Trong việc nuôi dạy trẻ, không ít các ông bố bà mẹ không tiếc tiền đầu tư tiền bạc, sức lực để trẻ được khỏe mạnh về thể lực và trí lực. Tuy nhiên, họ lại lơ là việc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Họ vô tình không nhận ra chính bầu không khí trong gia đình và phương pháp giáo dục đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm lý của trẻ.
Để con được phát triển tốt nhất cả tâm - trí - thể - mỹ, các bậc cha mẹ hãy dành thời gian quan tâm tới trẻ, hình thành những phương pháp giáo dục khoa học trong quá trình nuôi dạy trẻ.
1. Thường xuyên không giữ lời hứa
Trẻ con rất khó kiểm soát, luôn có cảm xúc thất thường và có thể có những yêu cầu vô lý. Vì thế, nếu cha mẹ không thể đưa ra lý do thuyết phục thì trẻ sẽ không nghe lời. Trước vấn đề này, nhiều bậc cha mẹ dụ dỗ con bằng cách đưa ra nhiều lời hứa hấp dẫn như: "Con nghe lời thì cuối tuần được đi ăn KFC", "Con hãy thực hiện đi rồi cuối tuần, mẹ sẽ đưa đi chơi", "Cha mẹ sẽ cho con tiền tiêu vặt gấp đôi nếu con nghe lời bây giờ",…
Cha mẹ không giữ lời hứa sẽ khiến con mất lòng tin. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên thực tế, cha mẹ thường quên những lời hứa của mình. Họ có thể chỉ hứa để xoa dịu cảm xúc lúc đó của trẻ. Điều này khiến đứa trẻ cảm thấy hụt hẫng, thất vọng và mất lòng tin vào cha mẹ. Vì thế, các bậc phụ huynh không nên hứa suông và nếu đã hứa với trẻ thì hãy cố gắng thực hiện.
2. Buộc trẻ làm những việc mà trẻ không muốn
Mỗi đứa trẻ sẽ có tính cách, sở thích khác nhau, dẫn đến lối sống khác nhau. Chẳng hạn nếu trẻ là người hướng nội, không có năng khiếu nghệ thuật, cha mẹ không thể bắt trẻ biểu diễn trước đông khán giả. Hay một đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm sẽ khó có thể ngồi luyện thư pháp. Bắt trẻ làm những điều trẻ không muốn sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý nổi loạn, chống đối.
Thay vì gây áp lực cho trẻ, cha mẹ nên đưa ra những định hướng, kế hoạch phù hợp với tính cách, sở thích để trẻ có thể lựa chọn. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy bản thân được tôn trọng và tự tin hơn. Đây cũng là cách giúp trẻ trưởng thành hơn, trở thành người có chính kiến.
Bắt trẻ làm những điều trẻ không muốn sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý nổi loạn, chống đối. (Ảnh minh họa)
3. Khiến con phải sợ mình
Nhiều cha mẹ muốn con vừa yêu vừa sợ mình. Dù rất yêu con nhưng họ cũng muốn rèn cho con vào khuôn phép bằng cách khiến đứa trẻ phải sợ, nghe lời mình răm rắp. Và họ nghĩ thế mới là đứa trẻ ngoan ngoãn, biết nghe lời.
Tuy nhiên, trong gia đình như vậy, trẻ thường phải học cách phán đoán cảm xúc của người lớn thông qua tiếng tra chìa khóa hay tiếng bước chân. Trẻ phải sống trong sợ hãi, lo âu.
4. Kỳ vọng quá lớn
Sự kỳ vọng của cha mẹ với con cái giống như một con dao hai lưỡi. Nếu có chừng mực, đó sẽ là nguồn động lực để con cố gắng. Ngược lại, kỳ vọng quá mức sẽ khiến trẻ không còn muốn nỗ lực nữa vì tin rằng mình chẳng bao giờ làm được.
Đây là kiểu phụ huynh sĩ diện, luôn muốn con thực hiện mọi việc tốt nhất. Họ coi mọi thành tích con đạt được là điều đương nhiên, sẵn sàng tỏ ra thái độ chê bai con nếu không được như kỳ vọng. Những lời chê bai như vậy sẽ hủy hoại tương lai trẻ, khiến chúng nghĩ rằng mình luôn làm cha mẹ thất vọng.
Ảnh minh họa
5. Khen ngợi thái quá
Hoàn toàn không có gì sai khi thỉnh thoảng cha mẹ có thể dành những lời khen ngợi cho con mỗi khi con làm tốt một việc. Tuy nhiên, hãy làm điều đó một cách tỉnh táo và hợp lý nhất. Như vậy sẽ giúp trẻ tiếp tục thực hiện hành vi tốt và không khiến chúng có những suy nghĩ sai lệch về những gì nên làm.
Một cách để tránh sai lầm này ở trẻ là cha mẹ khen ngợi chỉ tập trung vào quá trình giúp trẻ đạt được thành công đó, chứ không phải khen ngợi kết quả của quá trình đó. Chẳng hạn, khi trẻ cố gắng giúp cha mẹ hoàn thành việc nhà. Ngay cả khi kết quả không lý tưởng như mong đợi, cha mẹ vẫn cần công nhận nỗ lực của trẻ, điều này sẽ khuyến khích trẻ tiếp tục hành động như vậy.