Đối với những người di cư từ Sài Gòn ra sinh sống ở Hà Nội, thì chuyện thèm món ăn mang hương vị Sài Thành là điều không tránh khỏi. Nhớ mùi vị đặc trưng của tô bún mắm, nếu chưa no thì ghé xe bột chiên gọi thêm đĩa bột chiên thơm béo, nhưng ở Hà Thành muốn ăn “khó như lên trời”. Lúc này thì đúng là không phải cứ có tiền thích ăn gì cũng được, nếu muốn ăn phải lục tung khắp Hà Nội, may mắn mới tìm được một quán nhưng chưa chắc đúng với hương vị quen thuộc.
Tàu hủ nóng đường mật
Tàu hủ là món ăn có xuất xứ từ Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Là đậu hũ hay được gọi với nhiều tên như là tàu hủ, tào hũ, đậu, tào phớ….
Dần qua năm tháng, tàu hủ trở thành một nét đặc trưng ẩm thực tại Việt Nam. Nếu ở Sài Gòn, chén tàu hủ nóng hổi ăn chung với nước đường mật kèm bột lọc, chan miếng nước dừa thêm mấy lát gừng dậy mùi. Cảm giác tan trong miệng của đậu hũ, béo béo của nước dừa, dai của bột lọc và thơm của gừng hòa quyện mùi khen khét của đường mật cô đặc khiến bao người không thể nào cưỡng nổi.
Ở Hà Nội tàu hủ lại là món ăn thường bắt gặp vào mùa hè, bởi vì tàu hủ thường được ăn với đá kèm những topping như thạch, trân châu, dừa khô, hay đậu đen và nước đường loãng, tên thường gọi là Tàu phớ. Đây được coi là một món giải khát được yêu thích của người Hà Nội bởi sự thanh mát.
Gánh tàu hũ cô Hiệp, núp hẻm Lê Văn Sỹ gần 30 năm nổi tiếng khắp Sài Gòn chỉ với 7-10k (Ảnh: Trương Bình)
Tào phớ miền Bắc, nguyên liệu chính đều từ tàu hủ nhưng cách chế biến lại hoàn toàn khác với Sài Gòn (Ảnh: Fuongsfood)
Hủ tíu gõ
Hủ tíu gõ được coi là nét đẹp bình dị ẩm thực Sài Gòn, một món ăn vỉa hè đã tồn tại, gắn liền với người dân đô thị, dần trở thành một phần của ẩm thực của những thành phố. Trước đây, thường thì những người bán hay có một dụng cụ để gõ vào và phát ra tiếng đặc trưng để nhận biết.
Với mức giá chỉ từ 15-20k đã có ngay một tô hủ tíu ngọt thanh từ nước xương và củ cải trắng. Thịt nạc và bò viên là 2 loại topping không thể thiếu bên cạnh đó còn có cả xương, chân dò và cả hoành thánh. Ăn hủ tíu kèm với giá, hẹ và một chút sa tế cay cay thì phải gọi là “nhức nách”.
Không phải là những hàng quán cầu kỳ, chỉ đơn giản là một chiếc xe đẩy nhỏ thô sơ, giản dị được trang bị lò bếp cùng một chiếc tủ kính nhỏ đựng thịt thăn thái mỏng, bò viên; cạnh đó là túi to đựng hủ tiếu cùng chồng chén xếp gọn gàng.
Đi dọc các hẻm nhỏ Sài Gòn về đêm thì kiểu gì cũng gặp một vài xe hủ tíu. Ấy vậy mà, ở Hà Nội thì dường như ít khi bắt gặp, nếu có thì chắc chắn hương vị sẽ hoàn toàn khác biệt.
Hủ tíu thường bán vào tầm 17h đến về khuya (Ảnh: Lê Hữu Tài, Hoàng Long)
Bún mắm
Bún mắm vốn có xuất xứ từ Cambodia sau đó được lan truyền sang miền Tây Nam Bộ, trở thành món ăn đặc sản của miền Tây và dần phổ biến ở miền Nam. Bún Mắm ở Việt Nam được nấu bằng mắm cá linh hoặc cá sặc thay vì mắm Bù Hốc như nguồn gốc ở Cambodia. Chính vì vậy, khi du nhập vào nước ta, bún mắm mang một đặc trưng riêng của mắm miền Tây.
Trước đây bún mắm khá đơn giản, nhưng sau này để đáp ứng được nhu cầu ẩm thực đa dạng và phong phú, người ta cho thêm những miếng cá, tôm, mực hoặc heo quay, tạo nên những tô bún mắm với nhiều “màu sắc” và hấp dẫn hơn. Món bún mắm còn được ăn kèm với rau sống như rau muống chẻ ngọn, bắp chuối thái nhỏ, giá đỗ hoặc rau diếp cá mới đúng vị.
Có lẽ, chính vì hương vị và cách chế biến đặc trưng Nam Bộ nên bún mắm không phổ biến ở phía Bắc.
Ảnh: Sáu Quậy
Bột chiên
Món ăn có nguồn gốc từ Trung Hoa, là món tuổi thơ của biết bao nhiêu người ở Sài Gòn. Nguyên liệu để làm nên món bột chiên khá đơn giản nhưng lại tạo nên một hương vị khó quên, càng ăn càng thấy cuốn.
Người ta sẽ khuấy hỗn hợp bột gạo và bột năng cùng với nước ấm, sau đó thêm một muỗng dầu ăn rồi đặt lên bếp để lửa nhỏ khuấy đều cho đến khi bột trong và đặc lại. Tiếp tục đổ bột vào khuôn hấp thêm 30 phút. Cuối cùng cắt thành những miếng vừa ăn, chiên trên chảo cùng với 1-2 quả trứng, rắc thêm chút hành lá, chiên cho vàng đều cả 2 mặt. Ăn kèm với đu đủ bào và nước chấm pha giấm vừa miệng.
Một đĩa bột chiên “hảo hạng” sẽ có độ giòn ở vỏ bánh và không bị ngậm dầu quá béo, dai mềm phía bên trong, kết hợp vị bùi bùi của trứng, cùng với đó là sự hài hòa của nước chấm. Là món ăn đường phố đặc trưng của Sài Gòn nhưng lại không hề dễ tìm ở Hà Nội.
Ảnh: Nguyen Anh Kiet
Ảnh: Yomost Nhí
Phá lấu
Phá lấu là một món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó du nhập về Việt Nam và trở thành một món phổ biến của miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn. Phá lấu được làm từ những nguyên liệu chính là các bộ phận như lưỡi, tai, ruột và bao tử của heo, bò hoặc vịt. Món này thường được ăn kèm với bánh mì, bún, mì tôm hoặc cơm trắng đều ngon.
Đầu tiên phải kể đến phá lấu nước, đây là loại cơ bản nhất, bát phá lấu nóng hổi thoang thoảng mùi nước dừa cùng một chút cay nồng của quế và ngũ vị hương ăn với bánh mì thì phải đến 2-3 ổ no căng bụng.
Ngày nay người ta còn sáng tạo ra nhiều cách chế biến phá lấu khác nhau như phá lấu bò, phá lấu vịt, phá lấu tai heo, phá lấu bao tử heo, phá lấu mực... Tuy nhiên, tinh thần của món ăn độc đáo này thì không hề thay đổi.
Ảnh: Phá lấu SOHI, Khách trọ trần gian
Ảnh: Phá lấu SOHI, Khách trọ trần gian