Vào tháng trước, có thông tin nhóm Houthis đã bắn một quả tên lửa Scud từ kỷ nguyên Xô Viết vào sân bay Riyadh và bị hạ bởi tên lửa đánh chặn tầm trung của Mỹ. Tên lửa Patriot do quân đội Ả rập Xê-út bắn.
Ông Donald Trump đã khoe: "Hệ thống của chúng ta đã bắn rơi quả tên lửa. Chứng tỏ chúng ta làm tốt thế nào. Không một ai có thể làm những gì chúng ta làm và bây giờ, chúng ta bán nó trên khắp thế giới".
Tuy nhiên có 2 điểm có thể sai trong các thông tin trên. Trước tiên, tên lửa có thể không được bắn bởi nhóm Houthis vì theo nhiều nghiên cứu nhóm nổi dậy này không có vũ khí hạng nặng đến vậy. Chính một bộ phận quân đội trung thành với cựu tổng thống Yemen Saleh (một trong những nhóm phản đối liên minh với Ả rập Xê-út) đã bắn quả tên lửa này.
Tiếp theo, tên lửa Patriot của Mỹ đã không hạ được Scud. Theo các nguồn tin cậy, 5 quả tên lửa đã phóng lên nhưng đều bắn trượt. Tên lửa Scud đã bay qua khẩu đội tên lửa đánh chặn của Ả rập Xê út và rơi ngay sau nó, lệch đường băng của sân bay Riyadh chỉ 300m - sai số hợp lý với một quả tên lửa được chế tạo từ những năm 1960.
25 năm sau Cuộc chiến vùng Vịnh, hệ thống Patriot của Mỹ vẫn chưa đánh bại được tên lửa Liên Xô chế tạo từ những năm 1960.
Người Mỹ đã nói dối và thổi phồng về hiệu quả của tên lửa Patriot trong thời gian diễn ra Cuộc chiến vùng Vịnh vào 1990-1991. Theo đó, "những quả Patriot đã chặn được phần lớn những quả Scud do Iraq bắn ra" là sự khoe khoang dối trá của họ. Nhưng mặc dù Patriot thất bại, họ đã cải tiến nó và nhiều người nghĩ nó sẽ hoạt động hiệu quả như được quảng cáo.
Nhưng không phải vậy, hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ thậm chí không thể tiêu diệt tên lửa cũ từ thời Liên Xô - loại tên lửa Scud đất-đối-đất từ những năm 1960 (không tân tiến hơn mấy so với loại rocket V-2 Đức sử dụng năm 1944).
Tuy nhiên, điều này chưa đủ để chỉ trích các kỹ sư Mỹ yếu kém. Việc đánh chặn một tên lửa siêu thanh bằng một tên lửa khác là vấn đề cựu kỳ khó khăn. Để chắc chắn độ chính xác cho một vụ đánh chặn vẫn còn là điều mà kỹ thuật hiện tại chưa làm được.
Nhưng cần chỉ trích cách kinh doanh của Mỹ. Có thể, đây là thời điểm Mỹ nên thôi thổi phồng hệ thống vũ khí của họ khi các sản phẩm hoạt động không hiệu quả.
Mũi tên đỏ: Quỹ đạo ước tính của phần đầu đạn tên lửa; Mũi tên đứt đoạn màu đỏ: Quỹ đạo ước tính của phần thân tên lửa; Mũi tên đen: Hướng của tên lửa đánh chặn.
Tờ thời báo New York có bản báo cáo từ các chuyên gia tên lửa đã bóc trần sự thật vụ đánh chặn tên lửa thành công của Ả rập Xê-út:
Một đội nghiên cứu gồm các chuyên gia về tên lửa, đã phân tích các chứng cứ và chỉ ra đầu đạn tên lửa đã bay qua khu vực phòng thủ của Ả rập Xê-út và "suýt" trúng mục tiêu của nó là sân bay Riyadh. Đầu tên lửa đã nổ rất gần ga hàng không nội địa khiến nhiều hành khách hoảng sợ nhảy bật dậy.
Ông Jeffrey Lewis và những nhà phân tích khác hầu hết thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury có trụ sở tại Monterey, California, đã hoài nghi khi nghe tin Ả rập Xê-út thông báo đã bắn hạ tên lửa Scud và tiến hành phân tích vụ đánh chặn tên lửa này.
Các chính phủ đã phóng đại hiệu quả của tên lửa phòng thủ trong quá khứ, bao gồm cả việc chặn được Scud. Trong Cuộc chiến vùng Vịnh, Mỹ đã báo cáo một tỷ lệ gần như hoàn hảo về việc hạ được hàng loạt các tên lửa Scud do quân đội Iraq phóng đi.
Những phân tích sau đó chỉ ra rằng hầu hết các vụ đánh chặn đều thất bại. Với vụ đánh chặn của Ả rập Xê-út vừa rồi, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các tư liệu được phát tán trên mạng xã hội bao gồm ảnh, video và thời gian, địa điểm các tư liệu này được quay chụp để tiến hành phân tích qua các mảnh vỡ tên lửa, khu vực xảy ra vụ nổ và tác động của vụ nổ.
Điểm bắn dự tính từ Yemen và mục tiêu tại Riyadh cách nhau gần 1.000km.
Thực tế trần trụi
Những mảnh vỡ tên lửa ở Riyadh cho thấy tên lửa đánh chặn có thể bắn trúng vào phần đuôi vô hại hoặc hoàn toàn trượt nó.
Sau khi Ả rập Xê-út phóng tên lửa. Các mảnh vỡ bắt đầu rơi xuống trung tâm Riyadh. Một video trên mạng xã hội quay được cảnh một phần khá lớn của tên lửa rơi xuống một bãi đỗ xe gần trường Ibn Khaldun. Những đoạn video khác cho thấy các mảnh vỡ rơi vào các cụm địa điểm trong một khu vực khoảng 500m cách đường cao tốc.
Những mảnh vỡ tên lửa gồm phần động cơ đẩy, phần thân và (có thể) là hệ thống dẫn đường.
Các quan chức Ả rập Xê-út nói các mảnh vỡ được tìm thấy là của tên lửa Burqan-2 cho thấy vụ đánh chặn đã thành công. Nhưng một phân tích các mảnh vỡ cho thấy phần đầu đạn tên lửa - thành phần tạo ra những vụ nổ đã biến mất. Phần đầu đạn bị mất báo hiệu những điều quan trọng cho các nhà phân tích: tên lửa Scud có thể đã tránh được vụ đánh chặn của Ả rập.
Tên lửa phải bay qua một quãng đường gần 1.000km, được thiết kế để có thể tách thành 2 phần khi gần đến mục tiêu. Phần chứa động cơ đẩy giúp tên lửa bay gần hết quỹ đạo sẽ tách ra và rơi xuống. Phần đầu đạn nhỏ hơn và khó nhắm trúng sẽ tiếp tục bay tới mục tiêu.
Điều này giải thích tại sao các mảnh vỡ ở Riyadh chỉ có phần đuôi tên lửa. Và có thể chứng minh người Ả rập Xê út đã bắn trượt tên lửa hoặc chỉ nhắm trúng phần đuôi rơi xuống sau khi tên lửa đã chia tách.
Một số viên chức Mỹ cũng thông tin là không có bằng chứng nào cho việc Ả rập đã bắn trúng tên lửa. Thay vào đó, các mảnh vỡ có thể rơi xuống do áp lực trên quỹ đạo bay. Những gì Ả rập Xê út đưa ra để chứng minh vụ đánh chặn thành công có thể đơn giản là phần tên lửa đã tách rời.
Phần đầu đạn (không tìm thấy trong những mảnh vỡ), phần thân và phần động cơ đẩy.
Tiếng rít cách sân bay Riyadh khoảng 20km cho thấy có thể đầu đạn tiếp tục bay tới mục tiêu mà không bị ngăn trở. Vào khoảng 9h tối, cùng thời gian các mảnh vỡ rơi xuống Riyadh có một vụ nổ lớn gần ga dân sự tại sân bay quốc tế Hoàng đế Khalid tại Riyadh.
