Chỉ còn 5 ngày trước khi Iran được "tháo gông" khỏi lệnh cấm vận vũ khí
Mùa hè năm 2020, trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Nga TASS, Đại sứ Nga tại Tehran Levan Dzhagaryan cho biết Mỹ khó có thể thành công trong việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với Iran.
"Lệnh cấm vận vũ khí hết hạn vào ngày 18/10/2020. Tôi nghĩ rằng người Mỹ sẽ khó thành công trong những nỗ lực vụng về của họ để ngăn điều này xảy ra".
Lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10 tới theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA) nhằm ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) ký giữa Tehran và Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015.
Đại sứ Nga tại Iran, ông Levan Dzhagaryan (trái) tham gia buổi lễ chính thức kỷ niệm 41 năm Cách mạng Hồi giáo Iran tháng 2/2020 (Nguồn: ISNA).
Bất chấp tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào tháng 8/2020 rằng Washington "sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình để ngăn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran hết hạn", cho tới nay Washington mới chỉ ra các "đòn ngoại giao".
Mỹ đã đưa ra dự thảo nghị quyết gia hạn lệnh cấm vận này nhưng HĐBA đã phủ quyết ngày 15/8/2020.
Ngày 19/9, Mỹ đơn phương tuyên bố các biện pháp trừng phạt của LHQ áp dụng với Iran trước năm 2015 đã được khôi phục, với lý do Tehran không tuân thủ các nghĩa vụ trong JCPOA.
Mỹ viện dẫn điều khoản về quy trình "tái áp đặt trừng phạt" trong Nghị quyết 2231, theo đó cho phép bất kỳ nước nào trong nhóm P5+1 kích hoạt tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ nếu Iran không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận.
Mặc dù Mỹ có thể đơn phương tiến hành các biện pháp trừng phạt, bao gồm trừng phạt các đối tác của Iran sau thời điểm ngày 18/10, tuy nhiên có vẻ tất cả những nỗ lực của phía Mỹ đã không thành công như ông Dzhagaryan đã nhận xét.
Ngoài năng lực tên lửa và máy bay không người lái được cho là mang tầm khu vực, Iran vẫn sẽ cần bổ sung năng lực của lực lượng vũ trang bằng các loại vũ khí mới (Ảnh: AP).
"Bước đi tiếp theo" của Nga, Trung Quốc và Iran
Theo RIAC (Hội đồng Nga), Tehran đã cam kết với cộng đồng quốc tế rằng các mục tiêu phát triển quân sự của họ chỉ liên quan tới việc cân bằng sức mạnh trong khu vực và răn đe, do vậy ở thời điểm lệnh cấm vận kết thúc chắc chắn họ sẽ tỏ ra thận trọng.
Do Iran nhận thức rằng các hành vi "cấp tiến" sẽ có thể tác động tới phản ứng của cộng đồng quốc tế, giả định rằng nước này sẽ ồ ạt mua sắm vũ khí dường như sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang Iran vẫn cần tăng cường năng lực không quân, phòng không, phòng thủ hải quân cùng với các hệ thống radar và tác chiến điện tử.
RIAC dẫn "các báo cáo chưa được xác thực" cho thấy Iran đang tìm cách mua các tiêm kích Sukhoi bao gồm Su-35, Su-30SM và Su-27SM-3 hoặc các tiêm kích MiG.
Ngoài ra Tehran cũng để mắt tới các hệ thống tên lửa phòng không - phòng thủ bờ như S-400, Bastion và xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-90 từ Nga.
Mặc dù Nga vẫn là lựa chọn chính của Iran, nhưng nước này sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu mua sắm vũ khí từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Pakistan và Triều Tiên để tránh trở nên phụ thuộc quá nhiều vào Moscow.
Iran sẽ tránh phụ thuộc vào Nga bằng cách mua sắm vũ khí Trung Quốc?
Iran được cho là đã đàm phán với Trung Quốc để tiêm kích J-10C, và các hệ thống phòng không HQ-9, LY-80.
Một điều chắc chắn là cả Iran, Nga và Trung Quốc sẽ thận trọng trong việc mua bán vũ khí, cũng như sẽ có thái độ khá miễn cưỡng khi đối đầu với Mỹ.
Moscow và Bắc Kinh biết rằng Washington đang tỏ ra nhạy cảm với vấn đề này, và ngay cả khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Một điều họ có thể làm là ký hợp đồng mua bán vũ khí với Iran nhưng hoãn giao hàng.
Các đơn hàng vũ khí của Iran sau khi cấm vận vũ khí được gỡ bỏ sẽ giống như thương vụ S-300, tức là từ thời điểm ký kết tới thời điểm bàn giao mất tới 9 năm (từ 2007 đến 2016)?