Với những đứa trẻ, hành động và lời nói thể hiện tình yêu thương của bố mẹ là điều tuyệt vời nhất mà con nhận được. Một sự thờ ơ, bỏ mặc không những sẽ khiến bé cảm thấy bản thân thừa thãi mà còn gây ra vết thương lớn trong lòng con. Đôi khi, không đánh mắng, đòn roi nhưng cha mẹ lại sử dụng sự im lặng, lạnh lùng khiến bé tổn thương hơn gấp nhiều lần.
Dưới đây là 5 khoảnh khắc con luôn cần cha mẹ nhưng nhiều khi phụ huynh lại không để ý, vô tình làm con nghi ngờ tình yêu của người lớn, thậm chí cảm thấy không an toàn và dẫn đến những hành động tiêu cực về sau.
1. Khi con muốn được chơi cùng nhưng bố mẹ lại mải mê với thú vui khác
Điện thoại di động đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Lướt mạng xã hội khiến người lớn cảm thấy thoải mái, thư giãn hơn nhiều sau một ngày dài làm việc. Chính vì thế, phụ huynh đôi lúc bỏ quên khoảng thời gian quý giá với con cái. Khung cảnh người lớn mải mê với trò tiêu khiển, để mặc đứa trẻ chơi một mình dường như đã trở thành hình ảnh quen thuộc của không ít gia đình.
Những khoảnh khắc như vậy diễn ra càng nhiều càng tạo vết nứt giữa các thành viên trong gia đình. Con không nhận đủ tình yêu từ bố mẹ, phụ huynh cũng không có cơ hội kết nối với con cái. Những lúc này, sự thờ ơ vô tình tạo ra khoảng cách lớn trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, mỗi ngày cha mẹ hãy dành thời gian thật sự chất lượng ở cạnh con, tương tác với bé.
2. Khi con nghịch ngợm, phá phách nhưng bố mẹ giận dữ, phớt lờ con
Khi bé làm sai điều gì đó, nhiều cha mẹ vì tức giận mà ngó lơ, tuyệt nhiên không nói với con một câu nào. Điều này với bé mà nói không khác gì một hình phạt rất kinh khủng. Con sẽ nghĩ bố mẹ không còn quan tâm, không yêu mình nữa. Dần dần, con sẽ cố nghịch ngợm hơn chỉ để thu hút sự chú ý của bố mẹ, vì trẻ nghĩ rằng phá phách sẽ khiến bố mẹ để tâm tới mình.
Hành vi này của người lớn đôi khi tạo ra cảm giác bất an, lo lắng. Nếu rơi vào tình huống này, bố mẹ hãy ngồi xuống, nhìn vào mắt con, nói rằng bố mẹ đang rất buồn và giận vì lỗi của bé. Mẹ con mình cũng cho nhau một khoảng thời gian để bình tâm lại.
3. Khi con đã xin lỗi, biết lỗi nhưng cha mẹ không chấp nhận
Trong cuộc sống, có những tình huống bé gây ra khiến bố mẹ không khỏi giận dữ. Nỗi tức giận này có thể kéo dài khiến phụ huynh không muốn tha lỗi cho con. Tuy nhiên, nếu con đã biết nhận lỗi thì bố mẹ nên vui mừng, khuyến khích con chia sẻ và từ lần sau không tái phạm nữa.
Nhiều bố mẹ không nhận lời xin lỗi của con, tỏ thái độ tức giận dù con đã nhận ra sai lầm là điều không nên. Trong những lúc như vậy, sự thờ ơ của cha mẹ khiến con cảm thấy việc nhận lỗi là không có giá trị. Tốt nhất, cha mẹ nên cư xử nhẹ nhàng hơn, động viên khi con biết nói ra lời xin lỗi.
4. Khi trẻ gọi nhưng bố mẹ không đáp lại hoặc phớt lờ
Khi con gọi hoặc nhờ sự trợ giúp từ bố mẹ nghĩa là trẻ đang rất mong muốn nhận được hồi âm. Một số bố mẹ vì bận rộn công việc hoặc thấy chuyện con nhờ không quan trọng liền bỏ qua, thờ ơ với những lời trẻ nói thì rất dễ làm bé bị tổn thương.
Thế nên khi con gọi, bố mẹ dù bận tới mấy cũng hay đáp lại bé một câu. Có thể nói rằng "con đợi bố/ mẹ chút cho đến khi xong việc được không, trong lúc đó con chơi một mình nhé", hoặc dành ra vài phút hỗ trợ con trước khi tiếp tục công việc của mình. Hành động đó khiến con cảm thấy được tôn trọng và cảm thấy ấm áp hơn nhiều.
5. Khi con thắc mắc vấn đề chưa biết nhưng bị gạt đi
Trẻ con rất tò mò về mọi thứ xung quanh, bé có thể đưa ra 1001 lý do khiến người lớn đôi khi thấy phiền. Tuy nhiên, đó là cách con học hỏi và khám phá thế giới, nếu vô tình bỏ qua sẽ khiến bé mất đi giai đoạn nhạy cảm nhất, dần dần không muốn hỏi bố mẹ, càng không muốn tìm hiểu kiến thức mới mẻ nữa.
Hoặc cũng có trường hợp, con đặt câu hỏi nhưng bố mẹ gạt đi "trẻ con biết gì" cũng khiến bé cảm thấy buồn bã. Tốt nhất, cha mẹ đừng ậm ừ hay phớt lờ mà hãy chú ý lắng nghe câu hỏi của con, sau đó giải thích một cách dễ hiểu nhất cho bé.