5 ông lớn công nghệ tìm cách "hack" não người

Tùng Minh |

Vào tháng 3 vừa qua, Elon Musk – CEO của Tesla và SpaceX, đã tạo ra làn sóng tranh cãi trên khắp mặt báo khi cho biết công ty Neuralink mới thành lập của mình đang tập trung nghiên cứu cách kết nối não người với máy tính.

Được biết vào ban đầu, sản phẩm mới của công ty - giao diện não-máy tính (BCI) sẽ được sử dụng để phục vụ cho mục đích nghiên cứu y học. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của dự án là phát triển loài người lên một tầm cao mới bằng cách kết hợp với trí thông minh nhân tạo (AI).

Nhiều ông trùm công nghệ cũng chia sẻ tầm nhìn với Musk trong việc phát triển giao diện não-máy tính. Dưới đây là danh sách 5 công ty lớn đang tìm cách "hack" não người.

1. Neuralink và dự án liên lạc "bằng thần giao cách cảm"

Rào cản lớn nhất trong việc kết nối não người với máy tính là băng thông liên kết, Elon Musk cho biết.

Hiện tại, chúng ta đang tương tác với máy tính một cách khá "chậm chạp" thông qua màn hình cảm ứng hay bàn phím. Dự án mới này được tạo ra nhằm thúc đẩy tốc độ của quá trình tương tác trên; khi não suy nghĩ, máy tính sẽ hiểu và hành động ngay lập tức.

Neuralink đã được đăng ký kinh doanh dưới góc độ là một công ty nghiên cứu y khoa. Mục tiêu gần nhất của công ty là trong vòng 4 năm sẽ sản xuất một sản phẩm có thể giúp đỡ cho những người bị chấn thường não bộ.

Musk cho biết, tuy giao diện sử dụng và cách vận hành của hệ thống vẫn là một ẩn số; nhưng công nghệ trên hứa hẹn sẽ trở thành bước đệm vững chắc cho sự phát triển của các BCI trong tương lai. Chỉ trong vòng 5 năm nữa thôi, chúng ta có thể liên lạc với nhau bằng "thần giao cách cảm".

Một số nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học thần kinh bày tỏ thái độ hoài nghi về tính khả thi của dự án đầy tham vọng này.

2. Người dùng Facebook sắp có thể nhắn tin bằng ý nghĩ

Chỉ một vài tuần sau khi Musk công bố Neuralink, Facebook cũng nói rằng họ đang tích cực làm việc để mọi người có thể "nhắn tin" với nhau qua suy nghĩ của mình.

Mục tiêu của công ty là thiết kế được một thiết bị cho phép mọi người soạn được hơn 100 từ mỗi phút bằng ý nghĩ, Regina Dugan - Trưởng nhóm nghiên cứu dự án của Facebook, cho biết.

Dugan nói thêm rằng thiết bị này có thể tạo ra một giao diện ảo mà người dùng chỉ cần suy nghĩ để sử dụng; chúng ta sẽ không cần cử động tay khi tương tác với máy tính.

Còn theo các chuyên gia của công ty, họ không nghĩ việc cấy ghép hay tiến hành phẫu thuật trên cơ thể người nhằm mục đích liên kết não bộ với máy tính là khả thi trong tương lai xa. 

Vì vậy, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung vào việc phát triển một loại thiết bị bao phủ đầu có cấu trúc như mũ; loại thiết bị này có thể theo dõi, phân tích và hành động theo các tín hiệu phát ra từ não.

3. Startup về công nghệ thần kinh của Kernel

Mặc dù tạo được làn sóng truyền thông nhưng Musk không phải là doanh nhân giàu có đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thần kinh. Vào tháng 8 năm 2016, Bryan Johnson – nhà sáng lập của công ty thanh toán trực tuyến Braintree, đã đầu tư 100 triệu đô la vào xây dựng một startup có tên là Kernel.

Mục tiêu ban đầu của công ty là phát triển một con chip có thể ghi lại những ký ức và truyền chúng trở lại não người khi chúng ta muốn, Theodore Berger - kỹ sư y sinh học và nhà thần kinh học của Đại học Nam California, cho biết.

Tuy nhiên vào 6 tháng sau, Berger và Braintree đã chia tay vì hai bên không cùng chung tầm nhìn trong việc phát triển sản phẩm. Hiện tại, công ty đang định hướng phát triển loại công nghệ tương tự Neuralink.

Kernel có kế hoạch xây dựng một nền tảng linh hoạt có thể ghi lại và kích thích các nơron thần kinh trong não người, mục đích ban đầu của dự án là để phục vụ cho quá trình điều trị các bệnh như trầm cảm hay Alzheimer.

Tuy nhiên cũng giống như Musk, Johnson không ngại thảo luận về tiềm năng của việc hợp nhất với máy móc nhằm tăng cường khả năng của con người.

"Chúng tôi rất khuyến khích các đối tác liên hệ để cùng bàn về kế hoạch phát triển dự án đầy tiềm năng này", Johnson cho biết.

4. Emotiv và tai nghe điện não đồ

Không giống như nhiều công ty mà tất cả dự án đều chỉ đang trong quá trình nghiên cứu của ngành công nghiệp công nghệ thần kinh, Emotiv đã và đang thực sự sản xuất các sản phẩm như tai nghe điện não đồ; nó có thể ghi lại các tín hiệu được phát từ não người.

Mặc dù công nghệ này có độ tin cậy thấp hơn so với các mô thần kinh mà các công ty như Neuralink đang nghiên cứu. Tuy nhiên, các sản phẩm của Emotiv đã được kiểm định và đang chào bán trên thị trường.

Công ty có 2 dòng sản phẩm chính, một là "EPOC +" - dòng thiết bị phục vụ cho quá trình nghiên cứu não bộ với đối tượng khách hàng chính là các nhà khoa học; nó được bán với giá 799 đô la trên một sản phẩm. Hai là phiên bản dân sự của sản phẩm trên, có giá bán lẻ: 299 đô la.

5. Dự án 60 triệu USD của DARPA

Cơ quan nghiên cứu dự án phòng thủ tiên tiến (DARPA) của bộ quốc phòng Hoa Kỳ vừa công bố một dự án trị giá 60 triệu đô la vào năm ngoái. Mục đích của nghiên cứu này cũng là thiết kế một giao diện thần kinh não-máy tính.

Đây là một phần trong chương trình "Phát triển não bộ", một dự án hết sức tham vọng của cựu Tổng thống Barack Obama. 

DARPA muốn tạo ra một thiết bị có khả năng ghi lại đồng thời tất cả hoạt động của 1 triệu nơron thần kinh và có thể kích thích ít nhất 100.000 nơron trong não bộ, các chuyên gia của DARPA cho biết.

Chỉ trong vòng 4 năm nữa thôi, chúng ta sẽ được chứng kiến sự ra đời của hàng loạt thiết bị sử dụng giao diện não-máy tính. Loài người sẽ có thể nhắn tin, gọi điện, liên lạc với nhau qua suy nghĩ của mình.

Ngoài ra, đi kèm với sự phát triển của công nghệ giao diện trên cũng là thách thức to lớn cho việc bảo mật; các công ty có thể đánh cắp các thông tin, những bí mật từ não người một cách dễ dàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại