Để tổ chức một sự kiện có nhiều cái "nhất" như hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2: thời gian chuẩn bị ngắn nhất (10 ngày), số lượng phóng viên đưa tin nhiều nhất (gần 3.000 phóng viên quốc tế, 550 phóng viên trong nước), hành trình di chuyển đặc biệt của ông Kim Jong-un (đường sắt), cho đến cuộc họp báo đặc biệt lúc nửa đêm của đoàn Triều Tiên, Việt Nam đã gặp không ít thách thức trên cương vị là nước chủ nhà.
Chia sẻ về chuyện hậu trường 10 ngày chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ-Triều, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết các đơn vị đã "phải làm việc cả ngày lẫn đêm" với tinh thần hăng hái và tích cực và "công suất mấy trăm phần trăm" để hoàn thiện khối lượng công việc chuẩn bị rất lớn.
Đối với công tác bảo vệ hội nghị thượng đỉnh, đã có khoảng 10.000 - 15.000 cán bộ, chiến sỹ quân đội được huy động cho các nhiệm vụ rà phá bom mìn và đảm bảo an ninh trên các tuyến đường di chuyển của nguyên thủ, các khu vực diễn ra sự kiện và nơi phái đoàn hai nước Mỹ-Triều lưu trú.
Số lượng cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động và các đơn vị nghiệp vụ lên tới nghìn người, tất cả đều được lệnh ứng trực 100% quân số trong thời gian diễn ra sự kiện.
Công tác quảng bá hình ảnh của Hà Nội và Việt Nam cũng được đánh giá rất tốt. Các phóng viên nước ngoài đều rất ấn tượng với sự đón tiếp và phục vụ chu đáo của ban tổ chức.
Phát biểu sau sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Việt Nam đã được thực hiện rất tốt, chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn mặc dù thời gian gấp gáp.
Điều này đã giúp "vị thế, vai trò và công tác chuẩn bị, công tác tổ chức của Việt Nam được lãnh đạo hai nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trong phiên bỏ phiếu kín tại Đại hội đồng lúc 9h sáng ngày 7/6 (giờ New York), với 192/193 phiếu, Việt Nam đã thay thế Kuwait - là đại diện nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương - trở thành thành viên không thường trực HĐBA LHQ khóa 2020-2021.
Khi nhận được kết quả bỏ phiếu, cả hội trường Liên Hợp Quốc đã "ồ" lên vì kết quả rực rỡ của Việt Nam. Đây là thành tích và thành tựu đáng nể mà Việt Nam xứng đáng nhận được trong suốt những năm qua.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung cùng các nhà ngoại giao các nước vỗ tay khi Việt Nam trúng cử chức Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc
Trên trang cá nhân, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh viết: "Đại hội đồng Liên Hợp Quốc: Việt Nam được 192/193 phiếu ủng hộ, kỷ lục chưa từng có trong 75 năm phát triển của LHQ."
Khoảnh khắc Việt Nam được bầu số phiếu kỉ lục 192/193, chính thức trở thành thành viên không chính thức của HĐBA LHQ
Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Để chuẩn bị cho việc tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã tích cực triển khai các công tác chuẩn bị mọi mặt về nội dung, nguồn lực, nhân sự, thông tin tuyên truyền, và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức nghiên cứu quốc tế".
Đây là lần thứ hai Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực chính thức của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sau nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2008-2009. Trong cuộc bỏ phiếu cho nhiệm kỳ đầu, Việt Nam cũng thắng đậm với kết quả 183/190 phiếu. Nhiệm kỳ mới của Việt Nam sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2020.
Chia sẻ trên Fox News về cuộc gặp với chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội ngày 27-28/2/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi công tác tổ chức thượng đỉnh của nước chủ nhà Việt Nam: "Việt Nam, Hà Nội đã đón tiếp chúng tôi rất tốt. Họ có thể tự hào vì những gì đã làm được. Tôi nghĩ hai ngày rưỡi ở đây thật sự rất tuyệt vời, hoàn hảo."
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Donald Trump tại Phủ Chủ tịch ngày 27/2/2019
Trong và sau thời gian làm việc tại Hà Nội, ông Trump cũng liên tục đăng tải trên Twitter những thông điệp tốt đẹp về Việt Nam. Trong đó, ông tỏ ra vui mừng trước sự đón tiếp nồng hậu của người dân, gọi Việt Nam là một đất nước tuyệt vời, đồng thời gửi lời cảm ơn tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trước sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ ông cảm thấy "như được trở về nhà". Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Donald Trump đã đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực của Việt Nam trong xử lý mối quan hệ song phương giữa hai bên.
Vào lúc 6h55 phút sáng 26/2, đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Kim Jong Un chầm chập tiến vào ga Đồng Đăng, Lạng Sơn, bắt đầu chuyến công du tại Việt Nam. Chủ tịch Triều Tiên rạng rỡ bước xuống tàu và lên chuyên xa di chuyển về Hà Nội. Lúc này, ông đã hạ cửa kính xe, vẫy tay chào thân thiện với người dân trong không khí đón tiếp nồng nhiệt.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam hai ngày 1-2/3/2019 là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Triều Tiên sau 55 năm, kể từ chuyến đi của cố Chủ tịch Kim Il Sung vào năm 1964. Trong chuyến thăm lần này của ông Kim Jong Un, một lễ đón theo nghi thức cấp cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia đã diễn ra tại Phủ Chủ tịch, dưới sự chủ trì của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào chiều 1/3. Chiều cùng ngày, Chủ tịch Triều Tiên đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng thời tham dự quốc yến vào buổi tối.
Phát biểu về chuyến thăm và quan hệ song phương tại tiệc chiêu đãi tối 1/3, ông Kim Jong Un khẳng định: "Tâm hồn cao cả của các lãnh tụ hai nước và linh hồn chung của các liệt sĩ hai nước đã khắc sâu vào tình hữu nghị Triều Tiên - Việt Nam bằng máu, là lẽ đương nhiên và đạo lý tất nhiên".
Trong ngày thứ hai của chuyến thăm, Chủ tịch Triều Tiên và đoàn tháp tùng đã đặt vòng hoa viến đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi rời Hà Nội. Trong suốt chuyến thăm này, một trong những điều ấn tượng nhất đó chính là hình ảnh xe của ông Kim Jong Un đã di chuyển qua nhiều con phố, địa điểm biểu tượng của thủ đô Hà Nội như cầu Chương Dương, Nhà hát Lớn, phố Tràng Tiền, Cột cờ Hà Nội v.v....
Đặc biệt, trước khi bước lên tàu rời Việt nam, ông Kim Jong Un đã liên tục vẫy tay tạm biệt và làm cử chỉ thể hiện sự cảm ơn. Mà theo báo đảng Triều Tiên Rodong Sinmun, Chủ tịch Triều Tiên đã bày tỏ sự hài lòng và lòng biết ơn đối với sự đón tiếp nồng hậu, hiếu khách của Đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam: "Chủ tịch Kim Jong Un lên chuyến tàu chở nặng tình đoàn kết hữu nghị mà nhân dân Việt Nam anh em dành cho nhân dân Triều Tiên".
Tối 4/11, tại thủ đô Bangkok, Thái Lan diễn ra lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 35 và chuyển giao vai trò chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam.
Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha, quốc gia chủ tịch ASEAN 2019, đã trao chiếc búa chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sự kiện này chính thức xác lập vai trò chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thủ tướng Thái Lan Chan-o-cha, chúc mừng Thái Lan hoàn thành nhiệm kỳ với những kết quả tích cực trong năm 2019, đồng thời tuyên bố Việt Nam lựa chọn "Gắn kết và chủ động thích ứng" là chủ đề của năm ASEAN 2020.
"Việt Nam trông đợi sự hỗ trợ tích cực từ các nước thành viên ASEAN, thể hiện chủ đề, tinh thần của ASEAN trong năm 2020. Cộng đồng ASEAN đã trưởng thành, vững mạnh hơn. Đã đến lúc chúng ta đẩy mạnh tư duy cùng hành động, như một thực thể thống nhất và gắn kết chặt chẽ để chủ động thích ứng hiệu quả và phát triển bền vững trong một thế giới biến chuyển không ngừng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết năm 2020 đánh dấu 5 năm hình thành Cộng đồng ASEAN. Trên nền móng vững chắc của hơn 5 thập kỷ phát triển của ASEAN, các quốc gia thành viên, tuy đa dạng về kinh tế, lịch sử và văn hóa, tiếp tục gắn kết chặt chẽ với nhau bởi những giá trị, tình cảm cộng đồng và trách nhiệm, lợi ích dưới một mái nhà chung.