Statin là một loại thuốc được sử dụng để hạ mỡ máu. Vai trò quan trọng nhất của statin là giúp giảm cholesterol “xấu” LDL; giảm triglycerides và tăng cholesterol “tốt” LDL. Điều này giúp giảm tổng hợp cholesterol trong gan, giúp củng cố thành mạch, giảm sưng viêm và giảm nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa.
Tuy nhiên, để điều chỉnh lượng mỡ máu trong cơ thể và phòng ngừa các bệnh tim mạch, ngoài việc sử dụng thuốc, chúng ta còn có thể sử dụng một số loại thực phẩm tốt cho tim mạch trong chế độ ăn hàng ngày. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một số loại thực phẩm có tác dụng như “statin tự nhiên”, nếu ăn thường xuyên có thể giúp điều chỉnh lượng mỡ máu trong cơ thể hiệu quả.
5 loại thực phẩm được mệnh danh như “statin tự nhiên”
1. Natto
Natto là sản phẩm từ đậu nành được người Nhật Bản ưa chuộng. Natto giàu dinh dưỡng bao gồm protein, vitamin K và khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe.
Đặc biệt, trong natto có chứa một loại enzym tự nhiên là nattokinase. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nattokinase có thể làm tan cục máu đông, giúp duy trì cấu trúc của thành mạch máu, cải thiện lưu lượng máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngoài ra, nattokinase cũng có tác dụng hạ huyết áp, giảm căng thẳng cho tim và phòng ngừa tình trạng đau tim hiệu quả.
Ảnh minh họa.
2. Quả sơn tra
Quả sơn tra có thể giúp giảm mỡ máu hiệu quả do có chứa axit maslinic, một loại axit hữu cơ có thể loại bỏ cholesterol, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thịt và quá trình chuyển hóa cholesterol.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chiết xuất quả sơn tra có thể cải thiện mức cholesterol trong máu do chứa nhiều flavonoid và pectin - một loại chất xơ tham gia vào quá trình chuyển hóa cholesterol.
Trong một nghiên cứu khác trên động vật, những con chuột được cho sử dụng hai liều chiết xuất quả sơn tra có lượng cholesterol toàn phần và cholesterol “xấu” LDL thấp hơn đáng kể. Ngoài ra, những con chuột này cũng có mức chất béo trung tính ở gan thấp hơn 28-47% so với những con chuột không sử dụng chiết xuất quả sơn tra.
Tương tự, một nghiên cứu khác kéo dài 6 tuần trên chuột cũng chỉ ra rằng những con chuột thường xuyên ăn quả sơn tra đã giảm đáng kể mức chất béo trung tính lúc đói và cholesterol "có hại" LDL.
Cuối cùng, một nghiên cứu kéo dài 6 tháng với sự tham gia của 64 người bị xơ vữa động mạch đã chỉ ra rằng sử dụng chiết xuất quả sơn tra với liều 5mg cho mỗi kilogam trọng lượng cơ thể có thể giúp làm giảm đáng kể độ dày của các mảng bám tích tụ trong động mạch cảnh.
Với lợi ích giảm mỡ máu hiệu quả kể trên, quả sơn tra được mệnh danh là “statin tự nhiên” cho những người bị mỡ máu cao.
Ảnh minh họa.
3. Cà chua
Cà chua rất giàu chất xơ và lycopene, có thể cải thiện mức lipid và giảm cholesterol LDL. Nghiên cứu cho thấy chế biến cà chua thành nước ép làm tăng hàm lượng lycopene của chúng, từ đó tăng thêm lợi ích cho sức khỏe.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Food and Chemical Toxicology đã tiến hành điều tra tác động của việc uống nước ép cà chua đối với tình trạng viêm, kháng insulin và mỡ máu cao. Kết quả cho thấy những người tham gia bổ sung nước ép cà chua vào chế độ ăn uống đã giảm đáng kể các dấu hiệu viêm, cải thiện chức năng nội mô (có tương quan với nguy cơ xơ vữa động mạch thấp hơn) khi so sánh với nhóm đối chứng.
Ngoài ra, nhóm những người thường xuyên uống nước ép cà chua đã giảm đáng kể lượng cholesterol LDL trong máu và có lượng cholesterol HDL tăng nhẹ.
Một nghiên cứu khác được đăng tải trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh cũng đã xem xét cụ thể tác động của việc tiêu thụ cà chua đối với mức cholesterol trong máu và quá trình oxy hóa LDL (góp phần hình thành mảng bám trên thành động mạch).
Theo đó, những người tham gia áp dụng chế độ ăn kiêng không cà chua trong 3 tuần hoặc chế độ ăn nhiều cà chua trong 3 tuần bao gồm cả uống nước ép cà chua.
