Ảnh: The Guardian
Nhựa là một vật liệu có ứng dụng đa dạng trong cuộc sống hàng ngày. Các loại hộp bằng nhựa cũng được dùng rộng rãi trong việc cất, lưu trữ thực phẩm. Tuy nhiên, việc dùng hộp nhựa để đựng thực phẩm không đúng cách có thể tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe của con người.
Loại nhựa nào an toàn để lưu trữ thực phẩm?
Bisphenol A (BPA) là một hợp chất tổng hợp hữu cơ được sử dụng trong sản xuất các chất dẻo polycarbonate. Theo các nghiên cứu, BPA được sử dụng trong rất nhiều loại hộp nhựa. Khi các hộp nhựa này được làm nóng hoặc cọ rửa bằng xà phòng có chất tẩy mạnh, các hóa chất độc hại sẽ ngấm vào thực phẩm đang được đựng trong hộp và gây hại cho sức khỏe.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khi BPA đi vào máu, nó sẽ phá vỡ các chức năng của hormone, đặc biệt là estrogen. Một nghiên cứu cho thấy lượng BPA trong máu càng cao thì chức năng sinh sản càng bị ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù vậy, không phải tất cả các hộp nhựa đều có thể thôi nhiễm ra chất độc hại.
Để đựng thực phẩm an toàn, bạn nên chọn các hộp nhựa có in số #2, #4, #5 ở dưới đáy hộp.
Hộp nhựa có in #1 là hộp nhựa chỉ dùng 1 lần, tuyệt đối không được tái sử dụng.
Các hộp nhựa có #7 là loại hộp nguy hiểm nhất vì có chứa nhiều BPA. Cần tuyệt đối tránh dùng loại hộp này để đựng thực phẩm.
Lưu ý khác khi dùng hộp nhựa
Ngoài việc chọn hộp nhựa đảm bảo chất lượng, khi dùng hộp nhựa để đựng thức ăn, mọi người cần lưu ý những điều sau:
1. Không nên hâm nóng thức ăn đựng trong hộp nhựa
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khuyến nghị chỉ sử dụng các vật chứa được sản xuất đặc biệt để sử dụng trong lò vi sóng. Thủy tinh, gốm sứ và một số loại nhựa sẽ an toàn khi sử dụng trong lò vi sóng nếu chúng được dán nhãn "an toàn khi sử dụng trong lò vi sóng".
Ảnh minh họa
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cảnh báo không nên cho vào lò vi sóng những hộp nhựa sử dụng một lần, chẳng hạn như hộp sữa chua, hộp đựng bơ thực vật, hộp đựng kem,...
Tờ Times of India lại đăng tải thông tin rằng cần tuyệt đối tránh hâm nóng thức ăn đựng trong hộp nhựa bằng lò vi sóng, ngay cả khi các loại hộp đó có ghi chú "an toàn khi sử dụng trong lò vi sóng". Thay vào đó, nên chuyển thức ăn sang đĩa thủy tinh hoặc sứ trước khi cho vào lò vi sóng.
2. Rửa hộp nhựa đúng cách
Bạn không nên rửa hộp nhựa bằng máy rửa bát hoặc nước nóng. Cách vệ sinh, làm sạch đồ nhựa tốt nhất là rửa bằng tay với nước ấm và nước rửa chén bát không chứa chất tẩy rửa mạnh.
3. Đừng "phớt lờ" nắp nhựa của các hộp bằng thủy tinh
Mặc dù đồ thủy tinh dễ vỡ hơn so với hộp nhựa nhưng chúng có vẻ an toàn hơn đối với sức khỏe. Nếu chọn hộp thủy tinh có nắp bằng nhựa để đựng thức ăn, nên chọn nắp nhựa không có chứa BPA và PVC.
4. Tránh nước nóng
Tránh đựng nước hoặc canh nóng bằng đồ nhựa (Ảnh: epicurious)
Tốt hơn hết bạn không nên dùng đồ nhựa để đựng nước nóng hoặc bất kỳ chất lỏng nóng nào khác. Các phản ứng hóa học sẽ khiến chất độc hại thôi nhiễm vào nước và gây độc cho cơ thể.
Ngoài ra, như lưu ý ở trên, bạn cũng không nên dùng nước nóng để cọ rửa hộp nhựa.
5. Đồ nhựa chỉ nên dùng để lưu trữ đồ ăn vặt
Bạn có thể bảo quản các loại đồ ăn vặt như khoai tây chiên, bánh quy trong hộp nhựa. Theo các chuyên gia thực phẩm, những mặt hàng thực phẩm này thường được đóng gói bằng các bao bì an toàn, việc lưu trữ bằng hộp nhựa sẽ giữ chúng không bị ẩm ướt.
Nguồn: Times of India, Michigan State University Extension