Chăm sóc sức khỏe tim mạch là điều quan trọng nhưng cũng đầy thách thức. Trên thực tế, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch, ví dụ như lười hoạt động thể chất, béo phì, nghiện rượu, hút thuốc lá, chế độ ăn uống kém lành mạnh, huyết áp cao và đặc biệt là mỡ máu cao.
Mỡ máu cao hay còn gọi là rối loạn mỡ máu, máu nhiễm mỡ, tăng cholesterol máu. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng tăng thành phần mỡ gây hại và giảm thành phần mỡ có lợi. Mỡ máu cao có thể làm tăng nguy cơ đau tim và mắc bệnh mạch vành. Do đó, kiểm soát lượng mỡ trong máu là điều cần thiết để bảo vệ trái tim. Nhưng làm thế nào để kiểm soát mỡ máu? Một số loại rau củ có thể giúp ích.
Mỡ máu cao là tình trạng nguy hiểm (Ảnh: Harvard Health)
Một chế độ ăn uống tốt cho tim luôn luôn có sự hiện hữu của các loại rau củ. Chúng là nguồn cung cấp chất xơ, chất chống oxy hóa cũng như các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Thêm vào đó, nhóm thực phẩm này cũng có ít calo - một yếu tố quan trọng để duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
5 loại rau củ tốt nhất giúp giảm mỡ máu có hại
Trả lời phỏng vấn chuyên trang sức khỏe Health Shots, chuyên gia dinh dưỡng và lối sống Karishma Chawla đã chỉ ra 5 loại rau tốt nhất trong việc giảm mỡ máu xấu, đó là:
Súp lơ xanh (bông cải xanh)
Súp lơ xanh có nhiều chất xơ hòa tan, các chất dinh dưỡng quan trọng và hợp chất lưu huỳnh sulforaphane. Chính vì thế, súp lơ xanh là loại thực phẩm tuyệt vời giúp giảm mỡ máu xấu và chất béo trung tính.
Ngoài ra, chất xơ trong súp lơ xanh liên kết với axit mật giúp cơ thể đào thải cholesterol dễ dàng hơn. Ăn rau nhiều chất xơ cũng giúp tăng cảm giác no, hạn chế lượng thực phẩm nạp vào, từ đó giúp giảm mức chất béo trung tính trong cơ thể.
Cải xoăn (cải kale)
Cải xoăn giúp giảm mỡ máu (Ảnh: All Recipes)
Cải xoăn giàu kali, chất xơ, folate và canxi - những chất dinh dưỡng giảm mức mỡ máu có hại, từ đó giảm thiểu nguy cơ hình thành bệnh tim.
Không những thế, cải xoăn còn chứa rất nhiều lutein. Hợp chất này được biết đến với tác dụng ngăn ngừa sự tích tụ của mỡ máu.
Súp lơ trắng
Súp lơ trắng có nhiều sterol thực vật, một loại chất ngăn ruột hấp thụ mỡ máu xấu. Sulforaphane có trong súp lơ trắng cũng giúp giảm mỡ trong máu, ngăn ngừa sự tích tụ chất béo trong thành động mạch.
Củ cải
Củ cải là nguồn cung cấp anthocyanin tuyệt vời. Đây là hợp chất giúp giảm mức mỡ máu xấu, ngăn ngừa tình trạng viêm trong tĩnh mạch và động mạch. Ngoài ra, củ cải còn giàu các khoáng chất như canxi, kali và các chất chống oxy hóa. Tất cả những thành phần này giúp giảm huyết áp và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim.
Củ cải cũng rất giàu chất xơ. Thêm củ cải vào chế độ ăn sẽ giúp giảm mức mỡ máu có hại, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Cà rốt
Cà rốt giàu pectin, một chất xơ hòa tan có tác dụng giảm mỡ máu (Ảnh: Healthline)
Cà rốt có chứa nhiều beta-carotene - một chất mà cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A sau khi tiêu thụ. Beta-carotene giúp giảm mức cholesterol trong máu và ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Tiêu thụ cà rốt cũng giúp điều chỉnh quá trình bài tiết axit mật, từ đó kiểm soát sự hấp thụ cholesterol, đồng thời tăng thêm các chất chống oxy hóa cho cơ thể để bảo vệ trái tim.
Cà rốt chủ yếu chứa chất xơ hòa tan ở dạng pectin. Pectin giúp ngăn ngừa quá trình hấp thụ cholesterol trong đường tiêu hóa, từ đó giúp giảm mỡ máu.
5 thay đổi về lối sống giúp giảm mỡ máu có hại
Ăn uống lành mạnh
Ngoài việc bổ sung thêm các loại rau củ kể trên, để giảm mỡ máu xấu, mọi người nên bổ sung thêm thực phẩm giàu axit béo omega-3, chất xơ hòa tan. Đồng thời, nên hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Tăng cường hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất luôn có lợi trong việc kiểm soát mỡ máu (Ảnh: Healthline)
Hoạt động thể chất có tác dụng tăng mỡ máu có lợi và giảm mỡ máu có hại trong cơ thể. Theo Mayo Clinic, mọi người nên tập thể dục ít nhất 30 phút/lần, 5 lần/tuần với các môn có cường độ vừa phải hoặc 20 phút/lần, 3 lần/tuần với các môn có cường độ cao hơn. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia về bộ môn tập luyện để phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân.
Bất kỳ hoạt động thể chất nào, dù chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn trong ngày cũng đều có lợi cho cơ thể.
Bỏ thuốc lá
Việc làm này giúp cải thiện mức mỡ máu có lợi. Theo Mayo Clinic, bỏ hút thuốc sẽ giúp điều hòa huyết áp, nhịp tim, tuần hoàn máu, chức năng phổi,...
Giảm cân
Thừa cân, béo phì góp phần làm tăng mỡ máu. Những thay đổi về chế độ ăn uống và tập luyện sẽ giúp giảm cân hiệu quả.
Hạn chế rượu bia
Rượu bia không chỉ liên quan tới việc tăng mỡ máu mà còn gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như huyết áp cao, suy tim, đột quỵ. Do đó, hãy hạn chế sử dụng loại đồ uống này.