Theo lệ cũ, hàng năm, cứ vào chiều 30 Tết, các gia đình Việt thường làm một mâm lễ cúng Tất niên. Trước là dâng kính Thần linh, Gia tiên bày tỏ chân tâm, lòng thành, sau là bữa cơm đoàn viên sum vầy của gia đình, tiễn năm cũ đón năm mới.
1. Thời điểm làm cỗ cúng
Có một số người thực hiện cúng Tất niên sau khi thực hiện lễ tạ mộ (lễ Chạp) vào khoảng 26, 27 Tết. Tuy nhiên, thời điểm thích hợp nhất làm cỗ cúng Tất niên là vào chiều tối ngày 30 Tết.
Trong khoảng thời gian này, các thành viên ở xa cũng đã trở về gia đình. Mọi công việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa cũng đã hoàn tất. Lễ cúng Tất niên là dịp cần con cháu tề tựu đông đủ. Ngoài việc rước mời Thần linh và Gia tiên về hưởng Tết còn là kính cáo với các cụ con cháu đã đông đủ, cùng gia đình sum vầy đón xuân, dọn chuyện cũ, đón nhận niềm vui trong năm mới.
2. Mâm cúng Tất niên đủ đầy, chu đáo, sạch sẽ
Mâm cúng dâng kính lên bàn thờ Tổ tiên trong lễ Tất niên cần tươm tất, sạch sẽ, tỏ rõ lòng thành. Tấm lòng chẳng biết đo sao cho đủ, điều đó thể hiện ở việc gia chủ chuẩn bị mâm cúng đầy đủ lễ vật, bày biện đẹp mắt, gọn gàng, sạch sẽ.
Không phải cứ mâm cao cỗ đầy, xa hoa phù phiếm là chứng tâm được lòng thành. Sự cẩn thận, chu đáo ngay từ khi thực hiện cỗ cúng, tính toán thời gian chuẩn bị, làm cơm, lên mâm làm sao cho đủ đầy, tươm tất như niềm tin, hi vọng gia đình viên mãn, dư dả hơn.
3. Không quát mắng, cợt nhả khi đang cúng Tất niên
Trong thời gian cúng Tất niên, các thành viên gia đình tề tựu thì nên tập trung gia chủ dâng cúng, cùng hướng vọng về Tổ tiên. Ngoài việc nên ăn vận lịch sự, không hở hang thì cũng nên hạn chế cười nói, đùa cợt nhau hoặc quát mắng nhau trong lúc hành lễ.
4. Tránh căng thẳng khi dùng bữa cơm Tất niên
Sau lễ cúng Tất niên, hạ lễ chính là bữa cơm đoàn viên của gia đình. Đây là thời khắc quý giá để mọi thành viên trong nhà có thể trò chuyện, nhìn lại những gì đã qua trong năm cũ. Đồng thời cũng là cơ hội để cùng nhau hứa hẹn những kế hoạch, mong ước trong năm mới.
Cố gắng cùng nhau tạo ra không khí vui vẻ, hoà ái. Tránh đánh mắng, cãi cọ, quát tháo nhau trong bữa cơm.
5. Tránh đổ vỡ
Mọi thường nói tới kiêng kỵ làm rơi vỡ trong năm mới mà không mấy ai biết rằng, những khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ cũng cần tránh. Dân gian cho rằng, đổ vỡ thường tượng trưng cho những điều không may mắn. Dù là năm cũ, các thành viên trong gia đình cũng nên cẩn trọng, chu đáo để không để xảy ra tình trạng đổ vỡ, đặc biệt như gương, chén bát, đèn,…
(Thông tin mang tính chiêm nghiệm)