Ông Nguyễn Đức Tài và Thế Giới Di Động là một trong những hình mẫu được giới startup cùng cộng đồng SMEs tại Việt Nam ngưỡng mộ nhất. Bởi, dù đã là một doanh nghiệp lớn dẫn đầu ngành, song họ vẫn luôn tìm đủ mọi cách tăng trưởng thần tốc, và vẫn giữ được tinh thần startup: thử nghiệm nhiều, sai nhanh, sửa nhanh và thành công nhanh.
Tuy nhiên, năm 2021 có vẻ là năm hạn của Thế Giới Di Động (MWG), khi những sai lầm của họ lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng – đặc biệt là hình ảnh thương hiệu.
Triết lý kinh doanh của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: luôn xem khách hàng là ưu tiên số 1, tiếp đến là cán bộ công nhân viên và tiếp theo mới đến các nhà đầu tư. Bởi đơn giản, khách hàng chính là người ‘nuôi’ nhân sự và nhà đầu tư của Thế Giới Di Động.
Trong một sự kiện cuối năm 2020, ông Nguyễn Đức Tài từng kể: một trong những văn hóa quan trọng của TGDĐ là ‘lấy khách hàng làm trung tâm’, nếu khi khách hàng mang hàng ra trả đổi, lãnh đạo xui nhân viên làm khó dễ họ, chắc chắn chẳng nhân viên nào tin và chịu tuân thủ văn hóa.
Lúc đó, MWG có chương trình đổi trả tivi trong vòng một tháng, tức sau khi mua tivi ở Bách Hóa Xanh, nếu khách hàng không muốn sử dụng nữa, có thể mang ra bán lại cho Bách Hóa Xanh.
Mỗi tivi mới của Samsung, Bách Hóa Xanh mua mới giá khoảng 7,5 triệu, sau đó bán cho khách hàng giá 10 triệu. Trong tháng đầu tiên sử dụng, nếu khách hàng không muốn dùng nữa, sẽ mang ra trả lại và Bách Hóa Xanh sẽ mua với giá 8 triệu, sau đó bán ra thêm một lần nữa với với giá 6 triệu. Năm 2019, họ đã ‘đốt’ khoảng 80 tỷ đồng cho chương trình này, năm 2020 dự kiến sẽ lỗ thêm khoảng 100 triệu đồng nữa.
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài của Thế Giới Di Động.
"Chúng ta phải xác nhận với nhau rằng, khách hàng chính là người mang tiền về cho công ty và là người trả lương cho BOD và nhân viên, nên mình cần phải trân trọng họ một cách thích đáng. Nhiều công ty đưa ra các slogan rất kêu như ‘Sinh ra để phục vụ’, nhưng chỉ xem khách hàng như công cụ để kiếm tiền và không hề yêu mến khách hàng của mình.
Nếu mình đã khẳng định rất yêu khách hàng của mình, thì chuyện cho phép họ đổi trả là điều tất nhiên. Tình yêu thật sự và ‘Sở Khanh’ chỉ khác nhau ở điểm đó! Nhiều người học hành đàng hoàng và các nhà đầu tư khi nhìn vào khoản lỗ nói trên đều cảm thấy rất khó hiểu và cho rằng, nếu chúng tôi cứ tiếp tục như vậy chính là đi ‘tìm chết’. Nhưng tôi lại không nghĩ thế, nếu khách hàng tin mình, hôm nay lỗ nhưng chắc chắn mai sẽ lời.
Vì khách hàng tin mình và yêu mình mới đi mua sản phẩm của mình, họ không hề có ý định ‘mượn vài bữa xài chơi’, vì thật ra họ cũng bị mất 2 triệu. Hơn nữa, rõ ràng việc họ không muốn dùng tivi nữa, một phần lỗi thuộc về nhân viên của mình bởi chúng nó đã tư vấn ‘cái quái’ gì đó không đúng ý hoặc nhu cầu của khách hàng", ông Nguyễn Đức Tài bày tỏ.
Tuy nhiên, dù là lỗi của Covid-19 hay sự thiếu kinh nghiệm quản trị chuỗi siêu thị của MWG, thì việc hàng loạt siêu thị Bách Hóa Xanh tại TP. HCM đã tăng giá và không niêm yết giá cẩn thận trong thời điểm cao trào dịch bệnh, rõ ràng đã đi ngược lại triết lý của ông, khiến uy tín thương hiệu của MWG sứt mẻ nghiêm trọng.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Tập đoàn MWG.
MWG đã xuất sắc hoàn thành 50% kế hoạch đề ra trong 6 tháng đầu năm; nhưng đó là lúc ‘scandal’ của Bách Hóa Xanh chưa nổ ra. Uy tín là thứ khó xây nhưng dễ phá, 6 tháng cuối năm này sẽ là một thử thách thực sự cho toàn thể cán bộ nhân viên của Thế Giới Di Động và nếu họ không hoàn thành mục tiêu đã đề ra, chúng ta cũng không cảm thấy ngạc nhiên.
Hiện tại, Thế Giới Di Động đang có 3 mảng chính: hàng công nghệ - điện tử với chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, mảng tiêu dùng với chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh và dược phẩm với chuỗi An Khang. Vì mảng công nghệ - điện tử đang dần đến thời điểm bão hòa, động lực tăng trưởng chính của Tập đoàn này trong vài năm tới sẽ là tiêu dùng và dược phẩm.
VỀ MẢNG CÔNG NGHỆ - ĐIỆN MÁY
Khởi thủy của MWG là chuỗi bán thiết bị công nghệ Thế Giới Di Động, ra đời năm 2004. Hiện tại, trong các cửa hàng của Thế Giới Di Động còn bán cả đồng hồ, phụ kiện điện thoại và kính râm. Theo dòng thời cuộc, lượng cửa hàng vật lý của chuỗi Thế Giới Di Động đang trên đà giảm sút và tăng cường bán hàng online.
Hiện tại, chuỗi Thế Giới Di Động có 936 cửa hàng, chiếm 25% cơ cấu doanh thu của Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2010, MWG bắt đầu manh nha ý định bán thêm sản phẩm điện máy khi ra mắt thương hiệu Dienmay.com. Năm 2017, Tập đoàn này tiến hành mua và sáp nhập hệ thống bán lẻ điện máy Trần Anh và nhập chung vào chuỗi Điện Máy Xanh như hiện tại. Ngoài sản phẩm chính là điện máy, tại các cửa hàng Điện Máy Xanh hiện tại còn bán cả đồ gia dụng và xe đạp.
Bách Hóa Xanh nay còn bán cả xe đạp.
Hiện tại, chuỗi Điện Máy Xanh có 1.731 cửa hàng trên toàn quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Điện Máy Xanh chiếm 53,3% cơ cấu doanh thu, tăng 5% so với cùng kỳ.
Dù biết mảng điện tử - điện máy không còn ngon ăn như những năm trước, nhưng vì đây đang là bầu sữa chính nuôi sống doanh nghiệp, kể từ đầu năm 2020, MWG đã ra mắt nhiều mô hình phụ để chiếm thêm thị phần.
Đầu năm 2020, họ bắt đầu triển khai mô hình Điện Máy Xanh Supermini để có thể len sâu vào tận các ngõ ngách khắp Việt Nam. Tính đến cuối tháng 6/2021, Điện Máy Xanh Supermini có 566 cửa hàng, đóng góp 3.000 tỷ đồng doanh thu của Tập đoàn và chiếm 9% doanh thu của chuỗi Điện Máy Xanh.
Giữa năm 2020, tại thị trường Campuchia, MWG chuyển đổi mô hình BigPhone thành Bluetronics. Hiện chuỗi này đã có 55 cửa hàng, chiếm 0,3% cơ cấu doanh thu của Tập đoàn.
Vào tháng 5/2021, MWG ra mắt mô hình cộng tác viên để đánh chiếm nốt thị phần công nghệ - điện máy ở khu vực nông thôn. Trước mắt, họ chỉ bán lẻ, nhưng trong tương lai có thể phân phối cả sỉ cho các cửa hàng truyền thống tại tỉnh lẻ - nông thôn.
Mô hình kinh doanh cộng tác viên của MWG nôm na thế này: họ sẽ tuyển những chủ cửa hàng nhỏ lẻ đang bán smartphone hay điện máy ở những vùng sâu vùng xa – nơi mà 2 chuỗi Điện Máy Xanh cùng Thế Giới Di Động chưa vươn tới, làm cộng tác viên bán hàng. Theo đó, MWG sẽ trả hoa hồng từ 5% đến 20% tùy sản phẩm và thời điểm, cho các cộng tác viên.
"Hiện tại, Điện Máy Xanh đang chiếm 50% thị phần điện máy tại Việt Nam, 30% thuộc về các nhà bán lẻ khác và 20% thuộc về 20.000 đến 30.000 cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống còn lại. Mục tiêu của mô hình kinh doanh cộng tác viên chính là để đánh chiếm 20% thị phần thuộc về 20.000 đến 30.000 cửa hàng nhỏ lẻ đó", ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO của MWG cho biết.
VỀ MẢNG TIÊU DÙNG
Bách Hóa Xanh ra đời năm 2015. Theo lời kể của ông Nguyễn Đức Tài, mô hình này được Ban lãnh đạo của Tập đoàn học tập theo 1 mô hình ở Indonesia, trong hành trình tìm kiếm thứ thay thế cho mảng công nghệ để tiếp tục đà tăng trưởng 2 con số của doanh nghiệp.
Sau 6 năm phát triển, Bách Hóa Xanh hiện có 1.888 cửa hàng tại 25 tỉnh thành. 6 tháng đầu năm 2021, Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu hơn 13.360 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ, chiếm 21,4% trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn.
Tháng 6/2021, BHX vượt mốc doanh thu 2.700 tỷ đồng, tăng 7% so tháng 5 và tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng 6 đạt hơn 1,4 tỷ đồng. Với kết quả này, BHX tiếp tục cải thiện biên EBITDA nhưng vẫn đang ghi nhận lỗ ở cấp độ công ty.
Trang trại canh tác theo chuyển giao công nghệ của 4KFarm.
Để hỗ trợ cho chuỗi cung ứng của hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, MWG vừa cho ra đời 4KFarm.
Theo giới thiệu của Tập đoàn này, 4KFarm là chi nhánh Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao của Bách Hóa Xanh – là thành viên mới của tập đoàn Thế Giới Di Động. Đội ngũ chuyên gia về nông nghiệp của 4KFarm sẽ chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nông dân trồng rau an toàn 4 không (không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản và không sử dụng giống biến đổi gen).
Ngoài ra, 4KFarm còn cam kết thu mua sỉ 100% sản lượng rau an toàn này của nông dân và cung cấp độc quyền cho chuỗi Bách Hóa Xanh. Khách hàng có thể scan QR code trên bao rau và biết rõ mọi thông tin về nguồn gốc rau như nhà màng nào trồng, tên nông hộ, loại hạt giống, ngày gieo hạt, ngày thu hoạch và có thể xem camera trực tiếp tại các nhà màng trồng ra loại rau an toàn 4K.
VỀ MẢNG DƯỢC PHẨM
Tháng 3/2018, MWG mua lại 40% vốn chuỗi dược phẩm Phúc An Khang và sau đó đổi tên thành Nhà thuốc An Khang.
Theo báo cáo tài chính quý II/2021, khoản lỗ lũy kế của MWG tại chuỗi nhà thuốc An Khang đã tăng tiếp lên 15,66 tỷ đồng. Như vậy, giá trị khoản đầu tư của MWG tại An Khang hiện chỉ còn 46,4 tỷ đồng, giảm 25% so với thời điểm đầu tư ban đầu. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, MWG chịu lỗ khoảng 6,37 tỷ đồng tại An Khang, trong đó quý I lỗ 2,96 tỷ đồng và quý II lỗ 3,41 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 5/2021, An Khang đã có hơn 100 nhà thuốc, hoạt động tại 20 tỉnh thành. MWG cho biết, doanh thu chuỗi An Khang sau 5 tháng đầu năm cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cách đây hơn 2 năm, lãnh đạo MWG có chia sẻ, công ty sẽ hầu như không can thiệp vào điều hành An Khang mà chỉ hỗ trợ một phần cho dự án khởi nghiệp này. Bên cạnh đó, An Khang chỉ là một bước thử nghiệm của Thế Giới Di Động bởi thị trường dược phẩm tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp. Hơn nữa, họ vẫn đang phải quay cuồng với Bách Hóa Xanh, không còn nhiều nguồn lực để phát triển thêm 1 chuỗi lớn nữa.
Vì vậy, quan điểm của Thế Giới Di Động là giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh trong tương lai gần. TGDĐ cũng không đề cập doanh thu/lợi nhuận của chuỗi dược phẩm này vào doanh thu/lợi nhuận chung của Tập đoàn.
Năm 2020, do đại dịch Covid-19, MWG ghi nhận mức tăng trưởng 6% doanh thu đạt 108.546 tỷ đồng và tăng trưởng 2% lợi nhuận sau thuế so với 2019, đạt 3.920 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử doanh nghiệp.
Năm 2021, mặc dù đại dịch vẫn còn hoành hành, song MWG vẫn tự tin đặt mục tiêu doanh thu thuần 125.000 tỷ đồng, tăng 15% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.750 tỷ đồng, tăng 21%. Sau 6 tháng đầu năm 2021, họ đã đạt 62.487 tỷ đồng doanh thu và 2.552 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tại ở TP. HCM và Miền Nam cũng như Hà Nội, doanh thu 6 tháng cuối năm của MWG sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi Bách Hóa Xanh.
MWG cũng đặt mục tiêu đạt doanh thu 10 tỷ USD (230.000 tỷ đồng) vào năm 2025. Với quy mô như hiện tại, tăng gấp đôi doanh thu và lợi nhuận trong vòng 5 năm không phải là một nhiệm vụ dễ dàng với MWG.