Hôm nay (16/11), 7 đội tuyển thuộc khu vực Đông Nam Á đồng loạt bước vào lượt trận ra quân tại vòng loại thứ hai World Cup 2026. Ngoại trừ cuộc "nội chiến" duy nhất giữa hai đội cùng khu vực là trận Philippines gặp Việt Nam thì 5 đội tuyển khác đều đang bị đánh giá "cửa dưới" so với đối thủ, gồm Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Malaysia và Singapore.
HAI ĐẠI DIỆN ĐÔNG NAM Á CÙNG "VỠ TRẬN"?
Tại bảng B, tuyển Myanmar sẽ phải chạm trán đội mạnh bậc nhất châu lục là Nhật Bản. Cơ hội để đại diện Đông Nam Á gây bất ngờ gần như không có bởi sự chênh lệch giữa hai đội là quá lớn.
Hơn 2 năm trước, Myanmar cũng đụng độ Nhật Bản ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 và đây cũng là lần đối đầu gần nhất giữa 2 đội. Kết quả là Nhật Bản đã "đè bẹp" Myanmar tới 10-0. Tỷ số "kinh hoàng" đó là minh chứng rõ nhất cho đẳng cấp của Nhật Bản cũng như sự non kém của tuyển Myanmar khi phải chạm trán những đội hàng đầu châu lục.
Ở trận đấu hôm nay, khả năng cao Nhật Bản sẽ một lần nữa trút cơn mưa bàn thắng vào lưới Myanmar, tạo lợi thế đồng thời nắm chắc ngôi đầu bảng sau lượt mở màn.
Hai năm trước, Myanmar từng đại bại trước Nhật Bản tới 0-10.
Tương tự Myanmar thì tuyển Singapore cũng quá khó để gây bất ngờ trước Hàn Quốc ở bảng C. Tại bảng này, Hàn Quốc vượt trội so với cả 3 đội còn lại (gồm Trung Quốc, Thái Lan, Singapore). Với đẳng cấp hàng đầu châu lục, khả năng cao Son Heung-min và các đồng đội sẽ tạo ra cơn mưa bàn thắng vào lưới Singapore để nắm chắc ngôi đầu bảng với chỉ số ấn tượng.
CẠM BẪY CHỜ MALAYSIA, INDONESIA, THÁI LAN
Tại bảng D, tuyển Malaysia sẽ có cuộc tiếp đón Kyrgyzstan trên sân nhà. Hiện Kyrgyzstan đang xếp hạng 97 FIFA, hơn Malaysia 40 bậc.
Trong quá khứ, tuyển Malaysia và Kyrgyzstan mới từng chạm trán một lần duy nhất vào năm 2018 trong khuôn khổ giao hữu quốc tế. Đại diện của Đông Nam Á để thua ngay trên sân nhà với tỷ số 0-1.
Ở thời điểm hiện tại, lợi thế duy nhất của Malaysia là được chơi trên sân nhà. Tuy nhiên, đối đầu với tuyển Kyrgyzstan có lợi thế thể hình và thể lực sẽ là rào cản với "Hổ Mã lai".
Sẽ hoàn toàn không bất ngờ nếu đội quân của HLV Kim Pan-gon để mất điểm ngay trên sân Bukit Jalil ở thủ đô Kuala Lumpur. Nếu kịch bản ấy xảy ra, Malaysia sẽ gặp khó trong cuộc đua giành vé đi tiếp tại bảng D.
Tuyển Malaysia được dự báo sẽ gặp khó trước Kyrgyzstan.
So với Malaysia thì tuyển Indonesia thậm chí còn gặp khó khăn lớn hơn khi phải hành quân tới sân của Iraq.
Trong quá khứ, tuyển Indonesia từng chạm trán Iraq tổng cộng 6 lần, chưa thắng trận nào, thua tới 5, hoà 1. Lần duy nhất mà đội bóng xứ Vạn đảo cầm hoà được đối thủ cũng từ năm 1973.
Ngoài việc thường xuyên để thua Iraq thì tuyển Indonesia cũng không thể ghi bàn trong 4 lần chạm trán gần nhất.
Thời điểm hiện tại, Iraq vẫn được đánh giá cao hơn hẳn Indonesia. Lực lượng mạnh với nhiều cầu thủ thi đấu ở châu Âu cộng thêm lợi thế sân nhà, nhiều khả năng Iraq sẽ đánh bại Indonesia, tạo lợi thế trên BXH trước khi chạm trán tuyển Việt Nam vào ngày 21/11 tới.
Indonesia bị đánh giá thấp hơn hẳn so với Iraq.
Đại diện còn lại của khu vực Đông Nam Á là tuyển Thái Lan cũng được dự báo sẽ gặp khó khi chạm trán tuyển Trung Quốc trên sân nhà.
Thống kê cho thấy, tuyển Thái Lan và Trung Quốc từng 26 lần chạm trán ở tất cả các mặt trận. Trung Quốc vẫn áp đảo với việc thắng 18 trận trong khi Thái Lan chỉ thắng 6 trận.
Về mặt phong độ, tuyển Thái Lan không thắng ở 3 trận liên tiếp gần nhất, trong đó có trận thảm bại trước Georgia tới 0-8. "Voi chiến" cũng không thể giữ sạch lưới ở 4 trận gần nhất. Trong khi đó, tuyển Trung Quốc đá 8 trận kể từ đầu năm nay, thắng 3 trận và có 4 trận giữ sạch lưới.
Khi nhận định về cặp đấu này, khá nhiều phương tiện truyền thông quốc tế trong đó có tờ Sport Mole (Anh) hay Sports Keeda (Ấn Độ) đều nghiêng về kịch bản tuyển Thái Lan sẽ thất thủ ngay trên sân nhà.
Không dễ để tuyển Thái Lan có thể giành điểm trước Trung Quốc.