5 "pháp bảo" không thể thiếu của ông Tập Cận Bình trong thời đại mang tên mình

Nhà báo Kiều Tỉnh |

Tháng 11/2017, báo chí Trung Quốc giới thiệu "5 pháp bảo trị nước Thời đại Tập Cận Bình", đánh dấu những khác biệt so với các thời đại của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Trong thời đại của mình, Mao Trạch Đông đã tổng kết và đưa ra “3 pháp bảo” để đảm bảo cách mạng Trung Quốc thành công, gồm: 1-Công tác xây dựng đảng; 2- Đấu tranh vũ trang; 3- Mặt trận dân tộc thống nhất. Với 3 hướng này, ông Mao và đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện cách mạng thành công, lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 1949.

Đến giai đoạn cải cách mở cửa trong thập niên 1980, Đặng Tiểu Bình cũng đưa ra “3 pháp bảo” mang dấu ấn cá nhân, nhằm đảm bảo cho công cuộc này thành công, đó là: 1- Công tác xây dựng đảng, đảm bảo đảng nắm quyền và tính chất xã hội chủ nghĩa của Nhà nước; 2 –Đấu tranh vũ trang, trong đó xây dựng quân đội hùng mạnh vừa gạt bỏ trở ngại trên con đường cải cách mở cửa vừa bảo vệ cho công cuộc này thành công; 3- Mặt trận dân tộc thống nhất nhằm tập hợp lực lượng rộng rãi trong và ngoài nước đảm bảo quá trình này thành công.

Năm 2012, ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư ĐCSTQ, tiếp đó là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy trung ương. Cho đến sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ từ 18 đến 24/10 vừa qua thì "thời đại mới Tập Cận Bình" được xác lập.

Trong thời kỳ mới này, ông Tập đã nêu ra 5 phương hướng trị nước của mình, hay được gọi là "5 pháp bảo của Tập Cận Bình", để thể hiện dấu ấn của ông so với các lãnh đạo tiền nhiệm và quá cố của Trung Quốc.

Công tác xây dựng Đảng

ĐCSTQ hiện là chính đảng lớn nhất thế giới với trên 89 triệu Đảng viên. Trong quá trình phát triển, ĐCSTQ đã từ “đảng cách mạng” chuyển sang “đảng cầm quyền”, điều này đòi hỏi ban lãnh đạo phải coi trọng công tác xây dựng đảng vững mạnh.

Chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" do ông Tập phát động ngay sau khi lên nắm quyền, tiến hành liên tục suốt 5 năm qua, nhằm đảm bảo công tác xây dựng đội ngũ đảng viên ĐCSTQ ổn định, loại bỏ mối đe dọa "mất đảng mất nước" - như ông Tập Cận Bình từng cảnh báo hồi năm 2015 về hệ quả nghiêm trọng của tham nhũng.

Đồng thời, chiến dịch này giúp ông chiếm được uy tín lớn trong đảng, dư luận Trung Quốc, là một trong những thành tựu giúp ông được xác lập địa vị "lãnh đạo hạt nhân" trong ĐCSTQ, và là nội dung quan trọng trong báo cáo chính trị của ông trước Đại hội 19 vừa qua.

Hiện nay, ông Tập Cận Bình đưa ra "hai Mục tiêu 100 năm" để thực hiện hoàn thành "xây dựng toàn diện xã hội khá giả và xây dựng Trung Quốc thành cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa". Trong đó, ông nhiều lần nhấn mạnh ở các văn kiện và phát ngôn về vai trò lãnh đạo tuyệt đối của ĐCSTQ trong công cuộc này.

5 pháp bảo không thể thiếu của ông Tập Cận Bình trong thời đại mang tên mình - Ảnh 1.

Ông Tập Cận Bình tại Đại hội 19 của ĐCSTQ (Ảnh: AP)

Đấu tranh vũ trang

Trong báo cáo Đại hội 19, ông Tập tuyên bố: “Để thực hiện giấc mộng vĩ đại phải tiến hành đấu tranh”.

Ông cho rằng hiện nay Trung Quốc đang phải đối phó với những thách thức lớn, chống lại những nguy cơ lớn, khắc phục những trở lực lớn, giải quyết những mâu thuẫn lớn, nên phải tiến hành rất nhiều cuộc đấu tranh lớn có đặc điểm lịch sử mới. Cuộc đấu tranh này là "trường kỳ, phức tạp, gian nan".

Nói về cải cách quân đội, ông khẳng định giai đoạn từ nay đến năm 2035, Bắc Kinh sẽ nỗ lực hoàn thành hiện đại hóa quân đội và quốc phòng để hướng tới năm 2050, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được xây dựng toàn diện trở thành một đội quân hùng mạnh "tầm cỡ thế giới".

Cuộc cải tổ lớn trong PLA, do chính ông Tập phát động vào tháng 9/2015, cơ bản đã hoàn thành tái cơ cấu lực lượng, như lập 5 Đại chiến khu thay cho 7 Đại quân khu cũ, 4 cơ quan chỉ huy quân đội gồm Bộ Tổng tham mưu và các tổng cục Chính trị, Hậu cần và Quân khí được tổ chức lại thành 15 cơ quan trực thuộc Quân ủy trung ương.

Ông Tập Cận Bình, bên cạnh vai trò Chủ tịch Quân ủy, còn được biết đến với chức vụ Tổng chỉ huy Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp Quân ủy, và hồi tháng 7 vừa qua tại lễ diễu binh kỷ niệm 90 năm thành lập PLA, ông được hơn 12.000 binh sĩ tại căn cứ Chu Nhật Hòa gọi là "thống soái tối cao".

Mặt trận dân tộc thống nhất

Ông Tập Cận Bình nói, hiện nay Trung Quốc đang hơn lúc nào hết tiến càng gần tới mục tiêu "phục hưng dân tộc Trung Hoa, hơn lúc nào hết trong lịch sử càng tràn đầy niềm tin, càng có năng lực để thực hiện mục tiêu này".

Tuy nhiên, những năm qua xã hội Trung Quốc đang ngày càng phân hóa do kinh tế phát triển nhanh, thêm vào đó là tác động của thời đại kỹ thuật số và mạng internet lên tầm nhìn của dư luận trong nước. 

Vì vậy, Mặt trận dân tộc thống nhất được coi là "pháp bảo" quan trọng để thực hiện tập hợp lực lượng trong và ngoài nước, nhằm hiện thực hóa mục tiêu "giấc mộng Trung Hoa".

5 pháp bảo không thể thiếu của ông Tập Cận Bình trong thời đại mang tên mình - Ảnh 2.

Ông Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng hệ thống chỉ huy tác chiến đặc sắc Trung Quốc, như một phần của cuộc cải tổ trong quân đội (Ảnh: Xinhua/Li Gang)

Cải cách và mở cửa

Nếu 3 "pháp bảo" kể trên đã phát huy tác dụng lớn trong thời kỳ Mao Trạch Đông làm cách mạng, thì cải cách mở cửa, lần đầu được đưa ra bởi Đặng Tiểu Bình, là một hướng đi quan trọng của một Trung Quốc để giải quyết vấn đề xây dựng, quản trị và phát triển đất nước. 

Mặc dù Trung Quốc chống tham nhũng quyết liệt, nhưng công cuộc cải cách mở cửa là xu thế không thể đảo ngược.

Phát biểu ở APEC CEO Summit tại Đà Nẵng, Việt Nam hôm 10/11, ông Tập Cận Bình dành nhiều thời lượng giới thiệu về thành tựu cải cách, mở cửa và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhằm thực hiện các mục tiêu xây dựng xã hội đến các năm 2021, 2035 và giữa thế kỷ 21.

"Thông qua đi sâu cải cách toàn diện, Chúng tôi đã phá bỏ những trở ngại về thể chế ngăn cản sự phát triển. Trung Quốc thúc đẩy toàn diện việc tạo ra sáng tạo mới, thực tiễn mới, chế độ mới, văn hóa mới và các mặt khác," ông nói.

Trung Quốc đang thúc đẩy các cải cách kinh tế sâu rộng bằng cách mở cửa thị trường vốn, quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, đồng thời ra sức tích lũy nền tảng công nghệ thông qua đầu tư, hợp tác trong và ngoài nước.

Xây dựng kinh tế

Đối với đảng cầm quyền thì vấn đề xây dựng kinh tế đất nước trở nên rất quan trọng. Nếu kinh tế Trung Quốc đình trệ, phúc lợi xã hội cho người dân không được bảo đảm sẽ tác động tới vai trò và cơ sở căn bản của ĐCSTQ. 

Bởi vậy, ông Tập hết sức coi trọng công cuộc xây dựng kinh tế, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, chiếu cố tầng lớp khó khăn trong xã hội.

Cũng trong phát biểu tại Đà Nẵng, ông cho biết Trung Quốc đã giúp "hơn 60 triệu người thoát khỏi nghèo đói trong 5 năm qua".

5 pháp bảo không thể thiếu của ông Tập Cận Bình trong thời đại mang tên mình - Ảnh 3.

 Báo cáo trước Đại hội 19, ông Tập đưa việc xác định rõ nhiệm vụ chung về tư tưởng xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới là thực hiện hiện đại hóa XHCN và phục hưng dân tộc Trung Hoa. 

Trên cơ sở xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, ông chia làm hai bước là tới giữa thế kỷ này xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc hiện đại hóa XHCN có nền văn minh dân chủ dân giàu nước mạnh và hài hòa.

Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm lãnh đạo Trung Quốc tái xác định "mâu thuẫn chủ yếu của xã hội trong thời kỳ mới là nhu cầu cuộc sống tốt đẹp ngày càng tăng lên của nhân dân với sự phát triển không cân bằng không đầy đủ".

Công cuộc xóa đói giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng của ĐCSTQ. Đây là một hướng đi không thể thoái lui trên con đường lãnh đạo của ông Tập Cận Bình và ban lãnh đạo Trung Quốc trong những năm tiếp theo.

Ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc từ sau Mao Trạch Đông

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại