Các nhà tâm lý học giáo dục chứng minh rằng, trí tuệ cảm xúc EQ góp phần rất nhiều vào thành công của trẻ sau này. EQ biểu đạt khả năng theo dõi cảm xúc của chính bản thân cũng như cảm xúc của người khác.
Chính nhờ khả năng kiểm soát cảm xúc của mình và quan trọng hơn là thấu hiểu cảm xúc với mọi người, người có EQ cao thường có tố chất làm lãnh đạo, làm việc nhóm và nhận về được nhiều sự yêu quý. Cơ hội thăng tiến của những người này cũng nhiều hơn. Đặc biệt, họ thường có cuộc sống hạnh phúc, giàu sự yêu thương...
Ngay từ nhỏ cha mẹ nên rèn luyện trí tuệ cảm xúc EQ của trẻ. Đặc biệt là 2 năm đầu đời khi trẻ đang cảm thấy choáng ngợp khám phá thế giới quan, học những thứ phức tạp hơn như nhận biết, thấu hiểu, điều khiển cảm xúc của bản thân...
5 việc làm của cha mẹ nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc EQ của con
1. Giúp con hiểu về cảm xúc
Việc có thể nhận biết và gọi tên cảm xúc là bước đầu tiên trong việc nuôi dưỡng EQ của trẻ. Từ 1-2 tuổi bé phải học hỏi để nhận biết và khám phá rất nhiều những cung bậc cảm xúc khác nhau. Vì vậy cha mẹ nên ở cạnh con và giúp trẻ tìm hiểu những cảm xúc đó.
Việc gọi tên cảm xúc được xem là khâu mấu chốt để trẻ có hành vi phù hợp trong tương tác cùng người khác. Sự nghèo nàn, thiếu hụt những tên gọi chính xác dành cho cảm xúc có thể làm cho vấn đề mà trẻ gặp phải không được giải quyết một cách chính xác và triệt để.
Từ đó, các "tồn dư" cảm xúc sẽ khiến cho trẻ rơi vào trạng thái không thỏa mãn, lâu dần tạo nên những ức chế tác động tiêu cực đến việc hình thành tính cách ở trẻ.
Để con hiểu về cảm xúc, đầu tiên phụ huynh cũng phải tự nâng cao vốn hiểu biết của mình về trí tuệ cảm xúc (EQ). Bản thân cha mẹ phải là người có thể tự gọi tên cảm xúc của mình, thấu hiểu được chính mình và có những ứng xử phù hợp trước các cảm xúc đó. Ngoài ra, cha mẹ không nên làm tổn thương cảm xúc của trẻ dù là cố tình hay vô ý.
Khi con tức giận, buồn bã, hoặc vui vẻ về 1 sự việc gì đó, cha mẹ nên đọc ra cảm xúc của con. Lâu dần con sẽ nhận biết được tâm trạng của mình và dần dần để ý đến mọi người.
Gọi tên được cảm xúc của trẻ sẽ dạy được con cách đối phó với những cung bậc cảm xúc của mình.
2. Dạy con biết rằng việc thể hiện cảm xúc không hề xấu
Trước 4 – 5 tuổi, trẻ rất khó kiềm chế cảm xúc. Con có thể dễ khóc, dễ nổi giận... vì những vấn đề rất nhỏ. Cha mẹ không nên đe dọa hoặc trừng phạt trẻ vì những cảm xúc thô sơ này. Nếu đứa trẻ ở một mình trong nỗi sợ hãi, lo lắng hoặc tức giận, bộ não mỏng manh của chúng tiết ra các phân tử căng thẳng rất độc hại và ngăn cản bộ não phát triển.
Cảm xúc không nhất thiết phải được xác định là tốt hay xấu mà là một phản ứng sinh học đối với một sự kiện bên ngoài mà đứa trẻ trải qua. Lắng nghe cảm xúc bằng sự ân cần sẽ mang lại hạnh phúc tuyệt vời cho đứa trẻ vì con cảm thấy được tôn trọng, công nhận.
Cha mẹ nên cho bé biết rằng, việc bộc lộ cảm xúc của mình không hề xấu, nhưng hành vi của con đi kèm cảm xúc đó là sai. Ví dụ trẻ ném đồ khi tức giận, mẹ hãy nói với con rằng: "Con cảm thấy tức giận nhưng không được ném đồ như vậy". Đừng quát mắng trẻ ngay khi chúng làm sai, phụ huynh hãy hiểu nguyên nhân vì sao con có hành động như thế và tìm cách giải quyết.
3. Dạy con cách đối mặt với cảm xúc tiêu cực
Trong những năm đầu đời, khi tức giận, buồn bực trẻ thường thể hiện cảm xúc rất mạnh. Đi kèm với đó là những hành vi quá khích, ví dụ như ném đồ, đánh, cắn người khác... Bởi chúng chưa học được cách tiết chế cảm xúc của mình.
Cha mẹ hãy dạy trẻ đối mặt với những cảm xúc tiêu cực đó bằng cách tích cực. Việc đầu tiên là người lớn cần làm gương cho trẻ. Nếu cha mẹ tức giận, la hét, ném đồ đạc khi cáu giận, trẻ cũng sẽ học theo. Thay bằng cách đó, cha mẹ nên tìm 1 chỗ yên tĩnh, hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh. Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ cách đó và con thực hiện càng thường xuyên trẻ sẽ càng trở nên điềm tĩnh, biết điều hướng cảm xúc. Việc này rất khác với sự nhịn nhục, đè nén tâm trạng. Cha mẹ nên lưu ý nhé.
4. Hướng dẫn trẻ thể hiện cảm xúc tích cực
Khi cảm xúc tiêu cực cần được tiết chế thì phụ huynh nên hướng dẫn trẻ phát huy những cảm xúc tích cực. Điều này cũng cần rất nhiều đến sự đóng góp của cha mẹ. Ví dụ như khi con hoàn thành xong 1 bộ lắp ghép, cha mẹ khen trẻ và chúng cảm thấy vui, muốn làm thêm 1 mô hình nữa.
Lúc này cha mẹ hãy khuyến khích chúng bằng cách cùng chơi hoặc khen ngợi thành quả của con. Như thế bé sẽ rất vui và phát huy những điều được khen đó. Khi con vui vẻ, hạnh phúc... cha mẹ hãy cũng chia sẻ với trẻ. Có như vậy chúng mới càng phát huy những cảm xúc tích cực ấy.
5. Làm mẫu cho trẻ
Cha mẹ nên làm gương về mọi mặt để trẻ noi theo, trong đó có việc thể hiện hoặc điều chỉnh cảm xúc. Phụ huynh có thể làm gương mẫu sự đồng cảm thông qua những tương tác ngoài đời thực. Như vậy khi con gặp vấn đề tương tự, trẻ sẽ biết cách giải quyết. Mặt khác cha mẹ luôn lạc quan tích cực, trẻ cũng sẽ cảm thấy yêu đời, vui vẻ và đối phó với những khó khăn cuộc sống nhanh nhẹn hơn.