Vào cuối cuộc nghiên cứu, những người tham gia có chế độ ăn nhiều cà chua đã giảm 5,9% lượng cholesterol toàn phần và giảm 12,9% lượng cholesterol LDL khi so sánh với nhóm không ăn cà chua.
Ảnh minh họa.
4. Quả kiwi
Quả kiwi có chứa đặc tính giúp làm giảm huyết áp. Bằng cách giúp duy trì huyết áp khỏe mạnh và tăng cường Vitamin C, quả kiwi có thể làm giảm nguy cơ mắc đột quỵ và bệnh tim.
Ngoài ra, kiwi còn chứa hàm lượng chất xơ cao. Chất xơ có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách giảm cholesterol “xấu” LDL - nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch, làm cứng các động mạch trong tim.
5. Đậu phộng/lạc
Đậu phộng chứa chất béo không bão hòa đơn và sterol thực vật có thể giúp cải thiện mức cholesterol trong máu. Chất béo không bão hòa đơn có thể giúp giảm cholesterol LDL và giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, đậu phộng cũng chứa nhiều hợp chất quan trọng chẳng hạn như resveratrol, axit phenolic, flavonoid, phytosterol có thể giúp ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol từ các nguồn thực phẩm.
Đặc biệt, phytosterol trong đậu phộng có thể giúp cải thiện mức cholesterol toàn phần và giảm 14% cholesterol LDL, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ngoài ra, đậu phộng cũng chứa nhiều arginine, một loại axit amin giúp cải thiện tuần hoàn, hạ huyết áp và có lợi trong việc điều trị các bệnh lý liên quan đến tim.
Ảnh minh họa.
Ngoài việc bổ sung các thực phẩm có lợi cho tim mạch, giúp hạ mỡ máu, mọi người cũng nên thực hiện một số thói quen tốt để phòng ngừa mỡ máu tăng cao.
3 thói quen giúp phòng ngừa mỡ máu cao
1. Chú ý đến khẩu phần ăn và chế độ ăn
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến hàm lượng mỡ trong máu. Nếu thường xuyên ăn quá nhiều thịt đỏ, mỡ động vật, nội tạng động vật hoặc đồ ăn chiên rán chứa nhiều dầu mỡ không chỉ làm tăng nguy cơ béo phì mà còn dễ làm tăng hàm lượng cholesterol xấu trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ mắc vấn đề về mỡ máu.
Do đó thay vì ăn quá nhiều thịt đỏ, mỡ động vật, mọi người nên thay thế bằng chế độ ăn nhiều rau, củ, quả, các loại hạt để bổ sung chất xơ, vitamin và các khoáng chất thiết yếu giúp cho mạch máu khỏe mạnh,
Ảnh minh họa.
2. Tăng cường tập thể dục
Theo các chuyên gia, thói quen ít vận động, thường xuyên ngồi hoặc nằm một chỗ, kết hợp với chế độ ăn uống không hợp lý sẽ làm tăng lipoprotein xấu trong máu và giảm cholesterol tốt, từ đó có thể gây ra tình trạng tích tụ mỡ thừa, dẫn đến béo phì và làm tăng nguy cơ mắc bệnh mỡ máu.
Do đó, những người thường xuyên phải ngồi lâu, chẳng hạn như dân văn phòng cần tăng cường tham gia vào các hoạt động thể chất để tăng cường sức khỏe cho tim mạch.
3. Ngừng hút thuốc và uống rượu
Hút thuốc và uống rượu bia gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, một trong số đó là bệnh mỡ máu. Chất nicotin trong khói thuốc và cồn trong rượu có thể làm giảm lượng cholesterol “tốt” trong cơ thể.
Vì vậy, thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu bia có thể gây ảnh hưởng đến quá trình đào thải lượng mỡ thừa trong cơ thể, khiến mỡ thừa tích trữ trong máu. Lượng mỡ thừa tích tụ lâu ngày, tạo thành mảng xơ vữa bám chặt vào lòng mạch, làm hẹp lòng mạch, khiến dòng chảy của máu bị ngăn lại và tạo thành cục máu đông, có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Ngoài ra, hút thuốc lá và uống rượu bia nhiều cũng sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa lipoprotein trong cơ thể, từ đó phá hủy tế bào niêm mạc của mạch máu, làm tăng nhanh chóng cholesterol và triglycerid trong máu, ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa của cơ thể và tăng gánh nặng cho gan.
Do đó, để bảo vệ tim mạch, phòng ngừa mỡ máu tăng cao, mọi người nên ngừng huets thuốc lá và hạn chế uống rượu bia cũng như các loại đồ uống có cồn.