Theo Reader's Digest - dưới đây là 5 lý do khiến một nhân viên muốn nghỉ việc ngay tắp lự
Công việc quá tải, 3 đầu 6 tay cũng làm không xuể
Với những nhân viên tài giỏi nhất, nếu bị giao quá nhiều việc cũng dẫn đến xụi lơ và mong muốn tìm lối thoát khác dễ thở hơn.
Đáng buồn là không nhiều sếp nhận ra điều này, thứ họ thực sự quan tâm chủ yếu là kết quả công việc.
Để đảm bảo tiến độ, sếp thường giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho 1 nhóm nhân viên ưu tú nào đó và đôi khi, khiến họ ngập trong mớ bòng bong.
Và quả thật, trong cơn hoang mang không lối thoát, nhiều người đã đột ngột dứt áo ra đi để tìm bến bờ mới bình yên hơn (lương thấp hơn cũng được).
1001 "lý do cá nhân"
Có thể khẳng định, đời sống cá nhân của mỗi nhân viên ảnh hưởng khá nhiều đến công việc.
Có vô vàn lý do nghỉ việc đột ngột mà họ có thể đưa ra, nào là cưới xin, du học, ra ngoài làm ăn riêng, quyết định ở nhà toàn tâm toàn ý cho con cái...
Bên cạnh đó, những cú sốc tâm lý hoặc vấn đề tồn động không được giải quyết cũng khiến nhân viên "out".
Ngoài việc chỉ chăm chăm quan tâm đến hiệu quả công việc, đôi khi các sếp nên làm bạn để thấu hiểu và giúp nhân viên vượt qua những gì khiến họ sầu não.
Chậm lương, "ấm ớ" về thưởng
Hầu hết người đi làm ngày nay không phải vì đam mê, mà để kiếm tiền.
Người lao động, đặc biệt là dân công sở có 1 niềm hạnh phúc lớn lao mang tên "ting ting" cuối tháng. Cảm giác có tiền khiến họ sung sướng ư? Không hẳn, vì công sức cả tháng trời nay có thể quy đổi ra hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền mua sắm và ăn uống.
Có những lúc "lương hẹn về" mà vài ngày chưa thấy đâu, than ôi khi ấy như dài cả thế kỷ!
Dù là quản lý hay nhân viên, việc công ty chậm lương khiến tất cả mọi người nóng ruột. Một khi tình trạng ấy lặp lại trên 3 lần, sự trung thành và quyết tâm đối với doanh nghiệp của nhân viên sẽ giảm sút nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc thông báo con số một đằng, trả lương một nẻo cũng là lý do khiến nhiều người dứt áo ra đi không suy nghĩ.
Những mối xung đột dai dẳng với đồng nghiệp
Không ngoa khi nói rằng: Hơn cả bạn bè, người yêu, người thân trong gia đình... đồng nghiệp chính là những cá nhân ta phải tiếp xúc tới 5 ngày mỗi tuần. Yên lành thì không sao nhưng kẻ ngồi cùng phòng, cùng hít thở bầu không khí chung mà khiến bạn ức chế - cũng quyết định khá nhiều đến chuyện "đi hay ở".
Ở trường hợp này, người quản lý có vai trò can thiệp đúng lúc và giải quyết sòng phẳng những mối bất hòa trong công việc. Chỉ như vậy, các sếp mới giữ được người trước khi quá muộn.
Đôi khi nhân viên cuốn gói vì sếp, không phải do công việc
Giữa sếp và nhân viên luôn tồn tại một mối quan hệ hai chiều, vừa phụ thuộc lại vừa tranh đấu.
"Một con én không thể làm nên mùa xuân", vì vậy sếp có tài giỏi đến mấy cũng cần nhân viên, ngược lại sếp chính là "kim chỉ nam" trong mọi công việc của cấp dưới.
Thế nhưng, bên cạnh mối quan hệ tưởng chừng không thể tách rời đó lại luôn có một cuộc chiến âm ỉ, kéo dài dai dẳng và không có hồi kết giữa sếp và nhân viên.
Những mâu thuẫn ngày càng gia tăng và đôi khi cuộc "khẩu chiến" chỉ vì một lý do "lãng xẹt" cũng là giọt nước tràn ly khiến nhân viên ngay lập tức viết đơn xin thôi việc.
Mâu thuẫn với sếp cùng là lý do số 1 để nhân viên đột ngột nghỉ việc, họ cần phải được quan tâm đúng mức và xử lý triệt để.