Tờ SCMP cho biết, một viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc đang tìm cách thiết kế mô hình nhà máy điện hạt nhân kích thước nhỏ nhất thế giới. Thiết kế này sẽ có thể đặt vừa trong một công-ten-nơ, với mục đích mang ra lắp đặt trên một hòn đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Theo SCMP, các nhà nhiên cứu Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều nguồn lực để hiện thực hóa tham vọng phát triển “bộ pin hạt nhân di động” này. Hiện dự án nghiên cứu này đang được rót tiền đầu tư bởi quân đội Trung Quốc.
Theo mô tả của SCMP, lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ này sẽ có chiều dài khoảng 6,1 m và chiều cao khoảng 2,6 m. Dù nhỏ nhưng lò phản ứng hạt nhân trên sẽ đủ khả năng sản xuất 10 megawatt nhiệt điện, đủ sức cung cấp điện cho khoảng 50.000 hộ dân.
Một thết kế lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ của các nhà khoa học Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post
“Bộ pin hạt nhân di động” cũng sẽ có khả năng hoạt động liên tục trong nhiều năm, hay thậm chí là nhiều thập kỷ, mà không cần bổ sung năng lượng phóng xạ. Một nhà khoa học chia sẻ với tờ SCMP, nhà máy mini này sẽ không thải ra khói bụi và rất khó bị phát hiện.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Năng lượng Hạt nhân an toàn, thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, tại tỉnh An Huy tự tin dự đoán công nghệ này sẽ được phát triển thành công trong vòng 5 năm tới.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc thừa nhận, công nghệ mà họ đang phát triển có nhiều điểm tương đồng với lò phản ứng nhiệt hạch kích thước nhỏ của Liên Xô. Công nghệ này đã được Hải quân Liên Xô ứng dụng vào các tàu ngầm hạt nhân trong những năm 1970.
Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên sử dụng loại công nghệ quân sự này trên đất liền. Bên cạnh mục đích cung cấp điện năng, thiết kế “pin hạt nhân” cũng sẽ giúp lọc một lượng lớn nước biển thành nước ngọt cho người sinh sống tại các đảo.
Theo SCMP, Trung Quốc cũng đang cân nhắc thiết kế các nhà máy điện hạt nhân nổi và triển khai ra các đảo nhân tạo ngoài biển Đông.
Nếu thật sự được lắp đặt ngoài Biển Đông, các mẫu nhà máy hạt nhân tí hon này của Trung Quốc sẽ đặt vùng biển khu vực trước nguy cơ thảm họa hạt nhân.
Nếu các nhà máy này bị hư hỏng bởi thiên tai, chất thải phóng xạ sẽ không chỉ đe dọa đến các nước trong khu vực. Các dòng hải lưu mạnh trong vùng biển sẽ đưa chất phóng xạ lan rộng trên phạm vi toàn cầu.