Nhắc tới nguyên nhân gây bệnh tiểu đường, hầu hết chúng ta đều nghĩ về thói quen ăn uống hay kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, giấc ngủ cũng là một yếu tố quan trọng có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc tiểu đường dù ít ai nhận ra.
Dưới đây là 5 thói quen khi ngủ tưởng chừng vô hại, thậm chí nhiều người còn tưởng tốt đang âm thầm mời gọi bệnh tiểu đường:
1. Ngủ với ánh đèn
Nhiều người có thói quen ngủ trong phòng có đèn, gồm cả đèn ngủ không quá sáng. Thậm chí còn cho rằng ngủ với ánh đèn mờ an toàn hơn, tốt hơn mà không biết rằng điều này có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của cơ thể. Ánh sáng vào ban đêm làm giảm khả năng sản xuất melatonin, hormone giúp ngủ ngon và điều chỉnh mức đường huyết. Đèn sáng cũng có thể dẫn tới nguy cơ khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Tất cả những điều này kết hợp lại trong thời gian dài sẽ tạo cơ hội để bệnh tiểu đường “tấn công” bạn.
2. Ngủ trưa quá nhiều
Ngủ trưa nhiều tưởng tốt nhưng đây cũng là thói quen gây hại. Giấc ngủ trưa dài hơn mức cần thiết có thể dẫn đến kháng insulin, một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tiểu đường. Ngoài ra, ngủ nhiều ban ngày có thể là dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ, một tình trạng làm tăng nguy cơ tiểu đường và các bệnh tim mạch. Tốt nhất chỉ nên ngủ trưa ngắn 15 - 30 phút và ngủ trong khoảng sau 12 giờ tới trước 2 giờ chiều.
3. Ngủ muộn thường xuyên
Thức khuya, đặc biệt là khi ngủ sau 0 giờ có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Các nghiên cứu chỉ ra rằng người ngủ muộn và thức dậy muộn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 72% so với người đi ngủ sớm. Việc này làm gián đoạn đồng hồ sinh học của cơ thể, ảnh hưởng đến quá trình điều hòa lượng đường trong máu và tiết insulin. Khi giấc ngủ không đều đặn, cơ thể dễ bị kháng insulin, từ đó làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường.
4. Ngáy khi ngủ
Ngáy không chỉ là dấu hiệu của một giấc ngủ không ngon mà còn có thể chỉ ra tình trạng ngưng thở khi ngủ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ngủ ngáy thường xuyên có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn gấp 2,5 lần so với người không ngáy, đặc biệt là khi kèm theo tình trạng thiếu oxy trong lúc ngủ. Điều này làm giảm hiệu quả sử dụng insulin và dễ dẫn đến tiểu đường cùng một số vấn đề sức khỏe khác.
5. Thiếu ngủ kéo dài
Thiếu ngủ kéo dài là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu cho thấy những người ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm có khả năng gặp phải vấn đề về chuyển hóa đường huyết. Thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn gây rối loạn tiết insulin, dẫn đến tình trạng kháng insulin và bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, thói quen ngủ vào giờ thất thường, ngủ quá nhiều (trên 9 tiếng) - nhất là vào ban ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn đường huyết, mắc bệnh tiểu đường.
Nguồn và ảnh: QQ, Sunday More