5 tháng: Bội chi ngân sách 3 tỷ USD, chi trả nợ hết 2,5 tỷ USD

Chi thường xuyên chiếm gần 85% thu ngân sách. Ngân sách dựa gần như hoàn toàn vào thu nội địa (82%).

Thu nội địa chiếm 82% tổng thu ngân sách

Tính đến 15/5/2016, tổng thu ngân sách ước đạt 346,2 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 284,2 nghìn tỷ đồng; thu từ dầu thô 13,9 nghìn tỷ đồng; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 47,8 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, cứ 100 đồng ngân sách thu được thì thu nội địa lên đến hơn 82 đồng, xuất nhập khẩu mang về gần 14 đồng và dầu thô chỉ 4 đồng.

Thực tế thì thu nội địa đang ngày càng tăng và trở thành nguồn thu trọng yếu trong tổng thu ngân sách nhà nước.

Trong cuộc họp báo thường kỳ quý III năm ngoái, thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai từng cho biết:

"Bộ Tài chính sẽ tăng dần thu nội địa để bù đắp giảm thu từ dầu thô và tỷ trọng thu từ xuất khẩu giảm. Phấn đấu đến năm 2020, thu nội địa đạt 80% thu ngân sách nhà nước".

Thực tế, khi đối chiếu số liệu thu ngân sách những năm gần đây cho thấy, trong khi chi thường xuyên lớn, thu từ dầu thô giảm, thì thu nội địa đang ngày càng tăng cả về số tuyệt đối và tỷ trọng trong cơ cấu thu.

Năm 2012, thu nội địa chiếm khoảng 64% tổng thu ngân sách, thì đến 2015 đã tăng lên 74% và năm 2016 tính đến hiện tại, thu nội địa chiếm hơn 82% tổng thu ngân sách (tức đã vượt mức mà thứ trưởng Mai đề ra cho năm 2020).

Thu từ dầu thô đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức thu này năm ngoái cũng đã giảm rất mạnh so với năm trước đó.

Dầu thô từ chỗ đóng góp gần 1/5 tổng thu ngân sách năm 2012 (tương đương thu từ xuất nhập khẩu), thì đến năm 2015 chỉ góp 7%, và gần 5 tháng đầu năm 2016 chỉ còn 4%.

Thu từ xuất nhập khẩu giảm nhẹ. Theo nhận định của Bộ Tài chính, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 4 giảm đã kéo theo việc giảm thu ngân sách từ lĩnh vực này khá nhiều so với cùng kỳ.

Các năm trước, tỷ trọng đóng góp của xuất nhập khẩu trong cơ cấu thu ngân sách vào khoảng 18-20%.

Thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ, chứ chưa nói đến chi đầu tư phát triển

Tổng chi ngân sách Nhà nước trong giai đoạn này ước tính đạt 412,6 nghìn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 64,3 nghìn tỷ đồng (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 63,6 nghìn tỷ đồng); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 293,4 nghìn tỷ đồng; chi trả nợ và viện trợ 55 nghìn tỷ đồng.

Chi thường xuyên là khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất và liên tục tăng cao, chiếm hơn 84,7% tổng thu ngân sách.

Tổng chi thường xuyên và chi trả nợ viện trợ lên đến 348,4 nghìn tỷ đồng, cao hơn tổng thu ngân sách nhà nước (346,2 nghìn tỷ).

Bội chi ngân sách tất yếu sẽ góp phần dẫn đến nợ công tăng cao

Trong 5 tháng đầu năm, bội chi ngân sách lên đến 66,4 nghìn tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD).

Đây là mức bội chi tương đối cao trong bối cảnh các thuế quan được cắt giảm ảnh hưởng đến thu xuất nhập khẩu. Trong khi thu từ dầu thô vẫn giảm mạnh do ảnh hưởng giá dầu giảm và thu nội địa đã vượt 80% tổng thu.

Trước đó, Bộ Tài chính đã đưa ra dự toán thu ngân sách năm 2016 là 1.014,5 nghìn tỷ đồng, tổng chi là 1.273,2 nghìn tỷ đồng, bội chi 254 nghìn tỷ đồng (4,95% GDP).

Tại hội thảo "Nhận diện nợ công ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra" diễn ra tuần trước, TS. Lê Đăng Doanh bày tỏ lo lắng khi nợ công của Việt Nam tăng quá nhanh, đến năm 2015 đã tăng gấp đôi so với năm 2010. Riêng nợ Chính phủ đã vượt ngưỡng cho phép 50,3% GDP.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp - Chủ nhiệm Khoa tài chính Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dự đoán, với tổng nợ vay 2,7 triệu tỷ đồng và với mức lãi suất vay (1,7%/năm với ODA và trong nước là 7,1%/năm), trong 10 năm tới nợ công của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi.

Chi phí trả nợ công cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của Chính phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại