Máy bay ném bom trang bị 8 động cơ YB-60.
Chiến tranh Lạnh là một thời kỳ đáng sợ. Trong những năm 1950-1960, các nhà chế tạo máy bay Mỹ đã điên cuồng phát triển máy bay chiến đấu, ném bom và các phi cơ trinh sát mới nhằm phục vụ các lực lượng vũ trang Mỹ.
Một số thiết kế thành công nhất, như F-4, F-15 và B-52, vẫn được phục vụ cho tới tận năm 2019, thậm chí ngày nay. Tuy vậy, không ít thiết kế đã thất bại vì bị quân đội Mỹ khước từ.
Dưới đây là 5 loại máy bay kém may mắn, theo National Interest:
Convair YB-60
Vào đầu những năm 1950, Không quân Mỹ muốn sở hữu một loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng có động cơ phản lực để vận chuyển bom nguyên tử qua khắp các đại dương.
Nhà sản xuất Convair, nơi chế tạo động cơ pít-tông B-36 cho Không quân Mỹ, đã quyết định rằng chỉ cần hoán đổi động cơ đẩy của B-36 cho máy bay phản lực - cùng những thay đổi nhỏ khác - là đủ để tạo ra một máy bay ném bom mới.
Kết quả là YB-60, một con “quái vật” dài 52 mét ra đời sử dụng 8 động cơ phản lực J57 của Pratt & Whitney. Hai nguyên mẫu đầu tiên của máy bay này đã thực hiện chuyến bay ra mắt vào tháng 4/1952. Chiếc YB-60 có thể bay tới 4.600km với vận tốc gần 750km/h trong khi chở theo 36 tấn bom.
Ấn tượng, chắc chắn, nhưng YB-60 vẫn không ấn tượng bằng đối thủ cạnh tranh trực tiếp của YB-60 là B-52 của Boeing. “Pháo đài bay” 8 động cơ B-52 có thể bay 840km/h với tầm hoạt động tới 7.200 trong khi mang 35 tấn bom.
Không quân Mỹ đã hủy bỏ chương trình thử nghiệm của YB-60 vào tháng 1/1953. Trong khi đó, tới nay những chiếc B-52 vẫn đang phục vụ.
Bell XF-109
Năm 1955, Hải quân và Không quân Mỹ đã tiếp cận Tập đoàn Máy bay Bell (BAC) với một ý tưởng táo bạo - thiết kế một máy bay chiến đấu Mach-2 (vận tốc gấp 2 lần tốc độ âm thanh) có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng. Bell đã thiết kế loại máy bay mà họ đặt tên không chính thức là XF-109.
Dài 18 mét, XF-109 có 8 động cơ phản lực J85 mạnh mẽ, gồm 4 động cơ đốt sau, trong đó hai động cơ riêng lẻ trong các nan xoay ở đầu cánh, hai động cơ không đốt sau ở thân sau và một cặp J85 phía sau buồng lái.
Kiểu dáng cơ bản của XF-109 không khác với máy bay phản lực siêu thanh F-35B mà Lockheed Martin đã thiết kế cho Thủy quân lục chiến Mỹ 40 năm sau.
Nhưng rõ ràng XF-109 đã đi trước thời đại. Hải quân và Không quân Mỹ khi đó đều không quan tâm với thiết kế này, và quân đội đã hủy bỏ máy bay phản lực của Bell vào năm 1961 trước khi công ty chế tạo bất kỳ nguyên mẫu thực tế nào.
Tới năm 1967, Harrier, máy bay chiến đấu cất cánh và hạ cánh thẳng đứng đầu tiên trên thế giới, hiện chuyến bay đầu tiên. Harrier bay ở tốc độ cận âm (gần bằng vận tốc âm thanh)
Lockheed RB-12
Vào tháng 1/1961, nhà thiết kế máy bay của Lockheed, Kelly Johnson, đã gửi một đề xuất không mong muốn cho Không quân Mỹ.
Ý tưởng của ông là sử dụng máy bay do thám A-12 bay tốc độ Mach 3 - tiền thân của chiếc “Hắc điểu” SR-71 Blackbird mang tính biểu tượng mà Kelly Johnson đã thiết kế cho CIA - và sửa đổi nó thành một máy bay ném bom chiến lược cực nhanh.
Song song với đó, Johnson cũng đang nghiên cứu một phiên bản máy bay chiến đấu F-12 trang bị tên lửa như của chiếc Lockheed A-12.
