Ai cũng muốn bảo vệ con cái mình nhưng quan trọng là bạn cần biết vạch ra ranh giới. Duy trì ranh giới này sẽ giúp mối quan hệ giữa bạn và con cái trở nên tốt hơn, đồng thời tạo không gian cho con bạn trưởng thành và có cá tính riêng của chúng. Đó cũng là lý do mà việc xâm phạm quyền riêng tư của trẻ là điều hết sức kiêng kị, có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến chúng, nhất là với sức khỏe tâm lý.
Vậy cụ thể, những rủi ro bạn có thể gặp phải nếu ép con vào khuôn khổ một cách quá mức và tước hết không gian riêng của chúng là gì?
1. Kiểm soát trẻ quá mức khiến chúng không được là chính mình
Sự kiểm soát của cha mẹ là một trong những yếu quan trọng giúp nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, khi sự kiểm soát đó đi quá xa và thậm chí trở thành nỗi ám ảnh, các vấn đề sẽ nảy sinh. Việc xâm phạm quyền riêng tư của trẻ sẽ làm mất đi sự độc lập của chúng và xóa bỏ ranh giới mà một mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ và con cái nên có.
2. Cha mẹ càng soi mói, trẻ càng né tránh và thích nói dối
Muốn nuôi dạy con cái của bạn trở thành những người cởi mở và trung thực là điều rất tốt, nhưng nếu việc nuôi dạy của bạn quá cứng nhắc có thể phản tác dụng đấy. Phản ứng tự nhiên đối với phương pháp giáo dục này chính là che giấu mọi thứ và nói dối, điều này sẽ làm mất đi mục đích ban đầu của bạn - đó là dạy con điều gì không nên làm.
3. Xâm phạm không gian riêng của trẻ dễ gây ra các vấn đề tâm lý
Việc xâm phạm quyền riêng tư của trẻ không đơn thuần chỉ làm hỏng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà hậu quả có khi còn nghiêm trọng hơn thế. Hành động này về lâu về dài có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của trẻ, khiến chúng trở nên lo âu, trầm cảm. Bên cạnh đó, nó cũng có thể khiến con bạn cho rằng không tồn tại thứ gọi là quyền riêng tư và ôm suy nghĩ này đến khi chính chúng làm cha làm mẹ.
4. Trẻ không có không gian riêng khó học được những bài học về cuộc sống
Không cha mẹ nào muốn con cái mình gặp khó khăn, rắc rối hay mắc phải những sai lầm mà cha mẹ chúng từng mắc phải. Nhưng thật không may, đó là một phần của cuộc sống và ngay cả việc kiểm soát, bảo vệ quá mức của bạn cũng không thể ngăn chặn được điều đó. Hãy để con cái bạn mắc sai lầm để chúng có thể học hỏi từ chính những sai lầm đó, bởi suy cho cùng đây mới là cách cuộc sống vận hành.
5. Việc bị tước quyền riêng tư gây tổn hại mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Xâm phạm quyền riêng tư của con bạn hoặc phá vỡ ranh giới, chẳng hạn như nói với vợ/ chồng bạn thông tin mà con bạn chỉ chia sẻ cho mình bạn có thể gây ra những tác động rất xấu đối với mối quan hệ giữa bạn và con. Hành động của bạn dù vô tình hay cố ý đều đã phá vỡ lòng tin của trẻ. Kết quả là trẻ sẽ giữ khoảng cách với bạn. Để sửa chữa, vun đắp lại một mối quan hệ đã rạn nứt như vậy sẽ là không hề dễ dàng.
Làm gì để quyền riêng tư của con được đảm bảo?
Nếu bạn muốn tôn trọng quyền riêng tư và để con được là chính mình, có thể làm những việc đơn giản như sau:
- Gõ cửa trước khi bước vào phòng của con
- Không đọc trộm nhật ký, nhòm ngó các thiết bị điện tử và đồ dùng riêng tư của con
- Nếu bạn cần lấy thứ gì đó từ túi của con, hãy hỏi chúng trước
- Hãy hỏi ý kiến con nếu chúng muốn có sự đồng hành của bạn khi đi khám bác sĩ
- Đừng nghe lén cuộc trò chuyện của con
Và luôn có những ngoại lệ
Tất nhiên, đôi khi việc xâm phạm quyền riêng tư của trẻ là có thể chấp nhận được nếu cuộc sống/ hạnh phúc của con bạn gặp vấn đề. Nếu bạn tin rằng con mình đang gặp bất kỳ loại nguy hiểm nào, bạn có thể và hoàn toàn nên can thiệp vì sau tất cả bạn vẫn là người bảo vệ chúng. Nếu bạn làm vậy vì lo cho con và chứng minh được hành động của mình là đúng đắn, con bạn cũng sẽ thông cảm cho bạn thôi.
Nguồn: BrightSidex