Trong giới nghiên cứu lưu truyền câu "xuất bản hay tiêu tùng" (publish or perish). Năm qua, bị thúc bách bởi khẩu hiệu này, có những nhà khoa học đã dùng dữ liệu giả, mạo danh quyền tác giả, đạo văn hoặc các yếu tố lừa dối khác trong các nghiên cứu của mình để rồi rơi vào tình trạng "xuất bản và tiêu tùng" khi bị phát hiện.
Các bài báo khoa học với thông tin bị cố ý làm sai lệch hoặc sẽ được yêu cầu sửa chữa hoặc bị rút lại, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của việc sai lệch thông tin.
Một phân tích dữ liệu trên tạp chí Science được thực hiện bởi tổ chức phi lợi nhuận Retraction Watch chuyên theo dõi việc rút lại các báo cáo khoa học và điều tra những hành vi sai trái trong khoa học, cho thấy, tốc độ gia tăng các bài báo khoa học bị rút lại đã chậm đi sau một thập kỷ tăng liên tục.
Tuy nhiên, thật không may, một số bài báo giả mạo, đặc biệt là những bài báo tốt đến khó tin, đã gây ảnh hưởng đến lĩnh vực của nó trong nhiều năm trước khi bị phát hiện, gây ra lãng phí thời gian, tiền bạc và rất có thể nguy hiểm đối với đời sống con người.
Dựa trên danh sách của Retraction Watch và các trường hợp được đưa tin rộng rãi, có rất nhiều lựa chọn cho danh sách những bài báo khoa học nổi tiếng nhất bị rút lại.
Dưới đây là danh sách các bài báo khoa học bị rút lại gây nhiều chú ý nhất trong năm 2018, theo thứ tự đếm ngược, do Live Science bình chọn.
5. “Măng tây” thế chỗ “gừng”
Bài báo do Fahim Ullah đứng đầu, được công bố năm 2018 trên tạp chí Khoa học thực phẩm & Dinh dưỡng (Food Science & Nutrition), dường như chỉ thay thế từ "măng tây" vào những chỗ có từ "gừng" trong nghiên cứu về gừng của S. K. Sansaniwal và M. Kumar, từ tiêu đề đến tóm tắt, từ giới thiệu đến kết luận.
Ngay cả các số liệu đo đạc, dựa trên hoạt động của mặt trời ở các quốc gia và năm khác nhau - Ấn Độ 2014 so với Trung Quốc 2016 – cũng giống đến từng chữ số thập phân thứ hai.
Các tác giả của bài báo về gừng đã phát hiện bài viết của họ bị đạo văn và yêu cầu bài báo “măng tây” phải bị rút lại nhanh chóng.
Theo Retraction Watch, đây không phải là lần đầu tiên tác giả Fahim Ullah có bài báo bị rút lại.
Bài báo năm 2018 của ông trên tạp chí Desalination, "Phân tích hiệu suất của một thiết bị chưng cất nước kiêm sấy khô dùng năng lượng mặt trời ", cũng đạo văn một bài báo năm 2016, "Nghiên cứu thực nghiệm của một thiết bị chưng cất nước kiêm sấy khô dùng năng lượng mặt trời”.
4. Máu, mồ hôi và có lẽ là cả nước mắt
Nếu khoa học là môn thể thao tiếp xúc thì đổ một ít máu có thể cho thấy lòng quyết tâm của bạn. Tuy thế, Maria Cristina Miron Elqutub, trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas, đã đẩy quan niệm này đi quá xa.
Vào tháng 5/2018, Văn phòng Liêm chính Nghiên cứu Hoa Kỳ (ORI) ra phán quyết Elqutub đã có hành vi sai trái trong nghiên cứu bằng cách sử dụng máu của chính mình trong một thí nghiệm và dán nhãn là mẫu bệnh phẩm của 98 bệnh nhân khác nhau.
Cho đến nay, theo báo cáo của Retraction Watch, điều sai trái này đã dẫn đến việc một nghiên cứu được đánh giá cao đăng năm 2015 trên tạp chí Cancer bị rút lại và có thể sẽ còn thêm các nghiên cứu khác nữa cũng bị rút lại.
ORI cho biết Elqutub đã thừa nhận hành vi sai trái và đồng ý để ORI xét duyệt các nghiên cứu của cô trong ba năm tiếp theo. Nhưng dường như cô không còn làm ngành nghiên cứu nữa. Theo báo Houston Chronicle, Elqutub hiện đang làm y tá tại một trường trung học.
3. Không gian dối, vẫn bị rút
Tạp chí PLOS ONE đã cho xuất bản một bài báo vào tháng 6/2017 để rồi phải rút lại vào tháng 3/2018, bất chấp các tác giả bài báo phản đối. Vấn đề không phải là do hành vi sai trái khoa học hay gian lận gì cả, mà thực tế là khi nhìn nhận lại, các biên tập viên thấy đây là một nghiên cứu khá nhảm nhí.
Bài báo có tiêu đề "Chế độ ăn phục hồi microbiome giúp cải thiện tiêu hóa, nhận thức và sức khỏe thể chất và tinh thần," của Kate Lawrence và Jeannette Hyde.
Lawrence là Tiến sĩ tâm lý học, giảng viên cao cấp tại Đại học St.Mary, London; Hyde là cử nhân về dinh dưỡng và tác giả của cuốn sách, tạm dịch "Làm mới đường ruột: 4 tuần để nuôi dưỡng ruột của bạn, cách mạng hóa sức khỏe và giảm cân".
Như chúng ta đoán, nghiên cứu hỗ trợ cho cuốn sách. Và mặc dù việc đó vốn không có gì sai, PLOS ONE quyết định rằng nghiên cứu trên thiếu độ tin cậy.
Các điểm yếu ở đây bao gồm thiết kế nghiên cứu kém; không có nhóm kiểm soát; không liệt kê các biến gây nhiễu; không đủ dữ liệu báo cáo để tái lập nghiên cứu; không có tính toán năng lực để chứng minh rằng cỡ mẫu là đủ để đánh giá các hiệu ứng dự đoán; và cũng không có gì hậu thuẫn cho khái niện chính của bài nghiên cứu là “phục hồi microbiome” vì các tác giả không đánh giá thành phần microbiome [hệ gene của các vi sinh vật sống trong và trên cơ thể con người] trong tập hợp bệnh nhân.
Việc PLOS ONE rút lại bài nghiên cứu này thực sự làm nổi bật sự yếu kém trong quy trình bình duyệt của tạp chí.
2. Ăn uống vô tâm, viết bài vô nghĩa
Cuốn sách "Ăn uống vô tâm: Tại sao chúng ta ăn nhiều hơn chúng ta nghĩ" năm 2010 của Brian Wansink, nhà tâm lý học từng làm việc tại Đại học Cornell, thuộc dạng sách bán chạy tại Mỹ, được ca ngợi bởi các tạp chí như O Magazine, The New York Times và nhiều phương tiện truyền thông đại chúng khác.
Cuốn sách và một nghiên cứu được cho là hỗ trợ cuốn sách xuất phát từ tiền đề cho rằng rất nhiều khía cạnh văn hóa Mỹ khuyến khích chúng ta ăn nhiều hơn những gì mình cần - chẳng hạn như phục vụ khẩu phần lớn hơn trên những chiếc đĩa lớn hơn, quảng cáo thực phẩm có mặt ở khắp mọi nơi, hay kẹo ngọt được đặt cạnh làn thanh toán ở siêu thị. Điều này nghe có vẻ hợp lý. Nhưng theo Đại học Cornell, các nghiên cứu chứng minh việc ăn uống vô tâm có thể đã dựa trên những dữ liệu gian lận một cách chủ ý. Đại học này đã điều tra các cáo buộc về hành vi sai trái liên quan đến toàn bộ các nghiên cứu của Wansink.
Hồi tháng 9/2018, Đại học Cornell tuyên bố, GSWansink đã có hành vi sai trái trong nghiên cứu và học thuật, bao gồm việc nhập sai dữ liệu nghiên cứu, sử dụng các kỹ thuật thống kê có vấn đề, không ghi chép và bảo toàn kết quả nghiên cứu đúng cách, và sử dụng tác quyền không phù hợp. Ông Wansink đã từ chức ở ĐH Cornell, và phủ nhận việc cố tình làm sai.
Wansink đã tự đưa chân xuống hố bằng một bài đăng trên blog vào năm 2016, khoe khoang về việc ông bảo một học viên cao học cứu vãn những kết quả vô giá trị của một nghiên cứu (nghĩa là các dữ liệu không ủng hộ giả thuyết mà nghiên cứu đó đặt ra) bằng cách sử dụng chúng trong một nghiên cứu khác.
Bài viết trên blog đó đã làm dấy lên nỗi lo ngại của nhiều nhà khoa học về tính trung thực trong những nghiên cứu của Wansink. Khi một số người khác đào sâu vào những công bố trước đây của Wansink, họ phát hiện các vấn đề nghiêm trọng trong phương pháp và phân tích thống kê được lặp lại trong nhiều năm.
Tính đến tháng 12/2018, theo cơ sở dữ liệu của Retraction Watch, Wansink đã có 18 bài báo khoa học và bài viết ngắn bị rút lại, và thêm 15 bài khác bị yêu cầu sửa lại.
Gần nhất Wansink cũng bị các biên tập viên của cuốn sách nấu ăn kinh điển "The Joy of Cooking" phản ứng. Trong một bài báo công bố vào năm 2009, Wansink tuyên bố rằng cuốn sách nấu ăn này đã nâng khẩu phần bữa ăn qua nhiều năm và tăng mức calo trung bình lên 44% [so với phiên bản xuất bản đầu tiên năm 1936] và coi điều này liên quan đến đại dịch béo phì.
Khi biết tin Wansink bị thất sủng từ năm ngoái, các biên tập viên của cuốn sách đã xem xét lại nghiên cứu đó của ông và thấy nó cũng thiếu sự chính xác về thống kê.
Do đó, bài nghiên cứu "Quá nhiều niềm vui nấu ăn: 70 năm lượng calo tăng lên trong những công thức nấu ăn cổ điển" đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine đã được rút lại vào ngày 4/12/2018, cùng với một bài báo khác của Wansink cũng đăng trên tạp chí đó.
1. Nghiên cứu đột phá về tim mạch khiến Harvard bị "ợ nóng"
Các nhà khoa học từng ca ngợi Tiến sĩ Piero Anversa (1938), trước đây từng làm việc ở Đại học Harvard, đã một mình phát minh ra lĩnh vực tế bào gốc của tim.
Các tế bào gốc như vậy không được cho là tồn tại trong tim. Phòng thí nghiệm của Anversa đã tìm thấy chúng hơn một thập kỷ trước, cô lập chúng và phát minh ra cách tiêm các tế bào đó vào cơ thể những người mắc bệnh nghiêm trọng về tim để tái tạo mô tim.
Hàng triệu đô la ngân sách liên bang đã đổ vào hướng nghiên cứu này, nhưng vẫn chưa đạt được lợi ích trị liệu nào.
Hiện giờ, các nhà khoa học đang tự hỏi Anversa đã thực sự “phát minh" được bao nhiêu trong lĩnh vực này. Một cuộc điều tra nội bộ tại Trường Y Harvard phát hiện rằng Anversa và các đồng nghiệp của mình đã làm sai lệch dữ liệu trong ít nhất 31 công bố, mặc dù Anversa vẫn được cho là vô tội.
Tất cả vụ việc này bắt đầu từ kỳ vọng to lớn năm 2001 khi phòng thí nghiệm của Anversa xuất bản một bài báo thách thức những giáo điều trên tạp chí Y khoa The New England Journal of Medicine, tuyên bố rằng trái tim, cũng giống như gan, có thể tái tạo được. Đó chính là bài báo đã khởi động hàng ngàn dự án nghiên cứu, bao gồm cả những thử nghiệm lâm sàng tiêm cho bệnh nhân những tế bào gốc của tim này.
Tuy nhiên, các nhóm nghiên cứu lâm sàng độc lập không biết rằng những thử nghiệm của họ có thể chẳng khác gì những nghiên cứu về giả dược (placebo) nếu như những tế bào gốc mà họ tiêm vào cơ thể không phải là tế bào gốc thực sự.
Harvard đã công bố kết quả điều tra nhiều năm vào tháng 10/2018 và gửi thông báo về hành vi sai trái đến các tạp chí mà Anversa và các đồng nghiệp của ông đã xuất bản.
Tính đến tháng 12/2018, đã có 13 công bố bị rút lại: 3 bài trên tạp chí Circulation và 10 bài trên tạp chí Circulation Research. Dự kiến sẽ còn nhiều nghiên cứu khác bị rút lại, vì những tạp chí khác cũng đã đánh dấu các bài báo của Anversa là "bày tỏ lo ngại", cho thấy rằng các bài báo đó cũng đang được xem xét kỹ lưỡng.
Trong khi đó, Brigham and Women's - bệnh viện giảng dạy của Harvard - đã đồng ý trả 10 triệu đô la cho chính phủ liên bang để giải quyết các cáo buộc rằng tổ chức này đã lừa đảo lấy tiền tài trợ.
Năm 2015, Anversa đã rời khỏi Đại học Harvard.