Khi đổ bộ lên Sao Hỏa, nhiệm vụ của tàu thăm dò Perseverance không chỉ tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất mà còn thực hiện một nhiệm vụ quan trọng khác, tạo ra Oxy cho bầu khí quyển của hành tinh Đỏ.
Nhiệm vụ này được đặt lên vai một thiết bị có kích thước hình hộp nhỏ có tên gọi MOXIE (viết tắt của Mars Oxygen In-Situ Resources Utilization Experiment). Nguyên lý của nó cũng giống như hoạt động quang hợp của lá cây: hút lấy CO2 đậm đặc trong bầu khí quyển Sao Hỏa và tạo ra Oxy.
Theo thông báo của NASA, từ ngày 20 tháng Tư vừa qua, thiết bị này đã bắt đầu đi vào hoạt động và tạo ra những gam oxy đầu tiên trên hành tinh Đỏ. Nó mới chỉ ở một lượng rất nhỏ - khoảng 5,4 gam oxy – đủ cho một phi hành gia sử dụng được trong vòng 10 phút. Mặc dù vậy, đây là một bằng chứng vững chắc cho thấy công nghệ này hoàn toàn có thể hoạt động được tại Sao Hỏa.
Để tạo ra một lượng nhỏ oxy đó, MOXIE sẽ làm nóng CO2 lên gần 800oC để phân tách phân tử này thành Oxy và CO. Với hơn 99% bầu khí quyển Sao Hỏa là CO2, MOXIE sẽ không lo thiếu nguyên liệu cho phản ứng của mình. Hiện tại, MOXIE chỉ hoạt động như một thiết bị thử nghiệm tính khả thi của phương pháp này, do vậy nó mới có công suất khá nhỏ- khoảng 10 gam Oxy sau mỗi giờ hoạt động.
Khi chứng minh được tính khả thi, những người kế nhiệm MOXIE được đưa lên Sao Hỏa sẽ có công suất lớn hơn đủ để tạo ra khoảng 25 tấn Oxy – lượng Oxy đủ để phóng tên lửa đưa 4 phi hành gia rời khỏi bề mặt Sao Hỏa. Việc tạo ra Oxy ngay trên Sao Hỏa không chỉ giúp hạn chế việc phải vận chuyển Oxy từ Trái Đất tới Sao Hỏa mà còn mở đường cho việc khám phá hành tinh này dễ dàng hơn.
Thành công của thử nghiệm này đánh dấu một bước tiến lịch sử khác trong lần đổ bộ Sao Hỏa của Perseverance cũng như NASA. Đầu tuần này, cơ quan hàng không này đã lần đầu bay thử nghiệm một trực thăng có tên Ingenuity trên Sao Hỏa. Cũng giống như MOXIE, Ingenuity chỉ là một thử nghiệm chứng minh tính khả thi nhưng nó đang mở ra cánh cửa thực hiện các chuyến bay khác trong tương lai để thăm dò và khám phá Sao Hỏa dễ dàng hơn.