1. Valentina Grizodubova
Valentina Grizodubova là người phụ nữ đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Từ ngày 24/9 đến ngày 25/9/1938, chiếc ANT-37 'Rodina' do bà làm chỉ huy đã bay quãng đường dài 6.450 km trong 26 giờ 29 phút mà không cần hạ cánh. Phi công phụ Polina Osipenko và hoa tiêu Marina Raskova cũng được trao tặng danh hiệu Anh hùng cho kỷ lục bay đường dài của phái nữ.
Trong suốt Thế chiến II, Grizodubova chỉ huy Trung đoàn Vận tải Hàng không Tầm xa 101 và trung đoàn này toàn là nam giới. Tuy nhiên, nữ phi công nhanh chóng nhận được sự tôn trọng của cấp dưới trong vai trò một chỉ huy chiến đấu và điều phối tài ba. Bà thực hiện 200 lần xuất kích, trong đó có 132 chuyến bay đêm.
Valentina Grizodubova rất giỏi trong việc điều quân ra sau hậu tuyến đối phương. Bà được tặng thưởng huân chương "Thân binh Vệ quốc Vĩ đại", được miêu tả là người phụ nữ rất dũng cảm, kiên quyết, dám nghĩ dám làm.
2. Zoya Kosmodemyanskaya
Zoya Kosmodemyanskaya là một trong những nữ anh hùng Liên Xô nổi tiếng nhất trong Thế chiến II. Tại Liên Xô, có nhiều bộ phim, sách và bài hát vinh danh bà.
Trong trận chiến Moscow vào tháng 11/1941, cô gái 18 tuổi khi đó được cử làm thành viên của một nhóm trinh sát nghi binh đến một trong những ngôi làng bị địch chiếm đóng. Bộ chỉ huy Liên Xô đã ra lệnh phóng hoả các khu định cư gần thủ đô, nơi kẻ thù có thể sử dụng làm nơi cư trú trong mùa đông.
Zoya đã phóng hỏa đốt một số ngôi nhà trước khi cô bị bắt. Mọi đòn tra tấn hay đánh đập đều không thể khuất phục cô gái trẻ. Ngay cả khi bị đưa lên giá treo cổ, cô vẫn tiếp tục kêu gọi đám đông dân làng tập hợp lại để tiến hành một cuộc chiến đấu bất diệt chống lại kẻ thù.
Ngày 16/2/1942, Kosmodemyanskaya được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
3. Lyudmila Pavlichenko
"Quý cô Tử thần" là biệt danh được các nhà báo Mỹ đặt cho Lyudmila Pavlichenko, nữ bắn tỉa hiệu quả nhất trong lịch sử. Số lượng binh lính và sĩ quan địch bị cô giết đã vượt quá ba trăm người.
Người Đức thậm chí còn tổ chức một cuộc săn lùng nữ xạ thủ này. Họ chọn ra những xạ thủ giỏi nhất. Nhưng, hóa ra chính những người đi săn lại trở thành kẻ bị săn. Lyudmila đã loại bỏ khoảng ba mươi tay súng bắn tỉa Đức được giao nhiệm vụ theo đuổi cô.
Năm 1942, Pavlichenko đến thăm Mỹ với tư cách là thành viên của phái đoàn Liên Xô. Lúc đầu, những người Mỹ không coi trọng cô, khi chỉ hỏi toàn những câu về cuộc sống thường ngày của người phụ nữ nơi chiến tuyến.
Cuối cùng, Lyudmila không thể chịu đựng được và trả lời các nhà báo: "Các quý ông, tôi 25 tuổi. Tôi đã tiêu diệt 309 kẻ xâm lược phát xít ở mặt trận. Các ngài không thấy là đã núp sau lưng tôi quá lâu sao?"
4. Maria Oktyabrskaya
Sau khi người chồng bị sát hại trong một trận chiến vào tháng 8/1941, Maria Oktyabrskaya dường như luôn nung nấu ý định trả thù. Tuy nhiên, quân đội không mặn mà trong việc đưa một người phụ nữ 36 tuổi ra tiền tuyến, đặc biệt khi cô có vấn đề về sức khoẻ. Vì vậy, Maria quyết định đi một con đường khác.
Cô đã bán hết đồ đạc, tìm một công việc làm thêm ngoài giờ và gửi toàn bộ số tiền thu được vào Quỹ Quốc phòng để chi trả cho việc chế tạo xe tăng T-34 cho Hồng quân.
Đồng thời, cô viết một bức thư cho Stalin kể câu chuyện của mình: "Tôi muốn trả thù những kẻ phát xít vì cái chết của chồng tôi và cái chết của tất cả người dân Liên Xô bị giết bởi những kẻ man rợ. Tôi đã đóng góp tất cả số tiền tiết kiệm cá nhân của mình - 50.000 rúp - vào ngân hàng nhà nước để chế tạo xe tăng. Tôi đề nghị chiếc xe tăng được gọi là 'Boyevaya Podruga' (Bạn gái chiến đấu) và tôi được cử ra mặt trận với tư cách là người điều khiển chiếc xe tăng này".
Stalin đã đáp ứng yêu cầu của người goá phụ. Sau khi tốt nghiệp trường xe tăng Omsk, Maria Oktyabrskaya trở thành người lái chiếc xe tăng được chế tạo bằng chính số tiền của mình và chiến đấu thành công trên trên mặt trận cho đến khi tử thương vào ngày 15/3/1944.
5. Valentina Tereshkova
Ý tưởng đưa một phụ nữ vào không gian đến với lãnh đạo Liên Xô sau chuyến bay thành công của Yuri Gagarin năm 1961. Nếu nam phi hành gia đầu tiên được tìm kiếm trong số các phi công quân sự, ứng viên nữ xứng đáng lại được chọn từ hàng trăm cô gái tham gia môn thể thao nhảy dù. Valentina Tereshkova là người may mắn.
Chuyến bay của nữ phi hành gia đầu tiên bắt đầu vào ngày 16/6/1963 và kéo dài gần ba ngày, tàu vũ trụ 'Vostok-6' của cô đã quay quanh Trái đất 48 lần.
Tereshkova vẫn là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử bay vào vũ trụ một mình - những người khác chỉ bay một phần của phi hành đoàn với các đồng nghiệp nam.
Sau thành công của mình, Valentina Tereshkova được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và quyết định cống hiến hết mình cho sự nghiệp chính trị, công việc cô làm cho đến ngày nay. Cô ấy vẫn là thành viên của đội du hành vũ trụ cho đến năm 1997, nhưng không bao giờ đi vào không gian nữa.