Ăn uống không lành mạnh là một trong những yếu tố gây bệnh ung thư phổ biến thời hiện đại. Trong đó có 5 loại thực phẩm được các chuyên gia coi là “kẻ đồng lõa” của tế bào ung thư nhưng nhiều người ăn uống hàng ngày:
1. Thực phẩm mốc
Tiến sĩ Feng Xielin thuộc Bệnh viện Ung thư Tứ Xuyên (Trung Quốc) cho biết, vẫn có không ít người đánh giá thấp mức độ độc hại của thực phẩm mốc. Họ cho rằng nó chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ hoặc một chút hương vị, cắt bỏ phần mốc là có thể ăn được. Tuy nhiên, đây là một kiểu tiết kiệm khiến bạn trả giá đắt.
“Các loại nấm mốc có thể sinh ra độc tố gây đột biến gen với nhiều mức độ khác nhau như Aflatoxin, Ochratoxin A, Patulin, Fumonisin, Zearalenone và Nivalenol. Hóa chất, độc tố tiết ra từ bào tử nấm mốc khó bị phân hủy ở nhiệt độ cao, không biến mất hoàn toàn khi cắt bỏ phần mốc. Tùy vào liều lượng tiêu thụ, có thể gây ngộ độc cấp tính, tử vong hoặc tích tụ trong cơ thể gây nhiều bệnh tật, nhất là ung thư” - bà nói.
Ví dụ như độc tố Aflatoxin có trong gạo, ngô, đậu, lạc, hướng dương, hạnh nhân, óc chó, tiêu đen, gừng, trái cây… đã được WHO liệt vào chất gây ung thư loại 1. Nó gây ung thư gan, ung thư túi mật, ung thư phổi và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Hay độc tố Ochratoxin A trong ngũ cốc, hạt cà phê, nho khô, rượu vang và nước ép nho bị nấm mốc có thể gây suy thận. Fumonisins trong lúa mì, yến mạch, ngô bị mốc có khả năng dẫn đến ung thư buồng trứng hay ung thư thực quản...
2. Thịt và cá nướng, hun khói
Giáo sư Yu Kang, Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng của Bệnh viện Đại học Y Liên minh Bắc Kinh (Trung Quốc) cảnh báo: “Cách chế biến hun khói hoặc nướng, nhất là với thịt hay cá tuy được nhiều người thích nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ sản sinh các chất độc gây ung thư. Quá trình nướng, chiên ở nhiệt độ cao sẽ sản sinh ra các amin dị vòng và hydrocacbon thơm đa vòng. Cả hai đều là chất gây ung thư và hàm lượng chất gây ung thư sẽ tăng dần khi nhiệt độ và thời gian tăng lên”.
Trong đó, nguy hiểm nhất là hydrocacbon thơm đa vòng benzopyrene được WHO xếp vào nhóm chất gây ung thư nguy hiểm hàng đầu. Chỉ cần hấp thụ 1 nanogram benzopyrene cũng có thể làm thay đổi cấu trúc, hướng và chức năng của DNA trong cơ thể con người. Nhất là khi chế biến với nhiệt độ cao làm thịt bị cháy khét, phần bị cháy khét đó chứa benzopyrene.
Ngoài ra, ông cũng nhắc nhở răng thịt hun khói chứa rất nhiều chất béo, hàm lượng cholesterol cao và natri có hại. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ăn 2 miếng thịt hun khói mỗi ngày làm tăng nguy cơ bị ung thư đại tràng lên 21%.
3. Thực phẩm nóng trên 60 độ C
Không ít người cho rằng ăn uống đồ nóng tốt cho sức khỏe và ngon miệng hơn. Nhưng nếu nhiệt độ của đồ ăn, thức uống đạt trên 60 độ C sẽ gây hại cho cơ thể, thậm chí gây ung thư. Thực phẩm có nhiệt độ này được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phân loại là chất gây ung thư Loại 2A . Các thí nghiệm trên động vật chỉ ra nó đủ để đốt cháy cổ họng và có thể gây ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư miệng.
Giáo sư Yu Kang giải thích: “Các màng nhầy trên bề mặt miệng và thực quản của chúng ta rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nói chung, nhiệt độ ăn uống thích hợp là 10 - 40 độ C và nhiệt độ cao có thể chịu được chỉ là 45 - 55 độ C. Nếu vượt quá 60 độ C, niêm mạc có thể bị bỏng cùng nhiều tổn thương khác”.
Ông cũng nhắc nhở thêm rằng, với những người đã quen với đồ ăn nóng, màng nhầy sẽ dày lên do bị kích thích nhiều lần và trở nên không nhạy cảm với nhiệt độ. Những người như vậy nên chú ý hơn và phải thay đổi thói quen ăn đồ nóng bởi khó tránh khỏi nguy cơ mắc ung thư thực quản.
4. Đồ uống có cồn
Đồ uống có cồn, nhất là rượu bia rượu bia là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư. Điều đáng lo ngại là nhiều người biết chúng có hại nhưng không thể bỏ được.
Rượu bia gây ung thư theo nhiều cơ chế. Tiến sĩ Feng Xielin cho biết: “Uống rượu dẫn đến tăng chất oxy hóa trong tế bào. Chính các sản phẩm chuyển hóa từ ethanol trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra ung thư. Khi vào cơ thể, ethanol có trong bia rượu được chuyển hóa thành acetaldehyde, làm tổn thương tế bào, hỏng chuỗi DNA. Đặc biệt, bia rượu gây tổn hại trực tiếp đến tế bào gan và làm tăng transaminase. Có bằng chứng rõ ràng cho thấy uống rượu làm tăng nguy cơ ung thư gan và nguy cơ này phụ thuộc vào số lượng và tần suất uống rượu bia”.
WHO cũng đã chỉ ra rằng, khi sử dụng rượu bia, 95% chất cồn được chuyển hóa qua gan trở thành các hợp chất mới. Dưới tác dụng của enzyme alcohol dehydrogenase, rượu được oxy hóa thành acetaldehyde, 1 chất làm sinh sôi các tế bào ung thư bằng cách tấn công DNA và gây ung thư đại trực tràng, ung thư gan, ung thư dạ dày… cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác.
5. Cá muối, dưa muối
Tiến sĩ dinh dưỡng Shi Wenli tại Bệnh viện Boai Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, cá muối hay dưa muối đều là những thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Trong danh sách các chất gây ung thư do Cơ quan Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, cá muối sau đó phơi - sấy khô được xếp vào loại chất gây ung thư loại 1.
“Bởi cách chế biến này tạo ra một lượng lớn methyl nitrite trong quá trình sản xuất và một phần trong đó sẽ chuyển hóa thành dimethylnitrosamine, một chất gây ung thư khi đi vào cơ thể. Chất này có nguy cơ cao gây ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày ở người” - bà giải thích.
Một nghiên cứu với 440.000 người được công bố trên “Hội đồng Y khoa Nội khoa Anh” vào năm 2023 cho thấy việc tiêu thụ dưa muối chua thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Số liệu cho thấy so với những người không ăn dưa chua, những người thường xuyên ăn món này có tỷ lệ tử vong do ung thư thực quản tăng 45%. Đồng thời, nguy cơ ung thư dạ dày, đại trực tràng cũng tăng lên đáng kể. Nhất là nếu ăn khi muối xổi, muối quá kỹ và có dấu hiệu hư hỏng.
Tiến sĩ Shi Wenli cũng cảnh báo thêm rằng, cả cá muối và dưa muối đều chứa rất nhiều natri. Điều này không chỉ làm hại tim mạch, não bộ mà còn tăng khả năng viêm mạn tính - một trong những yếu tố chính dẫn tới ung thư. Ngoài ra, nguy cơ nấm mốc khi chế biến bằng phương pháp muối cũng rất cao, dễ dẫn tới ngộ độc, ung thư khi ăn phải.
Nguồn và ảnh: QQ, Cancer123