5 yếu tố nguy cơ chính dẫn tới đột quỵ, nhiều người Việt đang chủ quan

Ngọc Minh |

Theo chuyên gia, việc chủ quan không kiểm soát các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân khiến cho Việt Nam thuộc nhóm nước có số ca đột quỵ cao nhất thế giới.

Nội dung chính

  • Đột quỵ có thể phòng ngừa được
  • Thời gian cấp cứu đột quỵ
  • Cách điều trị đột quỵ hiệu quả


Đột quỵ có thể phòng ngừa được

Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm màu đỏ đậm nhất - tức nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất với tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 mỗi năm.

BSCKII Phạm Thị Ngọc Quyên, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, các yếu tố nguy cơ chính gây ra đột quỵ bao gồm: tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, béo phì và hút thuốc lá. 

Theo bác sĩ Quyên, số ca đột quỵ tại Việt Nam cao là do người dân còn chủ quan không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Do vậy, để giảm số ca đột quỵ, cần phải kiểm soát các yếu tố này thông qua chế độ ăn uống hợp lý.

Bên cạnh đó, cần phải kết hợp với tập luyện thể dục thường xuyên, tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị các bệnh liên quan, từ đó có thể phòng ngừa đột quỵ một cách hiệu quả.

Theo bác sĩ Quyên, với người đã từng bị đột quỵ, ngoài việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ này, cần phải tìm và điều trị chính xác nguyên nhân gây bệnh, sử dụng các thuốc dự phòng lâu dài để ngăn ngừa tái phát.

Nhiều người nghĩ rằng đột quỵ là một căn bệnh không thể phòng tránh được, nhưng thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Nếu đã từng trải qua đột quỵ, việc tiếp tục tuân thủ điều trị và duy trì lối sống lành mạnh là điều rất quan trọng để ngăn ngừa tái phát”, bác sĩ Quyên nói.

Cấp cứu đột quỵ cần tranh thủ từng giây

TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ, đột quỵ là một tình trạng y khoa khẩn cấp. Mỗi phút trôi qua khi người bệnh chưa được cấp cứu kịp thời, hàng triệu tế bào não có thể bị tổn thương không thể phục hồi. Chính vì thế, trong điều trị đột quỵ, thời gian đóng vai trò quyết định đến sự sống còn và khả năng phục hồi của người bệnh.

Đối với đột quỵ, mỗi giây đều quý. Chính vì vậy, chúng ta phải nhận biết đột quỵ ngay khi nó xảy ra và cấp cứu không chậm trễ.

Mặc dù thời gian cấp cứu đột quỵ hiện tại có thể mở rộng tới 24 giờ, tính từ lúc khởi phát triệu chứng, nhưng càng muộn thì hiệu quả sẽ càng giảm. Điều này đồng nghĩa với cơ hội sống và hồi phục trở về cuộc sống bình thường của người bệnh càng giảm. Chính vì vậy, khi thấy một người bị đột quỵ, cần đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt ở một bệnh viện điều trị được đột quỵ, tốt nhất là thông qua hệ thống cấp cứu ngoại viện với số điện thoại 115”, bác sĩ Thắng nói.

Cách điều trị đột quỵ hiệu quả

Theo bác sĩ Thắng, người bệnh đột quỵ thiếu máu não khi tới bệnh viện sẽ được cấp cứu tổng lực để thông được mạch máu càng sớm càng tốt, có thể bằng thuốc tan cục máu tiêm vào tĩnh mạch, hoặc bằng can thiệp nội mạch lấy huyết khối, hoặc phối hợp cả hai.

 - Ảnh 1.

Bác sĩ Thắng chia sẻ về kiến thức phòng ngừa đột quỵ (ảnh: Minh Trí).

Các biện pháp này đã được chứng minh có thể cứu sống người bệnh đột quỵ rất ngoạn mục và giúp họ có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường.

Bên cạnh thuốc tan cục máu hay thuốc tiêu sợi huyết, nhiều trường hợp đột quỵ do tắc động mạch lớn đã được tái thông mạch máu thành công bằng can thiệp nội mạch.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thời gian trung bình từ lúc người bệnh nhập viện đến khi được tiêm thuốc tiêu huyết khối chỉ là 25-28 phút, vượt xa tiêu chuẩn quốc tế là 60 phút.

Dấu hiệu của đột quỵ

Dấu hiệu FAST trong đột quỵ giúp mọi người nhận diện triệu chứng của đột quỵ một cách nhanh chóng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động nhanh chóng khi phát hiện ra các triệu chứng này. 

F (Face – Khuôn mặt)

Một bên khuôn mặt trở nên chảy xệ hoặc mắt bị sụp xuống. Khi cười, miệng người bệnh có thể méo qua một bên, hai bên mặt trở nên mất cân đối.

A (Arms – Cánh tay)

Một hoặc cả hai cánh tay không thể nâng lên qua cao khỏi đầu, nâng thẳng tay hoặc có thể nâng lên nhưng bị rơi xuống ngay lập tức.

S (Speech – Lời nói)

Nói lắp, nói khó hiểu hoặc không thể phát âm rõ ràng một từ, không thể nói hết một câu,... Ngoài ra, việc gặp khó khăn trong việc tìm ra từ ngữ để mô tả suy nghĩ của mình hoặc không thể nói một cách mạch lạc cũng là những dấu hiệu đột quỵ.

T (Time – Thời gian)

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ một trong các triệu chứng trên, hoặc toàn bộ các dấu hiệu FAST của đột quỵ, bạn cần gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức. Thời gian là yếu tố quan trọng trong việc điều trị đột quỵ. Bệnh nhân càng được điều trị nhanh chóng thì khả năng phục hồi càng cao, giảm thiểu các biến chứng do tổn thương não bộ khi đột quỵ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại