1. "Người hòa giải" Vương Chiêu Quân (Triều Hán, năm 51-15 trước Công nguyên)
Vương Chiêu Quân xuất thân từ gia đình thường dân nhà Hán. Xinh đẹp, giỏi cầm kỳ thi họa, nàng được tuyển vào hậu cung của Hán Nguyên Đế nhưng chỉ làm cung nữ.
Khi đó người Hung Nô là dân du mục, chiếm đóng khu vực rộng lớn là Mông Cổ ngày nay, một phần phía bắc Trung Quốc và Trung Á. Người Hung Nô và người Hán đụng độ ở khu vực biên giới trong nhiều năm.
Phác họa Vương Chiêu Quân ngồi trên lưng ngựa. (Ảnh: Sohu)
Năm thứ 53 trước Công nguyên, thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà đến kinh đô Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán và muốn lấy công chúa. Vua không muốn gả con gái, bèn ban lệnh cho các cung nữ "ai muốn lấy Hô Hàn Tà sẽ được coi như công chúa".
Không ai muốn lấy Hô Hàn Tà, chỉ có Vương Chiêu Quân tình nguyện và sau này trở thành sủng phi. Hai người sinh được hai con trai và một con gái. Các nhà sử học và thi sĩ ca ngợi Vương Chiêu Quân đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình kéo dài nhiều thập niên giữa người Hung Nô và người Hán.
2. "Nữ hoàng đế" Võ Tắc Thiên (Triều Đường, năm 624-705)
Phác họa nữ đế Võ Tắc Thiên. (Ảnh: Sohu)
Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bà vào cung năm 14 tuổi, làm tài nhân (hàng thứ tư trong 7 thứ bậc phi tần thời Đường) cho Đường Thái Tông - hoàng đế thứ hai của nhà Đường. Thái Tông mất khi Võ Tắc Thiên 25 tuổi. Bà phải cạo đầu đi tu.
Con trai của Thái Tông là Cao Tông lên ngôi, đã đón Võ Tắc Thiên vào cung vì thương thầm bà từ khi còn làm hoàng tử. Võ Tắc Thiên bắt đầu hành trình dài tranh đấu quyền lực và lên ngôi hoàng đế ở tuổi 66, cầm quyền thêm 15 năm nữa tới khi qua đời.
Võ Tắc Thiên được mô tả là người tàn nhẫn, từng giết chết con gái đẻ vì dám đối nghịch. Tuy nhiên, dưới thời cai trị của Võ Tắc Thiên, lãnh thổ của nhà Đường mở rộng, nhiều chính sách cai trị và xã hội được cải cách.
3. "Người giơ đầu chịu báng" Dương Ngọc Hoàn (Triều Đường, năm 719-756)
Dương Ngọc Hoàn còn được gọi là Dương Quý Phi, cũng có mối quan hệ với cả bố và con trai làm hoàng đế. Dương Ngọc Hoàn vốn là chính phi (vợ cả) của Thọ vương Lý Mạo, con trai của Đường Minh Hoàng và Võ Huệ Phi. Sau khi Võ Huệ Phi qua đời, Đường Minh Hoàng, 61 tuổi lập Dương thị, 27 tuổi, làm quý phi (vợ lẽ, cấp bậc cao thứ hai trong hậu cung, sau hoàng hậu).
Phác họa Dương Quý Phi. (Ảnh: Sohu)
Đường Minh Hoàng say mê Dương Quý Phi, lơ là triều chính. Ông phong nhiều vị trí quan trọng trong triều đình cho thân thích của Dương Quý Phi, dẫn tới cuộc nổi loạn An Lộc Sơn. Tướng An Lộc Sơn lấy lý do gia tộc Dương Quý Phi làm nhũng nhiễu triều chính để nổi dậy.
Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi chạy trốn khỏi kinh thành. Trên đường đi trốn, cấm vệ quân đổ lỗi cho Dương Quý Phi gây nên tình trạng bất ổn và xử tử bà. Dương Quý Phi chết năm 38 tuổi. Cuộc nổi dậy bị dẹp sau 8 năm. Tuy nhiên, đó là khởi đầu cho sự kết thúc của vương triều nhà Đường.
4. "Con tốt" Trần Viên Viên (Triều Minh, năm 1624 - 1681)
Phác họa Trần Viên Viên. (Ảnh: Sohu)
Sinh ra trong thời loạn lạc, Trần Viên Viên mồ côi từ nhỏ. Trần Viên Viên là kỹ nữ nổi tiếng xinh đẹp, giỏi múa hát và sau này trở thành ái thiếp (vợ lẽ) của Ngô Tam Quế, một tướng quân đội nhà Minh.
Ngô Tam Quế là người góp phần khiến nhà Minh sụp đổ. Ngô đã mở cửa Sơn Hải cho quân Mãn Thanh tràn vào và phối hợp với quân Mãn Thanh chống lại quân Lý Tự Thành (người lãnh đạo khởi nghĩa lật đổ nhà Minh năm 1644 và tự xưng Hoàng đế Đại Thuận), đánh chiếm thủ đô Bắc Kinh.
Dân gian đồn rằng Ngô Tam Quế phản bội vì một tướng khác của nhà Minh bắt cóc ái thiếp Trần Viên Viên. Ngô Tam Quế khi đó vô cùng tức giận đã nói: "Làm sao ta dám đối mặt với ai khi không thể bảo vệ một người phụ nữ?" Hiện chưa rõ số phận của Trần Viên Viên sau chiến tranh.
5. "Người chuyên quyền" Từ Hy (Triều Thanh, năm 1835-1908)
Từ Hy Thái Hậu. (Ảnh: Sohu)
Từ Hy Thái hậu nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc cận đại với 50 năm nhiếp chính trong thế kỷ 19. Từ Hy vào cung năm 1852, sau khi hạ sinh Hoàng trưởng tử Tái Thuần, bà được Hàm Phong Đế sắc phong làm Ý phi, sau tấn phong làm Ý Quý phi. Khi Hàm Phong Đế qua đời, con trai duy nhất là hoàng tử Tái Thuần lên ngôi lúc mới 5 tuổi, có hai hoàng thái hậu và quan lại giúp đỡ chấp chính. Tuy nhiên, năm 1861, Từ Hy âm mưu đảo chính, lật đổ Từ An Thái hậu, tự mình nhiếp chính.
Trong suốt thời gian Từ Hy nhiếp chính, Trung Quốc trải qua nhiều biến động xã hội và chiến tranh ngoại bang, như cuộc chiến thuốc phiện lần thứ hai. Từ Hy Thái hậu vượt qua những thách thức này và tiếp tục lối sống xa hoa.
Từ Hy Thái hậu qua đời ở Bắc Kinh năm 1908 khi đất nước đang trong tình cảnh hỗn loạn, mở đường cho các nhà cách mạng như Tôn Trung Sơn lật đổ nhà Thanh, khai sinh Trung Hoa Dân Quốc.