Một ngành kinh tế chiếm 67,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố thông tin liên quan đến tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm 2024. Tính đến ngày 20/5/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, có 1.227 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) (tăng 27,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD (tăng 50,8% so với cùng kỳ); có 440 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 9,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 2,08 tỷ USD (giảm 8,7% so với cùng kỳ); có 1.158 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 9,4% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 1,05 tỷ USD (giảm 68,2% so với cùng kỳ).
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 7,43 tỷ USD, chiếm 67,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 11,9% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,98 tỷ USD, chiếm gần 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 70,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 514,2 triệu USD và gần 342,2 triệu USD.
Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,9%) và điều chỉnh vốn (chiếm 62,3%). Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số lượt giao dịch GVMCP cao nhất (chiếm 43,4%).
Tính lũy kế đến ngày 20/05/2024, cả nước có 40.285 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 481,33 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 305,43 tỷ USD, bằng gần 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 290,9 tỷ USD (chiếm 60,4% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với gần 70,6 tỷ USD (chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 40,8 tỷ USD (chiếm gần 8,5% tổng vốn đầu tư).
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có gì mà hấp dẫn vậy?
Không chỉ 5 tháng đầu năm, mà trước đó, trong năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là một điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê, năm 2023, ngành này đã thu hút được trên 23,5 tỷ USD vốn FDI, chiếm 64,2% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam và tăng 39,3% so với kết quả năm 2022. Đây cũng là ngành thu hút vốn FDI lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2023.
Việt Nam đã đạt được thành tích này theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là nhờ luôn chú trọng và tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh để thoả mãn các yêu cầu của nhà đầu tư.
Việt Nam cũng chú trọng vào việc thu hút và lựa chọn các dự án ứng dụng công nghệ cao, có khả năng phát lan tỏa và ảnh hưởng tích cực tới sự chuyển mình cơ cấu và quá trình hiện đại hóa kinh tế, từ đó giúp cải thiện chất lượng và hiệu quả của hoạt động của các lĩnh vực FDI tại Việt Nam.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng nhận định, một trong những nguyên nhân lớn tạo nên sự thu hút dòng vốn FDI đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo là Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động đông đảo và chất lượng, kết hợp cùng chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường thông thoáng, an toàn…
Thực tế chứng minh rằng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn công nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng trên thế giới như Samsung, LG, Amkor, Honda, Intel… Các doanh nghiệp này liên tục đầu tư vào Việt Nam, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách cũng như tham gia đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Samsung hiện nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với các dự án lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh. Tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam lên đến 22,4 tỷ USD. Đầu tháng 5 này, trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của tập đoàn Samsung cho biết, trong thời gian tới, Samsung dự kiến đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam.