Ảnh minh hoạ
Đột quỵ mới hối hận
Cách đây, 6 tháng anh T.V.S (46 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng) được chẩn đoán mắc tăng huyết áp. Sau khi được bác sĩ tư vấn về những nguy cơ của bệnh, anh tuân thủ uống thuốc rất đều đặn. Tuy nhiên, khi thấy sức khỏe tốt, anh S chủ quan không duy trì uống thuốc và không tái khám.
Anh S quá bận rộn với công việc nên đã không để tâm tới tình trạng sức khoẻ, cùng với đó là chế độ sinh hoạt, ăn uống không điều độ, ít tập luyện khiến anh bị đột quỵ. Lúc tỉnh dậy, biết mình còn sống, anh S mới thực sự hối hận vì đã bỏ ngoài tai lời cảnh báo từ bác sĩ.
Hiện, những di chứng của đột quỵ ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc và sinh hoạt hàng ngày của anh S. Anh đang được điều trị phục hồi chức năng.
Người trẻ mắc tăng huyết áp tăng
GS Bình đang thăm khám cho bệnh nhân.
Trước đây, tăng huyết áp thường chiếm tỷ lệ cao ở người bệnh trên 60 tuổi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người bệnh dưới 60 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh lý này, chiếm 40% trong tổng số người bệnh đi khám và phát hiện tăng huyết áp tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
GS.TS.BS Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh lý tăng huyết áp là do lối sống, chế độ sinh hoạt không đúng như thói quen ăn mặn, ăn nhiều thức ăn nhanh, uống nhiều bia rượu, ít vận động, thường xuyên căng thẳng - lo âu…
Tăng huyết áp thường không có triệu chứng nên mọi người thường tình cờ phát hiện khi đi khám sức khoẻ. Ở người trẻ tuổi, tâm lý chủ quan khiến nhiều người vô tình phát hiện bệnh khi đến khám sức khỏe tổng quát hoặc nghiêm trọng hơn là khi đã xuất hiện biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
GS Bình đã gặp nhiều trường hợp bất ngờ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não trong khi trước đó sức khỏe còn rất tốt, nguyên nhân đa số là do biến chứng của bệnh tăng huyết áp.
Bệnh tăng huyết áp nếu không được kiểm soát còn có thể dẫn tới nhiều biến chứng khác như: phì đại cơ tim, suy tim, xuất huyết đáy mắt, phù gai thị trong đáy mắt, mất thị lực, suy thận hoặc các bệnh lý động mạch chủ… Đây là các biến chứng nặng nề, nhiều trường hợp có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
GS Bình khuyến cáo, cách tốt nhất để phát hiện bệnh kịp thời là đi khám sức khỏe định kỳ. Mỗi người cũng có thể chủ động phát hiện tăng huyết áp bằng cách tự đo huyết áp hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất.
Ngay khi phát hiện tăng huyết áp hoặc có những triệu chứng dù chỉ thoáng qua như: hồi hộp, đánh trống ngực, nhức đầu mỗi buổi sáng thức dậy... nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, người có các yếu tố nguy cơ: thói quen ăn mặn, môi trường sống ít vận động, uống nhiều rượu bia, căng thẳng thường xuyên, lớn tuổi và tiền căn gia đình có người mắc tăng huyết áp nên khám sức khỏe định kỳ.
Kiểm soát tăng huyết áp để ngừa đột quỵ
GS Bình cho biết để đạt hiệu quả trong điều trị tăng huyết áp, người bệnh cần có hiểu biết về tăng huyết áp để phối hợp tốt với bác sĩ trong quá trình điều trị, kiểm soát bệnh.
Việc điều trị cần tuân thủ cả việc sử dụng thuốc và duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện đều đặn. Người bệnh phải tuân thủ đúng thì mới giảm thiểu được nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch nghiêm trọng.
Ngoài việc tái khám định kỳ, khi có bất cứ tình trạng nào khác thường về trị số huyết áp, tần số tim thay đổi nhiều, nặng ngực, giảm sự gắng sức, khó thở... thì phải tái khám ngay.
Phòng bệnh tăng huyết áp theo GS Bình, mỗi người phải nhận biết các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp và có kế hoạch loại trừ những yếu tố nguy cơ này càng nhanh càng tốt. Hãy có một chế độ ăn uống thích hợp, chế độ tập thể lực đều đặn và khám sức khỏe định kỳ để tránh mắc bệnh tăng huyết áp.