5 máy bay chiến đấu mạnh nhất Đông Nam Á: Hai đại diện xuất sắc đến từ Việt Nam

Vy Lam |

Tạp chí Military Watch (MW) đã đưa ra bảng xếp hạng 5 máy bay chiến đấu đáng gờm nhất Đông Nam Á.

(Ảnh minh họa. Nguồn: MW)

(Ảnh minh họa. Nguồn: MW)

Từ những năm 1980, Đông Nam Á đã nổi lên là một trong những thị trường vũ khí hàng đầu thế giới. Nhiều quốc gia trong khu vực này đã đầu tư mạnh mẽ vào quân đội, trong đó Việt Nam và Singapore có lực lượng không quân lớn, với thành phần là các máy bay chiến đấu hiện đại.

Mới đây, tạp chí Military Watch (MW) đã đưa ra bảng xếp hạng 5 máy bay chiến đấu đáng gờm nhất Đông Nam Á. Họ cho biết, bảng xếp hạng này nhằm mang lại cái nhìn về cán cân sức mạnh trong khu vực, và cách các quốc gia lựa chọn đầu tư vào lực lượng không quân của họ.

1. Su-30MKM: Malaysia

Không quân Malaysia đã trở thành lực lượng đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á triển khai các máy bay chiến đấu thế hệ 4+ khi tiếp nhận lô tiêm kích hạng nặng Su-30MKM đầu tiên vào năm 2006. Số máy bay này đã thay thế các chiến đấu cơ phản lực F-5E Tiger II do Mỹ cung cấp.

Vào thời điểm đó, đây là loại máy bay tinh vi nhất mà Nga từng xuất khẩu, nó được phát triển dựa trên mẫu Su-30MKI dành cho Không quân Ấn Độ nhưng có những thay đổi nhỏ về hệ thống điện tử hàng không.

5 máy bay chiến đấu mạnh nhất Đông Nam Á: Hai đại diện xuất sắc đến từ Việt Nam - Ảnh 1.

Su-30MKM của Không quân Malaysia. Ảnh: MW

Su-30MKI/MKM là sự khác biệt hoàn toàn so với các thiết kế ban đầu như Su-27 và Su-30 Flanker, mang những tính năng tiên tiến như màn hình hiển thị kỹ thuật số trong buồng lái, radar quét mạng pha điện tử, động cơ vector lực đẩy, vật liệu composite, các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại và tên lửa phòng không.

Su-30MKM vượt qua bất cứ đối thủ nào từ phương Tây về độ bền và khả năng cơ động. Thiết kế này sau đó được sử dụng làm cơ sở để phát triển mẫu Su-30MKA cho Không quân Algeria và Su-30SM cho Không quân–Hải quân Nga.

Vào những năm 2000, Su-30MKM là một trong những mẫu máy bay chiến đấu đáng gờm nhất thế giới. 18 chiếc được chuyển giao cho Malaysia mang lại hiệu suất chiến đấu cao hơn đáng kể so với các loại máy bay khác của nước này.

Tuy nhiên, do không chú trọng công tác bảo dưỡng nên Malaysia đã gặp nhiều khó khăn để duy trì số máy bay này trong những năm 2010. Đây cũng là vấn đề mà các máy bay chiến đấu hạng nhẹ MiG-29 và F-18 của họ gặp phải.

Một biến thể tiên tiến khác của Su-30 là Su-30SM hiện đang được Không quân Myanmar đặt hàng. Cải tiến chính của nó là hệ thống điện tử hàng không ưu việt, quan trọng nhất là radar N011M Bars với phạm vi quét mở rộng (lên tới 400km) và khả năng tiếp cận tên lửa R-37M hiện đại, cùng các pod gây nhiễu SAP-518.

2. F-15SG: Singapore

Các hợp đồng mua 40 máy bay chiến đấu F-15SG đã khiến Không quân Singapore trở thành khách hàng nước ngoài thứ 5 của F-15 Eagle, sau Israel, Nhật Bản, Saudi Arabia và Hàn Quốc.

Biến thể được phát triển cho Singapore được trang bị các cảm biến và hệ thống điện tử hàng không tinh vi hơn, đây cũng là biến thể được đưa vào sản xuất hàng loạt đầu tiên có radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA).

Điều này mang lại cho máy bay năng lực tác chiến điện tử và các biện pháp đối phó vượt trội, độ bộc lộ radar thấp hơn trong khi khả năng nhận thức tình huống được tăng cường.

5 máy bay chiến đấu mạnh nhất Đông Nam Á: Hai đại diện xuất sắc đến từ Việt Nam - Ảnh 2.

Tiêm kích F-15SG của Singapore. Ảnh: MW

F-15 được đánh giá là một trong những mẫu máy bay chiến đấu mạnh nhất mà không quân các nước phương Tây từng sử dụng trong Chiến tranh Lạnh. Các hạn chế xuất khẩu đối với mẫu máy bay này đã được nới lỏng trong những năm 2000 bởi sau khi F-22 Raptor [loại tiêm kích tiên tiến hơn] ra đời, các công nghệ trên F-15 đã trở nên bớt nhạy cảm hơn.

F-15SG có độ bền cao và trang bị các bộ cảm biến lớn, mặc dù ở cả hai khía cạnh này nó vẫn có phần thua kém Su-30. Các bước tiến đạt được trong hợp đồng với Singapore là bước đệm để Mỹ tiếp tục hiện đại hóa mẫu máy bay của họ, nhằm đáp ứng nhu cầu của Không quân Saudi Arabia, Qatar, và cả Không quân Mỹ sau khi lực lượng này đã ngừng đặt hàng F-15 trong một thời gian dài.

3. Su-30MK2/MK: Việt Nam và Indonesia

Nếu như Su-30MKM/SM được sản xuất tại nhà máy hàng không Irkutsk thì Su-30MK2 được chế tạo như một dòng máy bay chiến đấu riêng biệt tại nhà máy Komsomolsk-on-Amur – nơi sau đó đảm nhiệm việc sản xuất các tiêm kích Su-35S cho Không quân Nga.

Su-30MK2 được tối ưu hóa cho vai trò tác chiến hàng hải với các hệ thống điện tử hàng không tinh vi. Nó vẫn giữ được tầm bay xa đặc trưng, hiệu suất bay cao và các cảm biến mạnh mẽ của dòng Su-30 nhưng được trang bị nhiều vũ khí hiện đại như tên lửa chống hạm Kh-31, tên lửa phòng không R-77.

5 máy bay chiến đấu mạnh nhất Đông Nam Á: Hai đại diện xuất sắc đến từ Việt Nam - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam (Ảnh: Quân đội Nhân dân)

Theo báo Phòng không Không quân, Su-30MK2 là loại máy bay giữ vai trò "xương sống" của Không quân Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác sử dụng máy bay Su-30MK2 vẫn tích cực từng bước làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, nâng cao trình độ kỹ thuật lái và khả năng chiến đấu cho đội ngũ phi công, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

4. Su-27SK: Việt Nam và Indonesia

Su-27 cũng được đánh giá là một trong những mẫu máy bay chiến đấu mạnh nhất từng phục vụ lực lượng không quân của một số quốc gia trong Chiến tranh Lạnh. Nó được thiết kế để vượt trội các tiêm kích F-15 Eagle của Không quân Mỹ.

Su-27 được xuất khẩu rộng rãi trong những năm 1990 và tại Đông Nam Á, mẫu máy bay này đã được Việt Nam, cùng Indonesia lựa chọn.

Vào giữa những năm 1990, Không quân Indonesia từng được kỳ vọng sẽ trở thành khách hàng lớn nhất thế giới của Su-27, khi họ công bố kế hoạch trang bị hơn 100 chiếc máy bay loại này để tạo nền móng cho các phi đội máy bay hiện đại trong bối cảnh căng thẳng với các cường quốc phương Tây gia tăng xoay quanh xung đột ở Đông Timor.

Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng hạn chế, áp lực từ phương Tây và việc thiếu kế hoạch mua sắm bài bản trong dài hạn đã khiến Không quân Indonesia không thể trang bị số lượng lớn máy bay như vậy.

5 máy bay chiến đấu mạnh nhất Đông Nam Á: Hai đại diện xuất sắc đến từ Việt Nam - Ảnh 4.

Máy bay Su-27 của Trung đoàn 925 trong buổi thực hành ban bay mẫu. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Tại Việt Nam, theo báo Quân đội Nhân dân, máy bay Su-27 hiện giữ vai trò quan trọng trong công tác bay huấn luyện, cũng như bảo vệ bình yên bầu trời Tổ quốc.

Tháng 6/1994, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, khi đang là Phó Tư lệnh Quân chủng không quân lúc bấy giờ, đã được phân công dẫn đầu đoàn cán bộ đi nghiên cứu tại Nga để lựa chọn giữa máy bay MiG-29 và Su-27.

Theo tướng Soát, sở dĩ Việt Nam chọn máy bay Su-27 mà không phải máy bay khác là vì vào thời điểm đó, đây là loại máy bay hiện đại nhất của Nga.

Về tầm bay, Su-27 có thể bao trùm toàn bộ vùng biển và các đảo xa của Việt Nam mà các máy bay khác như MiG-29 không thể làm được.

Cho đến nay, người ta vẫn đánh giá Su-27 là một trong những máy bay tốt nhất thế giới.

5. MiG-29SE/SM: Myanmar

Máy bay chiến đấu hạng trung MiG-29 là một trong những loại máy bay phổ biến của Nga trong lĩnh vực xuất khẩu.

Mặc dù được đánh giá cao vì chi phí vận hành thấp và hiệu suất bay ấn tượng nhưng MiG-29 lại ít phổ biến ở Đông Nam Á do độ bền thấp và tầm hoạt động chưa đạt được yêu cầu chung của nhiều nước trong khu vực.

5 máy bay chiến đấu mạnh nhất Đông Nam Á: Hai đại diện xuất sắc đến từ Việt Nam - Ảnh 5.

Tiêm kích MiG-29 của Không quân Myanmar. Ảnh: MW

MiG-29 được thiết kế để vượt trội các mẫu F-16 và F-18 trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và ngay cả những biến thể lâu đời nhất của nó cũng đã chứng tỏ được khả năng thách thức mẫu F-15 [hạng nặng hơn] của Mỹ trong tác chiến không-đối-không.

MiG-29 hiện là trụ cột của Không quân Myanmar với khoảng 27 chiếc đang phục vụ, trong đó có 16 chiếc là các biến thể MiG-29SE và SM được hiện đại hóa.

Hai biến thể này có năng lực mạnh hơn đáng kể so với biến thể MiG-29N mà Không quân Malaysia trang bị, chúng được lắp đặt hệ thống máy tính và điều khiển bay mới, hệ thống tác chiến điện tử L-203BE Gardeniya-1, và có trọng tải vũ khí lớn hơn so với biến thể cũ.

Tuy nhiên, nếu so với các biến thể MiG-29M hoặc MiG-29K của Hải quân Ấn Độ thì MiG-29 của Myanmar lại có phần lép vế hơn về hiệu suất bay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại