Lãnh đạo công ty đối thoại với người lao động trong ngày 10/2.
Ngày 11/2, trao đổi với PV, ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, đã ngày thứ 5 nghỉ việc tập thể nhưng 5000 công nhân của Công ty TNHH Viet Glory (đóng ở xã Diễn Trường) vẫn chưa chấp nhận các giải quyết của công ty nên vẫn không vào làm việc.
"Sáng nay có ít người đến tập trung trước cổng công ty hơn. Lãnh đạo công ty "xuống nước" ra mời các công nhân vào công ty làm việc và thông báo các kiến nghị có thể giải quyết thì đã trả lời bằng văn bản rồi. Các kiến nghị khác sẽ xem xét và bổ sung. Tuy nhiên các công nhân vẫn không chấp nhận vào làm việc.
Theo quy định hết ngày thứ 5 các công nhân nghỉ việc không lý do thì bên sử dụng lao động sẽ chấp dứt hợp đồng với các lao động", phó Chủ tịch huyện Diễn Châu nói và cho biết, có thể ngày mai các công nhân sẽ trở lại làm việc bình thường.
Đã là ngày thứ 5 nghỉ việc tập thể, 5000 công nhân vẫn chưa chấp nhận giải quyết của công ty.
Trước đó từ sáng 7/2, 5000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory đồng loạt ngừng việc tập thể và đưa ra 11 kiến nghị, yêu cầu lãnh đạo công ty giải quyết. Trong đó, yêu cầu quan trọng là tăng lương cơ bản, bổ sung phụ cấp thâm niên, đảm bảo các chế độ hỗ trợ và tôn trọng người lao động.
Ngày 8/2, sau buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Diễn Châu, Liên đoàn lao động huyện và các đơn vị liên quan, phía công ty đã ra văn bản thông báo giải quyết kiến nghị của các công nhân và một số kiến nghị sẽ được xem xét sau.
Tuy nhiên, 2 vấn đề trọng tâm là tăng lương và bổ sung phụ cấp thâm niên thì công ty khẳng định không thể đáp ứng trong thời điểm này. Tại thời điểm này, mức lương cơ bản cho người lao động mà công ty trả là 3.670.000 đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng 4 theo quy định (3.070.000 đồng).
Các công nhân cho biết không được tăng lương cơ bản, không bổ sung phụ cấp họ sẽ không đi làm.
Ngày 9/2, các công nhân vẫn không đồng tình với các giải quyết này của công ty nên tiếp tục tập trung trước cổng để yêu cầu phải giải quyết, tăng lương cơ bản, bổ sung phụ cấp.
Ngày 10/2, lãnh đạo Công ty Viet Glory đã tổ chức đối thoại với người lao động dưới sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương, Liên đoàn lao động huyện.
Tuy nhiên, kết thúc buổi đối thoại hôm 10/2 giữa công ty và người lao động vẫn không tìm được tiếng nói chung.
Đến ngày 11/2, 5000 công nhân vẫn không vào công ty làm việc với lý do "không tăng lương, không bổ sung phụ cấp sẽ không vào làm việc".
Ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu vận động công nhân.
Liên quan đến sự việc này, ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu khẳng định, kiến nghị tăng lương, bổ sung phụ cấp thâm niên của người lao động là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, cần phải xét vào bối cảnh hiện nay của công ty và quy định của pháp luật để có thể đi đến thống nhất cách giải quyết, đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên.
Còn các kiến nghị khác liên quan đến chế độ chính sách của người lao động, tổ chức công đoàn và các cơ quan chức năng sẽ làm việc cụ thể với đại diện công ty.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu cho biết, tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền cho công nhân chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh. Chính sách của công ty sẽ có từng bước tháo gỡ.
Lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory cho biết, việc công nhân tự ý ngừng việc tập thể đã gây thiệt hại lớn cho công ty, các đơn hàng phải chuyển cho đơn vị khác thực hiện. Thời điểm hiện tại, công ty không thể đáp ứng yêu cầu tăng lương, bổ sung phụ cấp thâm niên cho người lao động.
Theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 36, Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.