Đi mua sắm - dù ở chợ hay siêu thị - là điều đã quá quen thuộc với chúng ta. Tuy nhiên rất nhiều người - đặc biệt là những ai ít khi đi chợ - đang mang trong mình những thói quen không tốt, dẫn đến sự lãng phí không nhỏ về thời gian cũng như tiền bạc. Thử nghĩ xem, bạn đã bao giờ rơi vào cảnh đi mua sắm với ý định tiêu một khoản tiền nhỏ, để rồi trở về trong cảnh rỗng túi chưa?
Đó là vì, bạn mắc phải nhiều sai lầm.
Sai lầm 1: Ăn thử "hàng miễn phí"
Trong các siêu thị, rất nhiều doanh nghiệp áp dụng cách cho khách hàng ăn thử, trải nghiệm trước để quảng bá sản phẩm của mình. Nhưng đứng trên góc độ khách hàng, việc ăn thử hoặc dùng thử có thể khiến bạn bị thôi thúc mua luôn sản phẩm đó bất chấp nhu cầu của bản thân ra sao.
Các nhà tâm lý học gọi đây là tâm lý "mua sắm bốc đồng", đặc biệt dễ xảy ra với những người không có kế hoạch mua sắm từ trước.
Sai lầm 2: Đi mua sắm quá thường xuyên
Nhìn chung, bạn nên cân nhắc đi siêu thị theo tuần hoặc theo tháng (với những món đồ không dễ hỏng), thay vì đi mỗi ngày. Như vậy bạn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí nhiên liệu không nhỏ, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh như hiện nay.
Sai lầm 3: Đi mua sắm với một cái bụng đói
Bên cạnh những gì thiết yếu, sẽ có lúc bạn tìm cách mua một sản phẩm chỉ đơn giản là vì muốn có được nó, và quá trình này lặp đi lặp lại nhiều lần.
Điều này thậm chí sẽ thường xuyên xảy ra nếu bạn đi siêu thị với một cái bụng đói. Khoa học đã chứng minh rằng khi đói, chúng ta dễ có xu hướng mua sắm bốc đồng hơn, dẫn đến tiền trong ví cũng hao hụt theo.
Một vấn đề nữa là nếu không may "quên" mua một món đồ, bạn nên cân nhắc mua nó vào lần sau. Bởi nếu quay lại, khả năng bạn sẽ ra về với nhiều món đồ hơn nữa. Tốt hơn hết hãy chuẩn bị sẵn danh sách cần mua tại nhà, tránh quên sót.
Sai lầm 4: Mua số lượng lớn
Mua hàng số lượng lớn thường tạo cảm giác có lợi vì giá chia ra sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, nó chỉ đúng với một số mặt hàng "không phải thực phẩm". Nếu thực phẩm với số lượng lớn (như trứng, rau củ), bạn có thể phải đối mặt với việc chúng bị hỏng và phải vứt đi trong tương lai vì không thể dùng hết.
Vậy nên hãy cân nhắc khi quyết định mua hàng theo số lượng lớn. Tốt hơn hết chỉ nên áp dụng nó cho giấy vệ sinh, hoặc kem đánh răng mà thôi.
Sai lầm 5: Mua sắm vào cuối ngày
Mua sắm vào cuối ngày có nhiều lợi điểm, trong đó lớn nhất là việc bạn... chỉ rảnh vào lúc đó mà thôi.
Tuy nhiên, khoa học chứng minh rằng việc "mua sắm bốc đồng" thường xảy ra vào lúc này - do bạn mệt, bạn đói...Hơn nữa vào cuối ngày (đặc biệt là cuối tuần), lượng người đi mua sắm cũng sẽ nhiều hơn và kéo sự mệt mỏi tăng cao hơn nữa.
Nguồn: BS, VT.co