Nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội cho hay, hồng là loại quả ngon và có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Trong y học cổ truyền, hồng có vị ngọt, chát, tính bình; có tác dụng nhuận phế, sinh tân, làm bớt khô háo, tiêu đờm, giảm ho, thu sáp, chặn nôn nấc, chỉ tả.
Theo y học hiện đại, hồng có chứa nhiều vitamin C, axit amin, mangan, kali... tốt cho những người bị cao huyết áp, làm việc trí óc, người hoạt động thể lực nhiều. Trong quả hồng còn có chứa nhiều beta-caroten tốt cho thể lực và phòng ngừa ung thư. Quả hồng được cho là rất tốt cho bệnh nhân tim mạch. Ăn mỗi ngày 3-4 quả hồng có thể giúp ổn định huyết áp.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cho biết hồng có lợi ích cho sức khoẻ nhưng cũng cần phải lưu ý khi ăn để tránh tác dụng phụ không đáng có.
Quả hồng có nhiều dược lý tốt cho sức khoẻ (Ảnh minh hoạ)
Không ăn quả hồng khi bụng đói
Trong quả hồng có nhiều tanin và pectin, nếu ăn lúc đói có thể tạo ra kết tụ do axit dạ dày. Vì dạ dày trống rỗng, nồng độ axit clohidric cao, ăn hoa quả có nhiều chất xơ, nhựa dễ bị kết tủa gây kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Khối kết tụ này không xuống được ruột non thông qua môn vị sẽ ở lại trong dạ dày và hình thành cục dị vật dạng bã thức ăn làm tắc ruột.
Sau khi ăn quả hồng nếu xuất hiện các triệu chứng đau quặn bụng, đau âm ỉ nhiều ngày kèm nôn mửa, nôn ra máu, cần đến bệnh viện để thăm khám và can thiệp kịp thời.
Ai không nên ăn hồng
Theo nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, người tiêu hoá kém, người già, trẻ nhỏ không nên ăn nhiều quả hồng. Người có bệnh lý dạ dày, viêm dạ dày mạn tính, khó tiêu, những người bị cắt dạ dày cũng không nên ăn nhiều quả hồng để tránh xảy ra tình trạng tắc ruột.
Đối với người có bệnh lý đái tháo đường cũng cần tránh ăn quả hồng vì chỉ số đường trong quả này khá cao, có thể làm tăng đường huyết.Những người bị tiêu chảy, cơ thể suy nhược, phụ nữ sau sinh và những người bị cảm lạnh không nên ăn quả hồng.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cho hay trong y học cổ truyền, quả hồng được cho là kỵ với canh cua. Khi ăn 2 thực phẩm này cùng nhau có thể gây buồn nôn, đau bụng, đi ngoài. Ngoài ra, cũng không nên ăn quả hồng cùng khoai lang để tránh phản ứng kết tủa. Tình trạng này thường xảy ra hiện tượng đầy bụng, khó tiêu. Dù chưa có bằng chứng khoa học chứng minh nhưng cũng nên tránh kết hợp các thực phẩm này cùng nhau.
Một số bài thuốc hay từ quả hồng
- Chữa nấc, đầy bụng, khó tiêu: Tai hồng 8g, đinh hương 8g, sinh khương 3g, sắc chia nhiều lần uống trong ngày.
- Chữa nấc: Có thể dùng riêng tai hồng 8 – 10g sắc uống, hoặc tán bột uống với rượu.
- Chữa đái dầm, đái nhiều về đêm: Tai hồng khô 8 – 16g thái nhỏ, sắc với nước còn 50ml, uống vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Chữa nôn mửa, lo nghĩ, phiền uất: Tai hồng 7 cái, hồ tiêu 7 hạt, hoắc hương 4g, sa nhân 4g, tỏi 3 nhánh, hành 2 củ, gừng 7 lát. Tất cả băm nhỏ, sắc uống chia làm 2 lần trong ngày.
- Chữa trĩ ra máu, táo bón: Quả hồng khô 8g, mộc nhĩ 6g, thái nhỏ, nấu chín ăn.
- Chữa tiêu chảy, cao huyết áp: Quả hồng xanh 30 – 40g giã nát, thêm nước, gạn uống.