Tàu Hy Lạp trong trận hải chiến Salamis (ảnh: History)
1. Hải quân Hy Lạp trong cuộc đối đầu với đế quốc Ba Tư
Chiến thắng vang dội trước quân Ba Tư xâm lược trong trận Salamis (năm 480 TCN) đã giúp hải quân Hy Lạp ghi dấu ấn của họ vào lịch sử thế giới.
Quy mô của trận hải chiến Salamis là vô cùng lớn, khiến cho ngay cả các nhà phân tích quân sự thời hiện đại cũng phải bất ngờ.
Năm 491 TCN, Darius đại đế - vua của đế quốc Ba Tư – đã cử sứ giả đến các thành bang Hy Lạp đòi tiến cống 2 thứ: Đất và nước (ngụ ý phải thần phục Ba Tư). Hầu hết các thành bang tại Hy Lạp lúc bấy giờ đều sợ hãi trước sức mạnh của quân đội Ba Tư, ngoại trừ xứ Athens và Sparta.
Những sứ giả Ba Tư kiêu ngạo được cử đến 2 thành bang này đều bị xử tử. Hành động của Athens và Sparta là lời khiêu chiến với Ba Tư - đội quân được xem là mạnh mẽ nhất thế giới lúc bấy giờ.
Quyết tâm dùng vũ lực để thôn tính Athens và Sparta cùng toàn cõi Hy Lạp, đế quốc Ba Tư điều hơn 1.200 tàu chiến trireme – chiến hạm tiêu chuẩn lúc bấy giờ - tấn công vào Athens.
Mặc dù mất khoảng 1/3 số tàu chiến do bão biển, nhưng Ba Tư vẫn còn hơn 800 tàu để phục vụ cho cuộc tấn công. Ở phía ngược lại, hải quân Hy Lạp do Athens và Sparta dẫn đầu, chỉ có khoảng 380 tàu chiến.
Sau khi để thua trận tại Thermoplylae và Artemisium, quân Hy Lạp đã chọn Salamis làm chiến trường cho trận đánh cuối cùng với Ba Tư. Quân Ba Tư hùng hậu bị dụ vào eo biển chật hẹp Salamis và rơi vào rối loạn. Tận dụng cơ hội đó, toàn quân Hy Lạp, mai phục sẵn, đã có một trận ác chiến với lực lượng Ba Tư đông đảo hơn gấp nhiều lần và giành chiến thắng.
Chiến thắng của hải quân Hy Lạp trước quân Ba Tư có ý nghĩa vô cùng quan trọng, liên quan đến sự sống còn của nền văn minh phương Tây.
2. Hải quân Trung Quốc vào thế kỷ 15
Tranh vẽ tàu chiến cỡ lớn mà Trịnh Hòa từng sử dụng trong các cuộc thám hiểm (ảnh: Sohu)
Hải quân Trung Quốc trong thế kỷ 15 được xem là mạnh nhất thế giới. Dưới sự chỉ huy của thái giám Trịnh Hòa thời nhà Minh, từ năm 1405 – 1433, hải quân Trung Quốc đã thực hiện 7 chuyến thám hiểm xung quanh khu vực Ấn Độ Dương và sang cả khu vực Đông Phi.
Hải quân Trung Quốc thời điểm đó được trang bị vũ khí hiện đại. 7 chuyến đi của Trịnh Hòa đã mở rộng quan hệ thương mại và hệ thống nước chư hầu của Trung Quốc. Trong cuộc hành trình, hải quân Trung Quốc cũng đánh bại nhiều nhóm cướp biển mạnh mẽ và chinh phục một số quốc gia nhỏ hơn.
Kỹ thuật đóng tàu chiến của Trung Quốc thời nhà Minh cũng rất phát triển. Họ đã có thể đóng những con tàu 3 – 4 cột buồm trong thời gian ngắn. Hạm đội thám hiểm đầu tiên do Trịnh Hòa chỉ huy có 317 tàu. 6 tàu lớn trong số này được miêu tả là có tới 9 cột và 12 cánh buồm, trong khoang chất đầy châu báu.
3. Hải quân Hoàng gia Anh
Hải quân Hoàng gia Anh vào thế kỷ 18 (ảnh: BBC)
Năm 1815, Chiến tranh Napoleon ở châu Âu kết thúc, hải quân Anh vươn lên trở thành lực lượng hải quân lớn nhất, mạnh mẽ nhất thế giới lúc bấy giờ. Là một đảo quốc, Anh luôn chú trọng đến lực lượng hải quân của mình để có thể vươn tới các thuộc địa ở Bắc Mỹ, Ấn Độ và châu Phi.
Trong chiến tranh với Pháp, hải quân Anh đã từng bước tiến bộ và góp phần quan trọng vào chiến thắng của Anh trước lực lượng quân đội Pháp vốn được xem là “bách chiến bách thắng” tại châu Âu thời điểm đó, dưới sự dẫn dắt của thiên tài quân sự Napoleon.
4. Hải quân đế quốc Nhật Bản
Một tàu sân bay Nhật Bản trong Thế chiến II (ảnh: NI)
Khi Thế chiến II bùng nổ vào năm 1939, đế quốc Nhật Bản được xem là sở hữu lực lượng hải quân mạnh mẽ nhất.
Cũng giống như Anh, lãnh thổ Nhật bản bao gồm nhiều đảo lớn nhỏ được liên kết với nhau. Vì vậy, hải quân luôn là lực lượng được Nhật Bản ưu tiên phát triển.
Bắt đầu Thế chiến II, Nhật Bản sở hữu 10 tàu sân bay hạng nhẹ. Nhật Bản cũng có 12 tàu chiến cỡ lớn, nhiều tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm vào loại hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ.
Hải quân Nhật Bản thời điểm đó được huấn luyện tuyệt vời với kỷ luật thép và sức chiến đấu cao. Những chiến thắng của hải quân Nhật Bản tại Malaya, Solomon và đặc biệt là trận Trân Châu Cảng đã chứng minh cho sức mạnh của họ. Tuy nhiên, hàng loạt quyết sách sai lầm trong Thế chiến II đã khiến hải quân Nhật Bản ngày càng suy yếu và cuối cùng chịu thất bại trước Mỹ.
5. Hải quân Mỹ
Tàu sân bay Mỹ (ảnh: NI)
Năm 1945, Mỹ nổi lên là nước thắng cuộc sau Thế chiến II. Trước đó, hải quân Mỹ đã đánh bại hải quân Nhật Bản ở Thái Bình Dương và khẳng định được vị thế của mình.
Sau thất bại ở Trân Châu Cảng, Mỹ đã đẩy mạnh ngành công nghiệp đóng tàu để bù đắp tổn thất và phục vụ chiến tranh.
Năm 1941, hải quân Mỹ chỉ có 790 tàu chiến, đến năm 1945, số lượng này đã tăng lên 6.768 tàu chiến các loại. Bước ra khỏi Thế chiến II, Mỹ sở hữu 7 tàu sân bay, 17 tàu chiến hạng nặng cùng hàng trăm tàu khu trục, tàu ngầm.
Kể từ sau trận Trân Châu Cảng, hải quân Mỹ chưa từng thua bất cứ trận hải chiến nào.