Không quân Mỹ thích ý tưởng máy bay ném bom RB-12 Mach-3 nhưng đề xuất thiết kế thay đổi một chút, được gọi là RS-12: Khung máy bay bằng titan giống A-12 với các động cơ phản lực J58 mạnh mẽ; Thêm một radar tầm xa, phức tạp và trang bị tên lửa không đối đất có đầu đạn hạt nhân dựa trên tên lửa không đối không AIM-47 cùng loại trang bị cho F-12.
Kế hoạch dành cho RS-12 là xuyên thủng hàng phòng không Liên Xô với tốc độ Mach 3.2, bay cao 24.000 mét, và nã một quả tên lửa duy nhất từ cách xa 90km, nhằm vào mục tiêu tại một thành phố Xô viết.
Bộ Quốc phòng Mỹ cuối cùng đã hủy bỏ F-12 vì lý do chi phí và cũng không tiếp tục với RS-12, vì tên lửa đạn đạo lúc đó bắt đầu thay thế máy bay ném bom có người lái. Không quân cuối cùng đã có được phiên bản trinh sát SR-71 của A-12 và vận hành nó vào những năm 1990.
Convair Model 49
Trong những năm 1960, Lục quân Mỹ ngày càng chán nản vì phải phụ thuộc quá lâu vào những chiếc máy bay Không quân không phù hợp cho các nhiệm vụ yểm trợ tầm gần. Các máy bay như Republic F-105 quá nhanh và quá yếu để hỗ trợ bộ binh một cách hiệu quả.
Thay vào đó, Lục quân cần tính linh hoạt và khả năng chuyển tiếp của một phương tiện cất cánh thẳng đứng và có thể bay lơ lửng. Để phát huy vai trò xuất sắc yểm trợ tầm gần, loại phương tiện này cần được bọc thép và trang bị vũ khí hạng nặng.
Nhu cầu này đã dẫn đến chương trình Hệ thống Yểm trợ Hoả lực trên không tiên tiến (AAFSS).
Convair, một công ty nổi tiếng với những thiết kế mạo hiểm, đã đáp ứng yêu cầu AAFSS của Lục quân Mỹ.
Với kinh nghiệm chế tạo máy bay XFY-1 “ngồi đuôi”, Confair đã đề xuất một thiết kế máy bay hình ống hoặc hình khuyên không giống với bất kỳ thiết bị nào khác đang được sử dụng, dù hơi giống với chiếc C.540 thử nghiệm của hãng SNECMA/ Pháp.
Model 49 có vẻ ngoài kỳ lạ, nhưng Convair tin rằng đây là thiết kế hoàn hảo cho một chiếc máy bay kết hợp khả năng đặc biệt của trực thăng với một số tính năng tấn công của một phương tiện quân sự trên mặt đất.
Một trong những thách thức lớn nhất là tạo ra một buồng lái nghiêng để phi công không phải ngửa mặt lên trời trong các chế độ cất, hạ cánh và đậu trên mặt đất. Điều này đòi hỏi một thân máy bay phức tạp, có bản lề về phía trước, khiến nó giống như robot Transformer.
Lockheed CL-1200
Vào cuối những năm 1960, Lockheed nhận thấy một cơ hội. Dự đoán nhu cầu trên toàn thế giới về 7.500 chiếc máy bay chiến đấu tiên tiến, với giá phải chăng trong thập kỷ tiếp theo, vào năm 1971, Lockheed bắt đầu đề xuất một phiên bản CL-1200 Lancer cải tiến, an toàn hơn của phiên bản F-104, tốc độ cao nhưng lại nổi tiếng khó vận hành.
Bộ phận Skunk Works của Lockheed, nơi nhà thiết kế nổi tiếng Kelly Johnson vẫn phụ trách, đã mở rộng cánh và bộ thăng bằng (fin) của F-104, dịch chuyển cánh đuôi xuống thấp hơn trên thân máy bay, tinh chỉnh cửa hút động cơ, tăng thêm dung tích nhiên liệu bên trong và thay thế động cơ J79 của F-104 bằng một động cơ TF33.
Về lý thuyết, CL-1200 có khả năng cơ động và điều khiển cao hơn F-104 và có giá khoảng 2 triệu USD /chiếc, nếu sản xuất với quy mô lớn. Vào thời điểm đó, một chiếc F-4E mới có giá ít nhất 2,4 triệu USD.
Lockheed đã mang CL-1200 tham gia cuộc thi Máy bay Chiến đấu Quốc tế của quân đội Mỹ, nhằm chọn một máy bay chiến đấu xuất khẩu cho các đồng minh.
Nhưng chiếc F-5E của Northrop cuối cùng đã giành chiến thắng trong cuộc thi và Lockheed đành loại bỏ thiết kế CL-1200, chỉ sản xuất một bản mô phỏng của chiếc máy bay này.