5 lực lượng đặc nhiệm huyền thoại của Nga khiến kẻ thù khiếp đảm

Hồng Anh |

Có 5 lực lượng đã khiến cho từ “Spetsnaz” - đặc nhiệm của Nga đi vào huyền thoại và được cả thế giới công nhận.

Quân đội Nga nổi tiếng với tinh thần thiện chiến, cùng các lực lượng chiến đấu tinh nhuệ, sở hữu nhiều loại vũ khí hùng hậu, hiện đại bậc nhất thế giới. Góp phần làm nên sự thành công của quân đội Nga trên chiến trường không thể không kể đến các lực lượng đặc nhiệm Nga.

Theo tờ Russia Beyond, có 5 lực lượng đã khiến cho từ “Spetsnaz” đặc nhiệm của Nga đi vào huyền thoại và được cả thế giới công nhận.

1. GRU Spetsnaz

Ra đời vào năm 1950, các đơn vị đặc nhiệm của Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU) là “tai và mắt” của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga. Không phải ngẫu nhiên mà biểu tượng của họ là hình con dơi sải cánh khắp quả địa cầu. Giống như loài vật này, lực lượng GRU Spetsnaz hoạt động bí mật và âm thầm trong bóng tối trên khắp thế giới.

Đêm trước khi lực lượng quân sự của Khối Hiệp ước Warsaw tiến vào Prague ngày 21/8/1968 và kết thúc Chiến dịch Mùa xuân Prague, các thành viên của lực lượng Spetsnaz GRU đã dễ dàng nắm quyền kiểm soát tất cả các tòa nhà hành chính ở thủ đô Praha của Cộng hòa Séc.

Lực lượng Spetsnaz GRU đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ tại Angola, Beirut, Vietnam, Afghanistan và Campuchia. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, họ đã đánh cắp và chuyển về Liên Xô chiếc máy bay trực thăng mới của Mỹ AH-1G hoặc như những người lính Mỹ gọi là "Super Cobra".

2. Lực lượng đặc nhiệm FSB

Tại Thế vận hội Olympics Munich 1972, các phần tử khủng bố Palestine đã tấn công và giết hại nhiều thành viên của đội tuyển Israel. Nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó đã cam kết không bao giờ để bất cứ vụ việc nào như vậy xảy ra tại Liên Xô.

Đây là lý do hai năm sau lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố Alpha Group của Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) được thành lập. Tại thời điểm đó, Nga chuẩn bị đăng cai tổ chức Olympic Mùa hè vào năm 1980 và đặc nhiệm Alpha Group được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh.

Các hoạt động nổi tiếng nhất của Alpha Group bao gồm phối hợp với Đặc nhiệm GRU tấn công cung điện Tajbeg tại Afghanistan và ám sát Tổng thống Afghanistan Hafizullah Amin năm 1979. Trong cuộc chiến Chechnya, lực lượng Alpha Group đã nỗ lực giải phóng một bệnh viện tại Budvonnovsk do những kẻ khủng bố chiếm giữ.

Vào năm 2002, các đội đặc nhiệm Alpha và Vympel (thành lập vào năm 1981) đã tấn công Nhà hát Dubrovka ở thủ đô Moscow, sau khi nhà hát này bị những kẻ khủng bố kiểm soát. Kết quả là 750 con tin đã được giải phóng và 36 tên khủng bố đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, có khoảng 130 con tin đã bị thiệt mạng.

3. Lực lượng đặc nhiệm đổ bộ đường không

Khác với lực lượng Spetsnaz GRU, lực lượng đặc nhiệm đổ bộ đường không không hoạt động rộng rãi trên toàn thế giới. Nhiệm vụ chính của họ là chuẩn bị một bãi đỗ an toàn tại khu vực ở phía sau tiền tuyến của đối phương, tạo điều kiện cho các thành viên của lực lượng đổ bộ đường không đáp đất.

Ngay nay, lực lượng đặc nhiệm đổ bộ đường không được chuyển đổi thành Lữ đoàn Trinh sát độc lập thứ 45 của Nga. Trong cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, các binh sỹ của lực lượng này đã tham gia cuộc tấn công tại Grozny.

Phiến quân Chechnya đã bị sốc trước cách thức hoạt động bí mật của đặc nhiệm Nga: Họ âm thầm chiếm đóng hết tòa nhà nay đến tòa nhà khác, mở đường cho lực lượng bộ binh cơ giới theo sau. Nhiều nhóm phiến quân Chechnya đã biến mất mà không để lại dấu vết.

4. Lực lượng đặc nhiệm hải quân

Những người nhái đầu tiên của Liên Xô xuất hiện trong Chiến dịch bao vây thành phố Leningrad (do phát xít Đức tiến hành) năm 1941 để bảo vệ thành phố này và Hạm đội Baltic.

Tại đây họ đã giao tranh với đơn vị đặc công MAS của Italy. Kết quả là đặc nhiệm hải quân Liên Xô đã ngăn không để Leningrad bị thất thủ.

Ngày nay, lực lượng đặc nhiệm Hải quân có tên gọi khác là Lực lượng Đặc nhiệm chống phá hoại dưới nước (PDSS), được tích hợp với Hạm đội Nga và lấp đầy hàng ngũ với những lính thủy quân lục chiến ưu việt nhất.

Nhiệm vụ của họ là đảm bảo an ninh cho tàu chiến và các căn cứ hải quân. Trong trường hợp có chiến tranh, PDSS đảm nhận nhiệm vụ chống phá tại vùng biển của đối phương.

5. Lực lượng tác chiến đặc biệt

Lực lượng tác chiến đặc biệt (SOF) được thành lập vào năm 2009, là lực lượng trẻ nhất trong số các đơn vị đặc nhiệm của Nga. SOF nằm dưới sự điều hành của Bộ Tổng tham mưu Nga, có thể điều động tất cả các lực lượng đặc nhiệm khác trong quân đội. Thông tin và hoạt động của SOF luôn được giữ kín. Tuy vậy, các binh sỹ của lực lượng này được cho là đã tham gia các hoạt động ở Crimea (2014), Syria và giao chiến với cướp biển Somali./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại