Số vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài được các địa phương giải ngân sẽ không thể tăng nhiều nếu thiếu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc - theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà. Ảnh: Bộ Tài chính cung cấp.
Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ Tài chính với 62 tỉnh, thành phố về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020, bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính - cho biết, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (cấp phát) năm 2020 từ nguồn vốn nước ngoài của các địa phương là 8.411 tỉ đồng tính đến ngày 27-8-2020.
Trong đó, có 2.878 tỉ đồng giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước - đạt tỷ lệ 21,86% so với dự toán được giao - tăng 9,14% so với số liệu đã báo cáo tại hội nghị giải ngân ngày 25-6 vừa qua.
Với nguồn Chính phủ cho vay lại các địa phương, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài cho các địa phương vay lại là 5.767,6 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 29,3% so với dự toán được các địa phương nhập trong hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis), tính đến 27-8.
Theo đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài ở các địa phương đã cải thiện trong hai tháng qua nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp.
Một số nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các địa phương được đơn vị này chỉ ra, gồm: vốn tạm ứng được rút về tài khoản của Ban Quản lý dự án nhiều; chậm làm thủ tục báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ nên Bộ Tài chính chưa kiểm tra và ghi nhận được trên hệ thống; chưa có khối lượng để giải ngân do chậm đấu thầu, chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng; không tiếp nhận được thiết bị, chuyên gia từ nước ngoài do dịch bệnh Covid-19.
Đáng chú ý là có năm địa phương đã đề nghị trả lại kế hoạch vốn, tổng số 1.617, 2 tỉ đồng, gồm 953,4 tỉ đồng vốn cấp phát là và 663,8 tỉ đồng vốn vay lại. “Trường hợp không điều chỉnh giảm kế hoạch vốn cho các địa phương này thì tỉ lệ giải ngân sẽ đạt thấp”, bà Nguyễn Xuân Thảo cho biết.
Ông Nguyễn Doãn Toản – Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – cho biết, dự án tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội - đoạn Nhổn - Ga Hà Nội - còn vướng mắc về thủ tục tạm ứng gói thầu số 9 do Bộ Tư pháp chưa cấp hiệu lực pháp lý cho Hiệp định vay bổ sung 20 triệu euro với Chính phủ Pháp.
Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội hiện vướng mắc về thủ tục điều chỉnh dự án.
Do đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội kiến nghị cần sớm có văn bản điều chỉnh chủ trương dự án và bố trí vay vốn nước ngoài, phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án để sớm hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và thúc đẩy việc giải ngân trong năm 2020.
Còn đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, một số dự án khi điều chỉnh thiết kế và các hạng mục dự án thường mất nhiều thời gian do cần lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn nước ngoài có nhiều ràng buộc về các chỉ tiêu như chất lượng môi trường, xã hội... cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Đại diện thành phố Cần Thơ chia sẻ, những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài ở địa phương còn thấp gồm: Đăng ký vốn chưa sát thực tế, chưa lường hết được các vấn đề trong quá trình triển khai, công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư chưa hợp lý khiến dự án cần điều chỉnh nhiều lần làm mất nhiều thời gian thực hiện.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, nếu không có các biện pháp thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ vướng mắc thì số vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài được các địa phương giải ngân sẽ không thể tăng nhiều.