5 thứ người giàu không chi tiền, người nghèo dù ‘cháy túi’ vẫn cố vay mua bằng được

Vũ Anh |

Sự khác biệt về tư duy tạo ra sự khác biệt về tài sản!

Norio Norio, chuyên gia tài chính Nhật Bản kiêm tác giả cuốn “Nghệ thuật kiếm 300 triệu yên tuổi 33’’ đã chỉ ra sự khác biệt giữa cách tiêu tiền của người giàu và người nghèo. Ông cho rằng người giàu dù dư dả về tài chính nhưng hiếm khi phung phí vào những thứ không xứng đáng, trong khi người nghèo với điều kiện kinh tế chưa dư dả lại thường rất hay tiêu hoang. Đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc “người giàu càng giàu thêm” còn “người nghèo mãi vẫn hoàn nghèo”.

Dưới đây là những thứ mà các triệu phú thường từ chối chi tiêu, trong khi rất nhiều người khác dù “cháy túi” vẫn muốn vay nợ mua cho bằng được.

Ô tô mới

Thông thường, một chiếc ô tô mới sẽ mất từ 10%-20% giá trị trong năm đầu tiên. Người giàu không muốn thứ mình mua bị “mất giá” như vậy. Đối với đa số, xe cộ chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển, là tiêu sản, chứ không phải thứ giúp khoa trương của cải. Người có tiền theo đó có thể trung thành với chiếc xe cũ của họ trong nhiều năm thay vì đổi mới liên tục.

“Người sở hữu vài trăm nghìn USD trong ngân hàng, thậm chí hàng triệu USD sẽ lái một chiếc ô tô trong trung bình 5 năm”, chuyên gia tài chính cá nhân Lynnette Khalfani-Cox cho biết.

Ngoài ra, một số người còn chuộng mua xe đã qua sử dụng. Họ quan niệm rằng chiếc ô tô có độ bền cao mới chính là tài sản mang giá trị lâu bền nhất. "Không có gì lãng phí hơn việc mua một chiếc xe mới. Đó là quyết định tài chính tồi tệ trên đời này", David Bach, một triệu phú tự thân ở Mỹ nói. "Một chiếc xe mới có vẻ hấp dẫn với nhiều người, nhưng chúng không đáng để bạn bỏ tiền ra’’.

5 thứ người giàu không chi tiền, người nghèo dù ‘cháy túi’ vẫn cố vay mua bằng được- Ảnh 1.

Hình minh họa

Nhà sang

Một căn nhà nếu chỉ dùng để ở sẽ trở thành tiêu sản và tiêu sản thì chỉ khiến người sở hữu nghèo đi. Trong khi đó, người có tiền và tư duy tài chính thường mua nhà để đầu tư, tức mua giá thấp bán giá cao và kiếm lời.

"Tôi chọn mua một ngôi nhà nhỏ để có thể sớm thanh toán các khoản nợ, tự do nghỉ hưu sớm và thoải mái đi du lịch trong năm. Với khả năng tài chính của mình, tôi vẫn có thể mua một ngôi nhà to và đắt hơn, song cả tôi và chồng đều không muốn", Holly Johnson, chuyên gia tài chính của tờ Business Insider chia sẻ.

Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới cũng được tạp chí Times gọi với cái tên “người đàn ông giàu không sở hữu một ngôi nhà nào". Nghe có vẻ khó tin, song thực chất, đúng là CEO hãng xe điện lớn nhất nước Mỹ đã bán bớt các bất động sản để dành vốn thực hiện hóa mục tiêu chinh phục vũ trụ của SpaceX.

Quần áo hàng hiệu

Dễ dàng nhận ra đa số các tỷ phú công nghệ nước Mỹ đều ăn mặc rất giản dị. Thay vì quan tâm đến vẻ bề ngoài, họ đề cao sự thoải mái và dễ chịu hơn.

CEO Meta Mark Zuckerberg là một trong số đó. Ông nổi tiếng với phong cách thời trang tối giản, chỉ độc chiếc áo thun và quần jeans tối màu. Hình ảnh tủ quần áo chỉ toàn T-shirt và áo hoodies màu xám cũng từng được Zuckerberg chia sẻ trên mạng xã hội khiến ai nấy đều cảm thấy bất ngờ.

Bill Gates, tỷ phú nổi tiếng của Thung lũng Silicon cũng là một người đơn giản. Ông lái một chiếc xe khiêm tốn, chọn những trang phục bình dân và cũng xếp hàng mua bánh hamburger như bao người. Phần lớn tài sản cũng được vị tỷ phú này dùng để làm từ thiện và giúp đỡ trẻ em nghèo trên khắp thế giới.

“Tôi không suy nghĩ quá nhiều về trang phục của mình. Tôi chỉ giữ một tủ nhỏ đựng những bộ quần áo đơn giản, có thể sử dụng được lâu”, Jonathan Sanchez, nhà sáng lập Parent Portfolio, nói.

Đây đều là những minh chứng cho thấy người giàu ít khi chi “tiền núi” cho quần áo hàng hiệu, trừ khi họ là người thuộc ngành công nghiệp giải trí. Cũng theo một cuộc nghiên cứu, tại Mỹ, top 1% những người giàu nhất đã bắt đầu chi tiêu ít hơn cho đồ hiệu kể từ năm 2007. Thay vì đổ tiền vào những thứ không thể sinh lời, họ chọn quần áo đơn giản nhưng khó lỗi mốt để không phải thay đổi tủ quần áo quá nhiều.

Đồ gia dụng tốn kém

Không thể phủ nhận trong thời đại như hiện nay công nghệ có rất nhiều đóng góp cho cuộc sống của con người, song chẳng biết từ bao giờ nhiều người đã hình thành thói quen chạy đua cùng công nghệ xa xỉ. Họ sẵn sàng chi cả đống tiền cho những chiếc máy không tên, sau đó để chúng nằm yên trong tủ bếp.

Trong khi đó, người giàu lại ít khi chi tiền vào những món gia dụng mới. Nếu đồ cũ vẫn còn dùng được, họ sẽ dành tiền vào việc khác, chẳng hạn như chăm lo sức khỏe bản thân hay học thêm kiến thức mới.

Rượu đắt tiền

Jim Cramer, chủ sở hữu trang CNBC, chia sẻ ông được nuôi dưỡng bởi kiểu cha mẹ tiết kiệm, không cho con gọi nước ngọt ở nhà hàng cho đến khi đồ ăn được mang đến để tránh trả thêm phí. Môi trường sống dần hình thành nên tính cách Jim Cramer và vì vậy, khi ăn hàng, ông không bao giờ gọi rượu đắt tiền.

“Khi tôi nhìn thấy một chai rượu vang có giá 500 USD, tôi sẽ nói: ‘Thật lãng phí’. Sao bạn không lấy tiền đó để mua một chiếc áo len thật hữu ích chứ? Bạn có thể có 2 chiếc áo len cashmere tuyệt vời”.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại