Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng tập thể dục là một trong những phương pháp tối ưu giúp tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, tập thể dục sai cách sẽ không đem lại lợi ích sức khỏe, ngược lại còn gây tổn hại cho cơ thể. Theo trang Eat this not that, nếu mọi người mắc phải 1 trong 5 thói quen tập thể dục dưới đây, hãy thay đổi ngay lập tức vì chúng có thể tác động tiêu cực đến cơ thể và sức khỏe, ngay cả khi bạn còn trẻ.
5 thói quen tập thể dục cần thay đổi ngay
1. Tập luyện quá sức
Những người tập luyện quá độ thường chạy bộ, hoặc tham gia các hoạt động thể chất vượt quá sức chịu đựng của cơ thể liên tục hàng giờ hoặc nhiều ngày liên tiếp. Nhiều người thậm chí còn rơi vào tình trạng kiệt sức, mất nước, chấn thương và phải nhập viện để điều trị.
Bác sĩ tim mạch Tamanna Singh cho biết: “Việc tập luyện quá sức trong thời gian dài đặt ra những yêu cầu khắc nghiệt đối với hệ thống tim mạch”.
Một nghiên cứu được thực hiện trên các vận động viên chạy marathon cho thấy ngay cả sau khi kết thúc các cuộc thi chạy khắc nghiệt, mẫu máu của các vận động viên ẩn chứa các dấu ấn sinh học liên quan đến tổn thương tim.
Những dấu hiệu tổn thương này thường tự biến mất, nhưng khi tim phải chịu đựng sự căng thẳng cực độ và lặp đi lặp lại trong thời gian dài có thể dẫn đến gây ảnh hưởng xấu tới hệ tim mạch.
Ngoài ra, tập luyện quá sức liên tiếp nhiều ngày cũng làm tăng nguy cơ mắc các chấn thương ở xương khớp và cơ bắp, làm suy giảm khả năng miễn dịch, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
2. Tập không đúng kỹ thuật
Tập các bài tập đúng kỹ thuật cho phép chúng ta thực hiện từng động tác một cách an toàn để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro. Mặc dù tập sai kỹ thuật 1-2 lần không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe nhưng nếu bạn thực hiện sai kỹ thuật liên tục, điều này có thể dẫn đến chấn thương. Do đó, nếu bạn lựa chọn tập với máy móc ở phòng tập gym, nâng tạ hoặc yoga, hãy cân nhắc đến việc thuê huấn luyện viên hướng dẫn để đảm bảo bạn đang tập luyện đúng kỹ thuật.
3. Bỏ qua bài tập khởi động và thư giãn
Nhiều người có thói quen thực hiện các bài tập ngắn, cường độ cao thường xuyên, nhưng lại hiếm khi nhớ phải tập thêm các bài tập khởi động và các bài tập thư giãn sau tập. Mặc dù bỏ qua khởi động và thư giãn sau tập có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian, nhưng về lâu dài nó có thể làm tăng nguy cơ bị chấn thương. Điều này là do các bài tập khởi động đóng vai trò giúp làm nóng cơ bắp, xương khớp, tăng tính linh hoạt tăng cho cơ thể, từ đó giúp tăng hiệu suất trong quá trình tập luyện và tối đa hóa lợi ích sức khỏe.
Tương tự, các bài tập thư giãn sau tập luyện cũng giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên dành thêm năm phút để tập các bài tập giãn cơ kết hợp đi bộ nhẹ nhàng, vươn vai hoặc hít thở sâu vào cuối mỗi buổi tập thể để giảm dần huyết áp, nhiệt độ cơ thể và nhịp tim.
4. Bỏ qua cảm giác đau đớn khi tập luyện
Cảm giác khó chịu và đau đớn khi tập luyện có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp vấn đề. Cảm giác mệt mỏi, kiệt sức có thể cảnh báo bài tập hiện tại mà bạn đang thực hiện không phù hợp với cơ thể. Ngoài ra, các cơn đau nghiêm trọng báo hiệu bạn đang bị chấn thương nghiêm trọng và cần dừng tập thể dục ngay lập tức.
Do đó, hãy lắng nghe cơ thể và ngay khi có dấu hiệu bất thường, bạn nên dừng tập luyện và cân nhắc thay đổi bài tập phù hợp hơn. Trong trường hợp các cơn đau kéo dài, bạn nên đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, tránh để lại di chứng cho cơ thể.
5. Chỉ tập một bài tập duy nhất
Đa số mọi người đều có loại hình tập luyện hoặc phương thức tập thể dục yêu thích của riêng mình. Mặc dù tập trung vào một bài tập duy nhất là tốt, nhưng các chuyên gia khuyến khích mọi người nên tập đa dạng các bài tập khác nhau. Ví dụ: nếu bạn ưa thích chạy bộ hoặc các hoạt động thể chất rèn luyện sức bền, hãy cân nhắc thêm 1-2 buổi tập rèn luyện sức mạnh cơ bắp vào lịch trình tập luyện. Còn nếu bạn có xu hướng thích tập tạ hơn, hãy thử thêm một vài buổi tập cardio (khoảng 20 phút) mỗi tuần để có thể đạt lợi ích sức khỏe tối đa.