Ảnh 3: Những khu vực có nhiệt độ nóng trong ngày cao

500 nhà khoa học cung cấp bằng chứng chứng minh: Cú lừa đảo vĩ đại thế kỷ 21 là sai! - Ảnh 3.

Nguồn: NOAA Climate.gov graph/Dựa trên dữ liệu của Robert Dunn.

Ảnh 4: Mức nhiệt những ngày nóng nhất trong năm

500 nhà khoa học cung cấp bằng chứng chứng minh: Cú lừa đảo vĩ đại thế kỷ 21 là sai! - Ảnh 4.

Do ảnh hưởng của đợt El Niño diễn ra mạnh mẽ vào đầu năm 2016, nhiệt độ toàn cầu năm 2016 đạt mức cao kỷ lục, biến nó trở thành năm thứ 3 liên tiếp có nhiệt độ trên phạm vị toàn cầu cao nhất trong lịch sử.

3. Mức nhiệt tại tầng đối lưu thấp đạt mức kỷ lục

Trong vùng khí quyển nằm ngay phía trên bề mặt Trái Đất, nhiệt độ tầng đối lưu thấp trên phạm vi toàn cầu đạt mức cao nhất. Trong khi đó, nhiệt độ bề mặt biển năm 2016 cũng được ghi nhận là cao nhất.

Theo đó, xu hướng nhiệt độ bề mặt biển toàn cầu trong giai đoạn 2000 - 2016 tăng lên rất nhiều, ở mức 1,62°C, so với mức nhiệt 1,0°C giai đoạn 1950 - 2016.

4. Nhiệt độ đại dương toàn cầu chạm mức gần kỷ lục

Ảnh 5: Các khu vực đại dương có nhiệt độ chạm mức gần kỷ lục

500 nhà khoa học cung cấp bằng chứng chứng minh: Cú lừa đảo vĩ đại thế kỷ 21 là sai! - Ảnh 5.

Nguồn: NOAA Climate.gov map.

Trên phạm vi toàn cầu, nhiệt độ của đại dương giảm nhẹ so với năm 2015. Tuy nhiên, năm 2016 lại ghi nhận sự tích lũy năng lượng nhiệt trên bề mặt đại dương ngày càng lớn, ở mức 700 mét tính từ bề mặt đại dương.

Các nhà khoa học cho biết, đại dương trên thế giới đang hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa của Trái Đất do sự nóng lên toàn cầu gây ra.

5. Mực nước biển cao mức kỷ lục

Báo cáo cho biết, mực nước biển năm 2016 đã tăng lên 82mm, cao rất nhiều so với trung bình năm 1993 (năm 1993 được xác nhận là năm khởi đầu của các chỉ số đo mực nước biển).

Hơn hai thập kỷ trôi qua, mực nước biển đang ngày càng tăng không ngừng, khoảng 3,4 mm mỗi năm, và khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương được xem là có mức tăng cao nhất so với các đại dương khác.

6. Bắc Cực tiếp tục ấm dần lên

Nhiệt độ bề mặt đất liền ở Bắc Cực năm 2016 tăng lên 2,0°C, cao hơn mức nhiệt từ các năm 1981 - 2010, phá vỡ kỷ lục tăng trước đó vào năm 2007, 2011 và 2015 (ở mức 0,8°C).

So với kỷ lục đo được năm 1900, mức nhiệt 2,0°C năm 2016 tăng 3,5°C.

7. Băng, tuyết liên tục tan

500 nhà khoa học cung cấp bằng chứng chứng minh: Cú lừa đảo vĩ đại thế kỷ 21 là sai! - Ảnh 6.

Ảnh minh họa: Theunveilingjourney.com.

Dữ liệu ban đầu chỉ ra rằng, năm 2016 là năm thứ 37 liên tiếp băng tuyết sụp đổ, trung bình mất khoảng 852mm mỗi năm.

Ở khu vực Bắc bán cầu, độ che phủ của tuyết tiếp tục giảm dần. Trong khi đó, theo đài quan sát Canada, mức nhiệt ở bên dưới bề mặt băng 20m, nhiệt độ tăng cao.

Ở vùng Nam Cực, sau một quá trình dài nứt gãy, tảng băng 1.000 tỷ tấn, có diện tích gấp 4 lần London đã rời ra khỏi thềm băng, trở thành tảng băng trôi lớn nhất trong lịch sử.

8. Lốc xoáy nhiệt đới đang tăng dần

Báo cáo cho biết, có 93 cơn bão nhiệt đới được đặt tên trên tất cả các lưu vực của đại dương vào năm 2016. Con số này cao hơn nhiều so với trung bình của các năm từ 1981 - 2010 là 82 cơn bão.

Ba lưu vực đại dương là Bắc Đại Tây Dương, Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương là những khu vực có nhiều lốc xoáy nhiệt đới diễn ra nhất trong năm 2016.

Tiểu kết

Như vậy, theo các số liệu tổng kết được từ các nhà khoa học trên 60 quốc gia, Trái Đất đang ngày càng nóng dần lên, kéo theo đó là hàng loạt các hiện tượng liên quan đến biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan... liên tiếp xảy ra khiến cho chính con người chúng ta phải gánh chịu.

Các nhà khoa học đã mất 30 năm dài để tranh cãi xem biến đổi khí hậu là do tự nhiên hay do chính con người chúng ta. Và câu trả lời đến từ chính chúng ta (nguyên nhân chủ yếu) từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, giao thông, xây dựng…

Hơn lúc nào hết, nếu chúng ta không hành động để "sửa sai" thì chính chúng ta và thế hệ con cháu tương lai sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường từ Mẹ Thiên Nhiên!

Bài viết sử dụng nguồn: Climate.gov

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại