LỜI NGỎ
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) nhận định, Trái Đất đang rơi vào vòng xoáy của "sóng thần tuyệt chủng", rất nhiều loài sinh vật đang chết dần đi. Không nhiều người hiểu rằng, một khi đa dạng sinh học của hành tinh bị xáo trộn, thì con người sẽ phải đối mặt với những thảm họa đáng sợ gì từ sự mất cân bằng sinh thái.
Series bài viết liên quan đến các loài động vật, thực vật tuyệt chủng/có nguy cơ tuyệt chủng là một trong những nỗ lực cung cấp thông tin đến độc giả, nhằm khơi dậy tình yêu thiên nhiên, qua đó giúp chúng ta có cái nhìn trìu mến và trân trọng hơn với Trái Đất và sinh vật sống của nó.
Ai đó đã từng xem những thước phim quý giá trong bộ phim tài liệu "Racing Extinction - Cuộc đua Tuyệt chủng (2015)", chắc hẳn sẽ thấy hình ảnh một chú cá mập nhỏ bị cắt hết vây, thoi thóp để cố bơi trong lòng biển mặn... Số phận nó ra sao, chắc hẳn người xem đã đoán định được: Chết từ từ trong đau đớn.
Người kể chuyện của "Racing Extinction" nói rằng: Nếu xem lịch sử 4,6 tỷ năm của Trái Đất là một chiếc đồng hồ 24 giờ, thì con người ở đâu? - Câu trả lời là: Chỉ vài giây trước khi chuông đồng hồ điểm nửa đêm!
Vậy mà, cách chúng ta đối xử với Trái Đất đã để lại những hậu quả rất khốc liệt. Nhà khoa học nói rằng: Cách đây 65 triệu năm, thiên thạch lao vào Trái Đất đã gây ra cuộc đại tuyệt chủng kỷ Creta-Paleogen, khiến khủng long bị xóa sổ vĩnh viễn trên hành tinh. Bước sang thời đại mới, con người chính là mảnh thiên thạch đó.
Cùng với vạn vật trên Trái Đất, con người chỉ là một phần nhỏ của thế giới nhưng chúng ta tự cho mình quyền làm chủ hành tinh này, để rồi dần dần làm mất đi những giá trị thuần khiết nhất, tự nhiên nhất của tự nhiên.
Không chỉ săn bắt các loài động vật quý hiếm để phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày, con người còn muốn làm đẹp, chữa bệnh và thể hiện tầm sang trọng của mình. Bởi thế mới có những câu chuyện về sự dần biến mất của tê giác, voi châu Phi, tê tê, tê điểu, kỳ lân biển... Con người săn sừng, săn ngà, và vảy của chúng để thỏa mãn lòng tham không đáy của chính mình mà không chút nghĩ đến hậu quả đáng sợ về sự tuyệt chủng giống loài của chúng.
[Độc giả click để đọc thêm câu chuyện xúc động về Tê Điểu, Ngà voi, Kỳ lân biển]
Trở lại câu chuyện của loài cá mập dưới đại dương. Chúng là những sinh vật cổ xưa nhất trên Trái Đất còn tồn tại đến tận ngày nay. Nhưng số lượng của chúng đang bị suy giảm nghiêm trọng khi con người nhận thấy sự thể hiện đẳng cấp của mình thông qua bát súp vây cá mập (vi cá mập).
Một lần nữa hình ảnh con cá mập nhỏ cụt hết toàn bộ vây trên cơ thể, cứ thế thoi thóp trôi theo dòng nước mặn, lắng xuống đáy, trở thành lời cảnh tỉnh sâu sắc về lòng tham của những người đang tâm chiếm đoạt cuộc sống tự nhiên nhất của sinh vật biển này.
Hãy xem câu chuyện về loài động vật quan trọng của đại dương này bị con người tàn sát ra sao trong nhiều năm qua lời kể đanh thép của The Guardian...
Hai ngày trước Tết Nguyên Đán năm 2016. Tôi (cây viết Lauren Smith) đang ở Hồng Kông. Tôi thấy vây cá mập được bày bán ở khắp mọi nơi, phù hợp với mọi túi tiền của khách hàng. Bạn có thể mua chúng tại các cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc và làng chài.
Sụn trong vây cá mập thường được xắt nhỏ rồi chế biến thành món súp vi cá mập - một món ăn của người Trung Quốc có từ thời nhà Tống (960-1279), thể hiện sự xa xỉ, địa vị và may mắn.
Món soup vi cá mập trong ngày tết của người Trung Quốc. Photo: Shutterstock
Nguồn gốc của món súp vi cá mập gắn liền với Tống Thái Tổ (tại vị 960-976, là vị hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Tống). Người ta nói rằng, ông đã sáng tạo nên món súp vi cá mập để thể hiện sức mạnh, sự giàu có và hào phóng của mình.
Sự phổ biến của món ăn tăng lên trong thời nhà Minh (1368-1644). Từ thời điểm này trở đi, súp vi cá mập đã trở thành một món ăn truyền thống và vào thời nhà Thanh (1644-1912), nó trở thành món ăn không thể thiếu với những người có thế lực.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi sự phổ biến của một món ăn thể hiện sự quý phái và tinh hoa như vậy đã giảm xuống khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1980, Trung Quốc đã trải qua những cải cách kinh tế thị trường sâu rộng, và tầng lớp trung lưu, những người háo hức thể hiện sự giàu có, nhận thấy súp vi cá mập là cách thể hiện đẳng cấp nhất. Một lần nữa, món ăn này trở thành một trong những tiêu chí thể hiện sự sang giàu.
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhu cầu về súp vi cá mập đã tăng vọt. Món ăn này vẫn gắn liền với đặc quyền và thứ hạng xã hội - một bát súp có thể có giá lên tới hàng trăm bảng Anh - nhưng trước sự tăng trưởng bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc, điều này có nghĩa là hàng trăm triệu người hiện có thể mua được thứ xa xỉ này. Nhiều người coi đó là "sự thể hiện đẳng cấp" tại các sự kiện quan trọng như đám cưới, sinh nhật, tiệc kinh doanh và trong lễ mừng năm mới của người Trung Quốc.
Súp vây cá mập cũng phổ biến trong y học cổ truyền Trung Quốc (mặc dù nghiên cứu cho thấy nó chứa rất nhiều thủy ngân và các chất độc khác). Người ta ước tính rằng có tới 100 triệu con cá mập bị giết để ăn súp vi cá mập mỗi năm - một cuộc tàn sát bừa bãi đang đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng.
Món súp vi cá mập có nhiều mức giá khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố (như loại vây cá mập, hình dáng, cách phục vụ), mỗi bát súp vi cá mập có thể dao động từ 45 Pound đến 180 Bảng Anh (khoảng 5,5 triệu VND).
Sự gia tăng nhu cầu tất yếu dẫn đến việc cá mập bị nhắm đến chỉ vì chiếc vây của chúng. Thợ săn cá mập thường bắt cá mập, cắt cụt toàn bộ vây cá rồi ném phần còn lại (nguyên con cá, phần lớn trong tình trạng còn sống) xuống đại dương.
Các ngư dân thực hiện thực hành này thường bị lôi kéo bởi lợi ích ngắn hạn. Giá trả cho vây cao hơn so với đánh bắt thông thường của họ. Tất nhiên, họ được trả tương đối ít khi so với số tiền kiếm được từ các nhà hàng bán vây cá mập đã chế biến.
Các loại vây cá mập khác nhau. Photo: Lauren Smith
Ở Tây Phi, ngư dân săn cá mập thường nhanh chóng bị mắc kẹt trong một chu kỳ nợ với các thương nhân mua vây. Quần thể cá mập địa phương nhanh chóng cạn kiệt, có nghĩa là ngư dân phải đi xa hơn để tìm kiếm cá mập; để làm như vậy họ yêu cầu tàu lớn hơn và nhiều nhiên liệu hơn. Tiền cho việc này được các nhà giao dịch vây cho họ vay, sau đó họ khấu trừ một phần trong số này từ bất kỳ sản phẩm khai thác nào từ ngư dân.
Năm 2003, lần đầu tiên trong đời tôi biết đến thế giới kỳ diệu của đại dương, của loài cá mập.
Đó là trong khoảng thời gian tôi viết một bài báo về tình trạng bảo tồn của cá mập xanh (Prionace glauca), một loài được mệnh danh là "sói biển" với khả năng di cư cao. Trước đó, chúng được xem là loài cá mập đánh bị đánh bắt nhiều nhất trên thế giới, với tỷ lệ tử vong hàng năm ước tính từ 10 đến 20 triệu cá thể.
10 năm sau, vào năm 2013, tôi có cơ hội lặn cùng những con cá mập xanh ở vùng biển phía tây nam đảo Faial, Bồ Đào Nha. Đó là một trong những lần lặn đáng nhớ nhất mà tôi từng thực hiện: Những con cá mập tò mò, bóng bẩy và tuyệt đẹp, cùng hòa vào đoàn cá di cư (nhiều cá thể được chúng tôi gắn định vị GPS) trên đại dương.
Và rồi cảm giác cay đắng đến khi một trong những đồng nghiệp của tôi nói rằng, số cá mập mà chúng tôi lặn ngày hôm nay có thể sẽ kết thúc số mệnh của nó trên boong của một chiếc thuyền đánh cá vào tuần tới.
Hình ảnh những chiếc vây cá mập bị cắt, phần còn lại của con cá mập bị vứt xuống biển không thương tiếc. Photo: Dejavutruth
Với kỹ thuật khoa học hiện đại, các nhà nghiên cứu có thể tìm ra loài cá mập nào bị săn bắt và buôn bán nhiều nhất thông qua vây (đã bị cắt) của chúng. Số liệu từ một nghiên cứu năm 2006 cho thấy, ở Hồng Kông trong giai đoạn nghiên cứu, số lượng lớn vây thuộc về cá mập xanh, chiếm hơn 17% thị trường nói chung. Số còn lại thuộc về các loài mako (Isurus spp.), thresher (Alopias spp.), tiger (Galeocerdo cuvier), silky (Carcharhinus falciformes), dusky (C. obscuris), bull (C. leucas), oceanic white-tip (C. longimanus), sandbar (C. plumbeus) and hammerhead (Sphyrna spp.). Hai trong số các loài cá mập đầu búa nằm trong phân loại: Có nguy cơ tuyệt chủng.
Cùng với đó, các nhà khoa học cũng đưa ra bằng chứng cho thấy một tỷ lệ vây cá mập được đánh giá từ năm thành phố của Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông), chứa thủy ngân và chất độc khác ở nồng độ đủ cao để được coi là không an toàn cho con người.
Con người sợ cá mập và không quan tâm đến việc chúng có sống hay chết.
Nhưng...
Về mặt sinh thái, khi những kẻ săn mồi hàng đầu đại dương biến mất, sự thiếu hụt này sẽ phá vỡ toàn bộ hệ sinh thái đại dương.
Về mặt kinh tế, chúng đáng sống hơn chết - trái ngược với lợi nhuận ngắn hạn của việc vây cá mập, du lịch lặn ngắm cá mập đã trở thành một lĩnh vực khai thác bền vững, trị giá hàng triệu bảng Anh.
Về mặt khoa học, các nhà nghiên cứu y học muốn tìm hiểu làm thế nào vết thương của cá mập tự lành rất nhanh chóng và dường như chúng có khả năng chống ung thư.
Về mặt tâm linh, một đại dương không có cá mập là điều không tưởng - như thảo nguyên châu Phi thiếu bóng sư tử.
Hàng trăm triệu con cá mập bị giết hại mỗi năm. Photo: Fiona Ayerst/Marine Photobank
Chính phủ, các nhà khoa học và các nhà hoạt động môi trường thế giới đang làm rất nhiều việc để tuyên truyền thông điệp nhân văn đến người dùng, ngừng việc tiêu thụ súp vi cá mập hoặc các chế phẩm từ vây cá mập.
Năm 1999, Liên Hợp Quốc đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc tế về bảo tồn và quản lý cá mập, nhưng không có quốc gia nào buộc phải tham gia và tiến độ đã chậm lại. Ngoài ra, luật về cá mập rất khác nhau giữa các quốc gia.
Đạo luật Bảo tồn Cá mập Mỹ năm 2010 yêu cầu tất cả cá mập (trừ cá da trơn) phải được đưa lên bờ với vây còn nguyên. Nhiều người tin rằng đây là cách duy nhất để bảo đảm lệnh cấm đối với việc xử phạt cá mập, đồng thời cho phép thu thập dữ liệu quản lý theo loài cụ thể.
EU đã phê duyệt luật tương tự vào năm 2013 và các quốc gia khác đang tuân theo. Buôn bán một số loài cá mập bị cấm hoặc kiểm soát theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).
Khi người tiêu dùng không tiêu thụ sản phẩm, điều đó có nghĩa sẽ giảm được tỷ lệ săn bắt cá mập trên thế giới. Tuy nhiên, một người địa phương giải thích với tôi rằng doanh số bán vây cá mập của anh ta đã tăng 90% trong thời gian Tết Nguyên đán. Câu chuyện thay đổi nhận thức của người dùng không thể giải quyết ngày một, ngày hai.
Chúng ta nhìn thế giới bằng đôi mắt và đôi tai của mình rồi nghĩ rằng: Thế giới chỉ có như thế thôi, mà không chịu thấu hiểu: Bên dưới mặt nước, dưới lòng đất vẫn tồn tại những thế giới sống sinh động, đẹp đẽ, đang ngày đêm âm thầm giúp ích cho chính chúng ta!
Bài viết sử dụng các nguồn: Bộ phim tài liệu "Racing Extinction", Discoverwildlife, The Guardian, Ocean.si.edu
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.