5 năm Nga "chăm chỉ" ở Syria không bằng "cái phủi tay" của Thổ Nhĩ Kỳ?

Trương Mạnh Kiên |

Là "khách không mời", Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước mở rộng sự hiện diện ở Syria, thậm chí còn hơn cả "khách chính thức" như Nga.

Khác với Nga – khi được chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad mời đến giúp đỡ - sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ lâu dài ở Syria đang đặt ra câu hỏi về sự ổn định của quốc gia Trung Đông, theo Al Araby.

Mở rộng kiểm soát

Vào tháng 8/2016, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch Lá chắn Euphrates ở tây bắc Syria. Mục tiêu chính của chiến dịch là loại bỏ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và ngăn chặn Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tiến xa hơn về phía Tây trong chiến dịch do Mỹ hậu thuẫn chống lại IS.

Thành phần chính của SDF là nhóm Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là mối đe dọa an ninh chính.

5 năm Nga chăm chỉ ở Syria không bằng cái phủi tay của Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát nhiều khu vực ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành Lá chắn Euphrates sau khi chiếm được thành phố Al-Bab từ tay IS vào tháng 3/2017. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và dân quân Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn vẫn giữ quyền kiểm soát các khu vực cho đến ngày nay. Ankara kể từ đó đã đầu tư và giám sát các dự án tái thiết và xây dựng cơ sở hạ tầng mới.

Năm 2017, trong khuôn khổ Thỏa thuận Astana với Nga và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thiết lập sự hiện diện của quân đội tại tỉnh Idlib của Syria thông qua việc thành lập 12 trạm quan sát. Mục tiêu chính thức của việc triển khai là ngăn chặn các cuộc đụng độ giữa các lực lượng của chính quyền Syria và các nhóm vũ trang đối lập đang kiểm soát Idlib, nổi bật nhất là Hayat Tahrir al-Sham (HTS).

Các cuộc tấn công tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria gây nhiều tranh cãi. Vào đầu năm 2018, lực lượng nước này kiểm soát vùng Afrin của người Kurd ở phía tây bắc Syria, trước đó do YPG quản lý. Chiến dịch đã chứng kiến ​​sự di dời quy mô lớn của người Kurd.

Vào tháng 10/2019, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục kiểm soát vùng rộng lớn ở đông bắc Syria do SDF kiểm soát trước đây, khiến hàng chục nghìn người phải di tản và gây mất ổn định và an ninh phần lớn khu vực. Đối với người Kurd, các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ là một thảm họa.

Nhà phân tích chính trị Ali Demirdas nhấn mạnh một số điều tích cực mà Thổ Nhĩ Kỳ đã làm ở Syria.

"Cần lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu gánh nặng của cuộc chiến Syria khi phải tiếp nhận hơn bốn triệu người tị nạn, khoảng 300.000 người trong số họ là người Kurd, khiến nước này trở thành quốc gia có người tị nạn lớn nhất trên thế giới", Demirdas nói với The New Arab. "Điều này trên thực tế đã đặt gánh nặng lên cấu trúc kinh tế và xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ".

Bất chấp những gánh nặng rất lớn này, Demirdas chỉ ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã "hồi sinh cơ sở hạ tầng ở các vùng kiểm soát ở Syria bằng cách xây dựng bệnh viện, trường học và đường xá".

Hơn nữa, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tái định cư hai triệu người Syria tị nạn hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về đất nước, những người Syria đó sẽ vẫn cần Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho họ một khu vực an toàn, Demirdas nói.

Mặt tối

5 năm Nga chăm chỉ ở Syria không bằng cái phủi tay của Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 3.

Trong khi Nga được mời đến Syria, Thổ Nhĩ Kỳ lại có lý do khác để tiến hành các hoạt động quân sự.

Hiện tại, vẫn chưa rõ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự ở miền Bắc Syria trong bao lâu. Bên cạnh những mặt tích cực, Ankara được cho là đang làm phức tạp thêm tình hình.

Theo Nicholas Heras, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Thổ Nhĩ Kỳ đã "đặt nền móng cho sự hiện diện lâu dài ở miền Bắc Syria tương tự như sự hiện diện ở Síp".

"Các khu vực rộng lớn ở miền Bắc Syria đang được quản lý và cung cấp các tiện ích như thể chúng là phần mở rộng trên thực tế của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Vùng lá chắn Euphrates và Afrin".

"Idlib là lãnh thổ tiếp theo đang được mong đợi sẽ hợp nhất như thể là một phần trên thực tế của Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó có nghĩa là một khu vực bị thống trị bởi hệ sinh thái al-Qaeda sẽ trở thành một phần được Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ", ông nói thêm.

Chuyên gia Heras lưu ý rằng hàng triệu người Syria ngày nay - chiếm một tỷ lệ rất lớn những người Syria còn lại bên trong đất nước bị chiến tranh tàn phá - hiện đang "phụ thuộc vào nền kinh tế, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ an ninh, hỗ trợ nhân đạo và quản trị của Thổ Nhĩ Kỳ".

"Một số khu vực ở miền Bắc Syria do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát có sự ổn định tốt hơn những khu vực khác, nhưng Afrin và Tal Abyad Pocket rõ ràng là những khu vực hỗn loạn bị thống trị bởi các nhóm phiến quân Syria trước đây", ông nói.

"Nói tóm lại, các vùng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria là mối đe dọa lâu dài đối với sự ổn định của khu vực và các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại