50 nghìn người bị sốt xuất huyết, bác sĩ chỉ ra 3 cấm kỵ khi bị bệnh này

Thảo Nguyên |

Cho đến thời điểm này các cơ sở y tế tại Hà Nội và phía nam đang gồng mình chống dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, cách điều trị sai lầm của người dân có thể làm bệnh nguy hiểm hơn.

Đã có 15 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương mỗi ngày có tới 200 bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến khám và điều trị.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, dịch sốt xuất huyết hiện đang rất căng thẳng tại Hà Nội và cả phía Nam. Cả nước ghi nhận trên 50 nghìn trường hợp. Tuy nhiên số ca mắc của miền Bắc năm nay tăng nhanh, diễn biến bất thường do khí hậu thay đổi, mưa nhiều.

Sau mưa, những nơi nước đọng là ổ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng, bọ gậy nở ra càng nhiều. Ví như tại Hà Nội trong tuần qua đã ghi nhận thêm gần 1.200 ca bệnh mắc sốt xuất huyết.

Tình hình diễn biến sốt xuất huyết hết sức phức tạp. PGS.TS Nguyễn Văn Kính chia sẻ năm nay dịch ở Hà Nội phức tạp và nhiều bệnh nhân nặng. So với mọi năm, bệnh nhân tử vong sốt xuất huyết do biến chứng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là vấn đề rất lớn và bất thường.

So với những năm trước, bệnh viện chỉ ghi nhận 1 – 2 ca tử vong liên quan đến xuất huyết não, thì năm nay đã có 5 bệnh nhân tử vong do biến chứng này.

50 nghìn người bị sốt xuất huyết, bác sĩ chỉ ra 3 cấm kỵ khi bị bệnh này - Ảnh 1.

TS Cường chăm sóc cho bệnh nhân sốt xuất huyết

Tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhiệt đới trung ương hầu như ngày nào cũng có 4 – 5 bệnh nhân bị sốt xuất huyết có dấu hiệu đe dọa sốc, xuất huyết phải chuyển xuống cấp cứu và khi tình hình diễn biến tốt hơn bệnh nhân lại được chuyển về phòng điều trị.

Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai tình hình bệnh sốt xuất huyết cũng rất căng thẳng. TS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết tháng 7 hiện đang là giai đoạn đỉnh cao với số mắc tăng đột biến. Từ đầu tháng 7 đã có 90 ca điều trị nội trú, tăng gấp đôi tháng 6.

Hiện tại có đến 2/3 số giường bệnh của Khoa là dành cho điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Dù bệnh nhân vào điều trị khoảng 1 tuần được ra viện, ít biến chứng nhưng số bệnh nhân vào viện không ngừng tăng lên.

Thực tế, giường của bệnh viện không đủ cho bệnh nhân nên hiện nay bệnh viện phải tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất, bổ sung thuốc men, dịch truyền, hạ sốt sẵn sàng, đồng thời giải quyết ra viện sớm cho các trường hợp bệnh nhẹ khác để ứng phó với bệnh sốt xuất huyết.

Hiện, cả nước đã ghi nhận trên 50.000 trường hợp mắc, 15 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Đáng chú ý là số ca mắc của miền Bắc năm nay tăng nhanh, diễn biến bất thường do khí hậu thay đổi, mưa nhiều, những nơi nước đọng là ổ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

3 cấm kỵ khi bị sốt xuất huyết

 Dấu hiệu của sốt xuất huyết khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau mình mẩy kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, da xung huyết, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chân răng, nên đến bệnh viện khám để xác định sớm xuất sốt huyết và điều trị kịp thời đúng bệnh.

TS Đỗ Duy Cường cho biết sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà nếu chưa có biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh hay tự ý sử dụng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập.

TS Cường cho biết sốt xuất huyết có triệu chứng sốt cao nên người nhà thường cho sử dụng thuốc liên tục nhất là trẻ em cứ sốt cao là cho uống hạ sốt.

TS Cường nhấn mạnh sốt xuất huyết bệnh này sốt do vi rút nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục tăng cao. Người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày khoảng cách thời gian là 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em.

50 nghìn người bị sốt xuất huyết, bác sĩ chỉ ra 3 cấm kỵ khi bị bệnh này - Ảnh 2.

Chỉ dùng thuốc hạ sốt paracetamol

Làm gì khi hạ sốt: Khi sốt cao trên 39oC có thể dùng thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm, không hạ sốt bằng nước đá lạnh vì sẽ gây co mạch.

Đặc biệt, thuốc hạ sốt với sốt xuất huyết chỉ được dùng là paracetamol đơn chất.

TS Cường nhấn mạnh tuyệt đối không sử dụng các biện pháp hạ sốt sau:

Thứ nhất: không dùng thuốc aspirin, ibuprofen để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

Thứ hai: không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.

Thứ ba: Không dùng kháng sinh vì sốt xuất huyết là sốt do vi rút nên tuyệt đối không dùng kháng sinh để điều trị vì kháng sinh không có tác dụng với vi rut.

Chăm sóc người sốt xuất huyết: Ngoài thuốc hạ sốt cần bù dịch sớm bằng đường uống như nước oresol, nước trái cây (nước dừa, nước cam, nước chanh), hoặc nước cháo loãng với muối. Ăn uống đủ chất, bổ sung dinh dưỡng cần thiết,  không kiêng tắm rửa mà nên giữ vệ sinh sạch sẽ.

Phòng sốt xuất huyết:  Bác sĩ  Cường cũng cho biết sốt xuất huyết là bệnh không có vắc xin, do đó, biện pháp phòng chống hiệu quả là diệt muỗi, bọ gậy. Đặc điểm của muỗi truyền vi rút gây bệnh sốt xuất huyết thường sống ở đô thị, gần người, trong nhà hoặc quanh nhà. Chúng hoạt động mạnh vào sáng sớm và buổi chiều tối. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại