5 lý do thuyết phục cha mẹ không nên kiểm soát quá mức mọi việc trẻ làm

MINH NHẬT |

Kiểm soát con cái quá mức, cha mẹ vô tình làm tổn thương trẻ. Không những thế còn khiến chúng trở nên nhút nhát, lo lắng quá mức.

Vì sao cha mẹ không nên kiểm soát trẻ quá mức

1. Làm giảm sự tự tin của con

Khi cha mẹ luôn tham gia vào tất cả những việc con làm, kể cả việc đơn giản nhất như ăn, ngủ... trẻ sẽ thấy chúng vô dụng, không được tích sự gì cả. Bên cạnh đó, con luôn có tâm lý lo lắng rằng hành động của mình sẽ khiến bố mẹ không vui, giận dữ,... Như thế trẻ sẽ không dám hành động. Sự mất tự tin đôi khi hại con đánh mất cơ hội thể hiện bản thân và cơ hội thử thách cái mới, những thứ đòi hỏi trẻ phải dám nghĩ dám làm.

Luôn bên con là 1 việc tốt, nhưng cha mẹ hãy cứ để trẻ tự do làm điều chúng muốn. Có thể do kinh nghiệm và trải nghiệm cuộc sống của con còn hạn chế nên chúng sẽ mắc sai lầm. Tuy nhiên, sau những vấp ngã, con sẽ trưởng thành hơn, tự tin hơn.

2. Khiến trẻ luôn căng thẳng, áp lực

Chẳng cha mẹ nào muốn con cái mình phải sống trong sự căng thẳng, áp lực. Nhưng điều đó sẽ xảy ra nếu bạn kiểm soát con quá nhiều.

Vì thế, thay vì luôn nhắc nhở trẻ trong mọi việc, phụ huynh nên lùi lại một chút để con có thể làm theo ý mình.

5 lý do thuyết phục cha mẹ không nên kiểm soát quá mức mọi việc trẻ làm - Ảnh 1.

3. Làm con mất sự sáng tạo

Khi trẻ tự tin làm điều chúng muốn, con sẽ thỏa sức sáng tạo. Trẻ sẽ không sợ sai, không sợ bị đánh giá. Thất bại chắc chắn sẽ có, nhưng chắc chắn chúng sẽ mạnh mẽ đứng lên làm lại từ đầu.

Nếu cha mẹ ép trẻ làm mọi thứ theo mình vạch định ra, con sẽ bị gò ép. Nhiều việc trẻ không muốn làm, nên chỉ hành động cho xong, không coi trọng kết quả. Khi không dồn 100% sức lực và suy nghĩ cho hành động, con sẽ không thể sáng tạo, hoàn thành xuất sắc công việc.

4. Kiểm soát con quá mức có thể khiến trẻ sợ thất bại

Sợ thất bại có thể là một phần của rối loạn tâm trạng, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp và tương lai của con. Hãy khuyến khích con thử điều mới nhưng đừng đòi hỏi, đừng áp đặt. Điều đó sẽ cho con thấy rằng con có quyền lựa chọn. Và nếu không làm điều đó, con cũng sẽ có những cơ hội khác trên con đường của mình.

5. Giảm khả năng tự lập của trẻ

Chắc chắn sẽ không có 1 cha mẹ nào vui vẻ khi mọi việc con cái đều chạy ra hỏi ý kiến mình hoặc chờ đợi phụ huynh làm giúp. Việc kiểm soát con quá mức sẽ khiến trẻ trở nên phụ thuộc. Con sẽ mãi là người lớn lên về thể chất, nhưng ngưng trệ về tinh thần, trí tuệ.

Một khi cha mẹ ngừng cố gắng kiểm soát mọi thứ con làm, chúng sẽ bắt đầu nhận ra rằng con được sinh ra là một cá thể độc lập.

5 lý do thuyết phục cha mẹ không nên kiểm soát quá mức mọi việc trẻ làm - Ảnh 2.

Làm gì để khuyến khích sự tự tin ở trẻ

1. Đặt niềm tin vào con

Khi cha mẹ tin tưởng trẻ, con cũng sẽ tin tưởng vào chính bản thân của mình. Tuy nhiên phụ huynh nên phân biệt giữa tin tưởng và kỳ vọng quá mức. Việc luôn kỳ vọng trẻ đôi khi cũng khiến con áp lực.

Việc rèn tính tự tin cho trẻ cần có sự giúp sức của những người xung quanh bé. Ngoài người thân, nhà trường cũng có vai trò quan trọng trong việc này. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc trẻ học ở môi trường tự do sáng tạo, đặt ra những kỳ vọng... sẽ khuyến khích trẻ đạt được nhiều thành tích ngoài mong đợi.

2. Cha mẹ luôn nhìn mọi việc theo hướng tích cực

Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đạt được những thứ mình muốn. Việc cha mẹ luôn hướng đến điều tích cực sẽ giúp cho trẻ học được sự lạc quan, và tự tin đứng dậy sau thất bại.

5 lý do thuyết phục cha mẹ không nên kiểm soát quá mức mọi việc trẻ làm - Ảnh 3.

3. Khen ngợi sự nỗ lực của con

Khen ngợi và khích lệ trẻ là điều quan trọng để bé có thêm tự tin và động lực. Cha mẹ đừng chỉ nhìn vào kết quả của trẻ mà hãy công nhận cả quá trình cố gắng của con. Cách này sẽ giúp bé hình thành tư tưởng phấn đấu, học hỏi, không ỷ lại vào bất cứ điều gì. Khi trẻ hiểu được rằng thành công có được nhờ sự nỗ lực, con sẽ càng có động lực để cố gắng.

4. Khuyến khích con bạn thử những điều mới

Trẻ có thể sợ hoặc ngại thử những điều mới vì một số lý do khác nhau. Nỗi sợ hãi này cũng phổ biến ở những đứa trẻ nhận được sự khen ngợi và hỗ trợ từ cha mẹ, nhưng chỉ khi chúng thành công. Hãy khuyến khích trẻ thử cái mới và đừng buồn khi con thất bại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại