Theo U.S. News, các chuyên gia khuyên sinh viên nên lên kế hoạch thật kỹ lưỡng trước khi lên đường du học và tránh 5 sai lầm cơ bản sau:
Thứ nhất, chỉ nộp đơn vào các trường nổi tiếng.
Bà Christine Chu - chuyên viên tư vấn làm việc tại Công ty Tư vấn du học IvyWise ở New York, đồng thời là cựu trợ lý giám đốc bộ phận tư vấn tuyển sinh thuộc ĐH Yale và ĐH Georgetown (Mỹ), lưu ý: "Thương hiệu không đồng nghĩa với chất lượng. Những sinh viên quốc tế chỉ nộp đơn vào các trường danh tiếng sẽ bỏ lỡ hàng trăm trường khác có chương trình giảng dạy tuyệt vời với đội ngũ giảng viên tận tâm, nguồn lực dồi dào và các lớp học với số lượng sinh viên hạn chế".
Theo ông Lloyd Nimetz, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn du học Spike Lab, sinh viên nên mở rộng tìm hiểu và lập một danh sách các trường từ thấp đến cao. "Các bạn nên xem xét các yếu tố kết hợp như chất lượng giáo dục, uy tín, tuyển sinh, môi trường văn hóa và địa điểm khuôn viên trường" - ông Nimetz nói.
Bà Katie Burns - chuyên viên tư vấn tuyển sinh tại IvyWise, cựu trợ lý giám đốc cao cấp bộ phận tuyển sinh thuộc Viện Công nghệ Massachusetts - khuyên sinh viên cân nhắc thêm các trường đại học khai phóng để tiếp xúc thêm các chương trình và ngành học ngoài chuyên ngành dự tính. Những hiểu biết mới mẻ này sẽ giúp sinh viên tư duy sáng tạo và suy nghĩ năng động hơn.
Thứ hai, không ôn tập sớm.
Việc chủ động chuẩn bị rất cần thiết khi tiến hành thực hiện các bài kiểm tra đầu vào. Mỗi trường có các yêu cầu riêng về bằng cấp, chứng chỉ (SAT hay ACT, TOEFL hay IELTS). Khi tham gia các kỳ thi, chẳng hạn như PSAT, và thường xuyên ôn tập SAT hay ACT, du học sinh có thể cải thiện điểm số, từ đó xác định điểm yếu để trau dồi thêm.
Theo bà Katie Burns, điểm số cũng có giúp du học sinh xác định các trường dựa trên số liệu thống kê trung bình của sinh viên. Còn theo bà Christine Chu, để chuẩn bị cho các kỳ thi, du học sinh phải mất khá nhiều thời gian ôn luyện; ít nhất là 2 tháng cho kỳ thi đầu và cần lên kế hoạch cho 2-3 kỳ thi như thế.
Ông Nimetz khẳng định kỳ thi SAT hoặc ACT quan trọng với du học sinh hơn là sinh viên Mỹ do các chuyên viên tuyển sinh ít chú trọng bằng cấp của các trường trong nước. Ông cũng cho biết thêm, SAT và ACT ít tổ chức và sẽ được lên kế hoạch trước hàng tháng ở các nước đông dân. Chính vì vậy, du học sinh nên lựa chọn thời gian thi thích hợp để có thể bắt đầu học vào mùa xuân năm học thứ hai.
Một hồ sơ hoàn chỉnh chứng tỏ du học sinh quan tâm đến ngành học và giúp ghi điểm với bộ phận tuyển sinh - Ảnh: International Student.
Thứ ba, không tìm hiểu chỉ tiêu tuyển sinh.
Một ngôi trường hoặc một ngành học được xem là quá tải khi nhận được nhiều nguyện vọng đăng ký hơn so với chỉ tiêu. Vì thế, để bảo đảm chất lượng giáo dục, các trường phải hạn chế số lượng tuyển sinh. Chẳng hạn, hệ thống ĐH Bang California có công cụ kiểm tra số lượng đăng ký vào các trường thành viên; ĐH Maryland lưu ý "Hạn chế tuyển sinh" hoặc ĐH Washington ghi "Giới hạn số lượng". Điều này có nghĩa là sinh viên phải trải qua quá trình tuyển chọn khá gắt gao.
Bà Katie Burns nói: "Du học sinh cần phải đăng ký nhiều ngành học khác và cần lưu ý nhiều ngành tuyển chọn gắt gao thường chỉ dành cho sinh viên năm nhất. Ngoài ra, học bạ và hồ sơ phải vượt chuẩn tuyển sinh để bảo đảm cơ hội học tập".
Thứ tư, không tìm kiếm học bổng và các gói hỗ trợ dành cho sinh viên quốc tế.
Chính phủ Mỹ hầu như không hỗ trợ tài chính cho những người không là công dân nước này, ít nhất ở môi trường đại học. Du học sinh có thể tìm hiểu thông tin học bổng tại website https://www.internationalstudent.com . Bên cạnh đó, một số trường cũng dành học bổng cho sinh viên quốc tế có thành tích tốt như ĐH Minnesota , ĐH Bang Michigan, ĐH Oregon và ĐH Nam California.
Nhiều trường khác cũng có hỗ trợ tài chính song số tiền không nhiều, không bao gồm học phí và các chi phí sinh hoạt trọn gói. Ngoài ra, du học sinh nên tìm học bổng vào mùa hè trước năm học cuối.
Thứ năm, không hoàn thành các yêu cầu bổ sung sau khi nộp hồ sơ.
Sau khi đăng ký hồ sơ, sinh viên cần kiểm tra email thường xuyên để cập nhật thông báo từ nhà trường, kịp thời bổ sung hồ sơ và thông tin cần thiết, tránh trường hợp đáng tiếc.
"Nhiều trường thường xuyên yêu cầu bổ sung thông tin hoặc tình hình hiện tại. Một vài ngành học còn phỏng vấn các ứng viên vào vòng trong hoặc mời tham gia các buổi phỏng vấn cấp học bổng. Nếu không hoàn thành yêu cầu thì sẽ bỏ lỡ cơ hội nhập học hoặc nhận học bổng" - ông Nimetz nói.
Bà Chu nhấn mạnh: "Một hồ sơ hoàn chỉnh sẽ được đánh giá cao hơn và có nhiều cơ hội hơn. Du học sinh cũng nên hoàn thành các yêu cầu khác của đơn đăng ký, chẳng hạn bài luận bổ sung hoặc các chứng chỉ, chứng nhận về nghệ thuật, âm nhạc. Điều này chứng tỏ du học sinh quan tâm đến ngành học và giúp ghi điểm với bộ phận tuyển sinh".