Đột quỵ là một trong ba nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại Việt Nam và đứng hàng đầu về tỷ lệ di chứng sau điều trị. Hầu hết các cơn đột quỵ đều xảy ra đột ngột, cần có sự chẩn đoán và can thiệp y tế kịp thời.
Theo ThS.Bs Chu Văn Vinh – Khoa Nội – Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đột quỵ não là bệnh hết sức nguy hiểm, có thể để lại di chứng nặng nề, thậm trí ảnh hưởng tới tính mạng. Khi xảy ra đột quỵ não, việc phát hiện, cấp cứu và xử trí kịp thời đóng vai trò rất quan trọng. Người bị đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ thiếu máu não nếu được cấp cứu sớm trong khoảng 3- 4,5 giờ sau khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên của đột quỵ, sẽ giảm được nguy cơ tử vong cũng như hạn chế tối đa các di chứng của thiếu máu não như yếu liệt.
Theo chia sẻ của ThS.Bs Chu Văn Vinh, hiện tại, hội tim mạch Mỹ (AHA) cũng như nhiều tổ chức khác sử dụng dấu hiệu BEFAST là cụm các chữ cái đầu trong các triệu chứng chính của đột quỵ não để nhận biết sớm đột quỵ não.
+ B (lance): Mất thăng bằng, đau đầu chóng mặt
+ Eyesight: Mất thị lực 1 phần/hoàn toàn. Tầm nhìn bị mờ đột ngột
+ F (face): Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó, nhân trung bị lệch.
+ A (arm): Cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể.
+ S (speech): Giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ.
+ T (time): Khi một người có những triệu chứng trên thì rất có thể họ đã bị đột quỵ, vì vậy hãy gọi ngay cấp cứu (115) hoặc đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị bằng phương tiện phù hợp. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện càng sớm thì tổn thương càng ít, khả năng phục hồi càng cao, ngược lại đưa đến bệnh viện càng trễ thì càng có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Khi phát hiện người nghi bị đột quỵ não, nên làm những điều gì?
– Khi thấy người nghi bị đột quỵ não, một trong những việc đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là gọi ngay cấp cứu 115 và gọi người hỗ trợ.
– Người nhà cần hết sức bình tĩnh thay vì hoảng loạn. Cố gắng xác định thời điểm xảy ra đột quỵ và tình trạng của người bệnh để cung cấp cho nhân viên y tế cấp cứu và thực hiện theo hướng dẫn.
– Có thể thực hiện thêm một số việc sau:
+ Dìu người bệnh tránh để người bệnh bị ngã, chấn thương.
+ Để người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, kê cao đầu từ 20-30 độ, nằm nghiêng để tránh sặc khi bị nôn, lau sạch đờm dãi, nới lỏng quần áo, phụ kiện để người bệnh dễ thở.
+ Nếu người bệnh còn tỉnh, giao tiếp được hoặc khi có người hỗ trợ, hỏi thông tin về tình trạng bệnh lý, lịch sử và kết quả khám chữa bệnh, các thuốc đang sử dụng, để có thể trao đổi khi nhân viên 115 tới hoặc với bác sĩ khi tiếp nhận người bệnh. Các thông tin này hết sức có ích cho quá trình cấp cứu và điều trị người bệnh.
+ Nếu người bệnh bị rối loạn ý thức, kiểm tra mạch của người bệnh. Nếu người bệnh bị ngưng tim thực hiện ngay hồi sức tim phổi (hô hấp nhân tạo). Bạn có thể thông báo cho nhân viên y tế qua tổng đài cấp cứu 115 để được hướng dẫn khi bạn không biết cách làm.
Khi phát hiện người nhà có các dấu hiệu nghi đột quỵ não, có nên cho uống một số loại thuốc được đồn giúp chữa khỏi đột quỵ não?
– Tuyệt đối không tự ý cho uống hay dùng bất kỳ loại thuốc nào khi phát hiện người bệnh nghi ngờ đột quỵ não.
– Nếu người bệnh bị chảy máu não, việc tự ý cho dùng thuốc có thể dẫn tới rối loạn đông máu, tăng kích thước khối máu tụ, dẫn tới tình trạng bệnh nặng lên, thậm trí ảnh hưởng tới tính mạng.
– Ngoài ra, việc tự ý cho dùng thuốc có thể làm sặc vào đường hô hấp dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng do sặc, làm kéo dài thời gian cấp cứu người bệnh, hoặc gây ra chống chỉ định của các phương pháp điều trị tái thông.
Các biện pháp dân gian như cạo gió, chích máu có giúp người bệnh đột quỵ não hồi phục được không?
– Hoàn toàn không có cơ sở khoa học cho thấy các biện pháp dân gian có thể giúp giảm nhẹ hay hồi phục người bệnh bị đột quỵ não. Việc chích máu hay cạo gió chỉ làm kéo dài thêm thời gian cấp cứu người bệnh đột quỵ não, có thể dẫn tới các biến chứng, nguy hiểm, chống chỉ định của việc điều trị.
– Khả năng hồi phục của người bệnh đột quỵ não chủ yếu phụ thuộc vào thể bệnh, mức độ nặng của bệnh, vào việc cấp cứu và điều trị kịp thời, đúng cách cũng như quá trình tập phục hồi chức năng tích cực sau đột quỵ.