Có một vụ nổ tại sân bay", một người đàn ông nói trong video quay ngay sau vụ nổ. Ông ta và nhiều người khác chạy ra cửa sổ khi các xe cấp cứu chạy trên đường băng.
Một đoạn video khác được quay trên đường nhựa cho thấy cảnh các chiếc xe vận tải ở cuối đường băng. Bên họ là những đụn khói lớn, xác nhận vụ nổ đã xảy ra và điểm tác động của đầu đạn. Phát ngôn viên của Houthi nói tên lửa có mục tiêu là sân bay.
Có những lý do khác khiến các nhà phân tích nghĩ rằng đầu đạn đã bay qua khu vực phòng thủ tên lửa. Họ xem video quay khu vực khẩu đội Patriot đã bắn tên lửa và phát hiện đầu đạn đã bay qua khu vực này.
Các viên chức Ả rập thông báo vài mảnh vỡ rơi từ tên lửa đánh chặn của họ xuống sân bay. Như vậy sẽ rất khó tưởng tượng vì sao một mảnh vỡ có thể "lang thang" thêm 20km và tại sao nó lại nổ khi va chạm.
Vụ nổ
Khói và những khu vực bị tàn phá cho thấy đầu đạn đã tấn công vào gần nhà ga nội địa của sân bay. Hình ảnh các tín hiệu cấp cứu và các chùm khói cũng tiết lộ thông tin về bản chất của vụ nổ.
Một bức ảnh chụp chùm khói từ một khu vực khác trên đường nhựa cho thấy khói giống hệt như khói sinh ra từ các vụ nổ đầu đạn tên lửa. Điều này, cho thấy vụ nổ không phải từ một mảnh vỡ hay từ một vụ tai nạn.
Bằng việc xác định các tòa nhà trong ảnh và video, đội của Lewis có thể tiếp cận điểm ảnh được chụp và tìm ra tọa độ của chùm khói: vài trăm mét cách đường băng 33R, khoảng 1km cách nhà ga nội địa. Một nhà phân tích cho biết: vụ nổ nhỏ, các hình ảnh vệ tinh chụp sân bay trước và ngay sau vụ nổ không đủ chi tiết để có thể nhìn được miệng hố sinh ra do đầu đạn.
Nhưng có thể thấy, các vùng bị hư hại từ những chiếc xe cấp cứu, ủng hộ giả thiết đầu đạn đã phóng trúng đường băng.
Mũi tên đỏ: Quỹ đạo của đầu đạn tên lửa, đầu đạn nổ gần nhà ga sân bay; Mũi tên đỏ đứt đoạn: Quỹ đạo phần thân tên lửa rơi vào trung tâm thành phố.
Khi nhóm Houthis trượt mục tiêu. Ông Lewis phân tích: Họ đã đạt tới gần mục tiêu cho thấy tên lửa của họ có thể nhắm trúng mục tiêu và vượt qua được cả hàng phòng thủ của Ả rập Xê-út. "1 km là độ lệch bình thường với một tên lửa Scud".
Ông Lewis cũng nói ngay cả Houthis cũng không nhận ra thành công của mình. Trừ phi, họ có nguồn tin tình báo tại sân bay, họ có rất ít lý do để nghi ngờ các thông báo chính thức. "Houthis đã đạt rất gần tới mục tiêu vô hiệu hóa sân bay".
Laura Grego- một chuyên gia về tên lửa tại tổ chức Union of Concerned Scientists nhấn mạnh báo động rằng khẩu đội phòng thủ của Ả rập Xê-út đã bắn tới 5 lần để chặn quả tên lửa đang đến. "Bạn bắn 5 lần vào quả tên lửa đó và tất cả chúng đều trượt. Thật sốc", bà nói, "Và còn sốc hơn bởi người ta vẫn nghĩ hệ thống này có thể hoạt động".