5 cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB đang trốn truy nã đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan thế nào?

Trang Anh |

5 bị cáo là cựu cán bộ Ngân hàng SCB được xác định đã giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan rút tiền của ngân hàng, gây hậu quả đặc biệt lớn.

Như đã thông báo, dự kiến từ ngày 5/3 - 29/4 tới đây, TAND TP HCM sẽ xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), cùng chồng là Chu Lập Cơ (68 tuổi) và 84 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Các bị cáo bị truy tố các tội: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong số 84 bị cáo có 5 bị cáo là cựu lãnh đạo ngân hàng SCB đang bỏ trốn. TAND TP.HCM ban hành văn bản thông báo kêu gọi 5 bị cáo đang bị truy nã trong vụ án Vạn Thịnh Phát ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng.

5 bị cáo gồm: Nguyễn Lâm Anh Vũ (55 tuổi, cựu Phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB), Trầm Thích Tồn (63 tuổi, cựu thành viên HĐQT SCB), Chiêm Minh Dũng (51 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (50 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Đinh Văn Thành (53 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT SCB).

Cáo trạng xác định, các bị cáo này đã giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả đặc biệt lớn. Cụ thể:

5 cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB đang trốn truy nã đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan thế nào?- Ảnh 1.

Nhóm 5 cựu lãnh đạo cấp cao của SCB đang bị truy nã, gồm bị cáo Sương, Thành, Vũ, Tồn, Dũng (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới).

Bị cáo Nguyễn Lâm Anh Vũ, cựu Phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành- SCB bị truy tố về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", quy định tại khoản 3 điều 179 bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù.

Từ ngày 13/8/2014 đến ngày 31/8/2015, bị cáo Vũ đã ký hợp thức hồ sơ 112 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 3.700 tỉ đồng. 

Bị cáo Trầm Thích Tồn, cựu thành viên HĐQT SCB bị truy tố về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", tại khoản 3 điều 179 BLHS năm 1999, khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù.

Bị cáo Tồn được xác định đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB. Từ ngày 25/7/2012 đến ngày 24/5/2013, bị cáo Tồn đã ký hợp thức 80 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 7.100 tỉ đồng. 

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương, cựu Chủ tịch HĐQT SCB, bị truy tố về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", tại khoản 3 điều 179 BLHS năm 1999, khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù.

Cáo trạng xác định từ ngày 25/7/2012 đến ngày 30/7/2013, bị cáo Sương đã ký hợp thức 79 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB gần 7.000 tỉ đồng. 

Bị cáo Chiêm Minh Dũng, cựu Phó tổng giám đốc SCB, bị truy tố về tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", quy định tại khoản 4 điều 206 BLHS năm 2015, khung hình phạt từ 12 - 20 năm tù. Bị cáo Dũng được xác định đã ký hợp thức 362 khoản vay từ ngày 20/11/2012 đến ngày 4/4/2019, gây thiệt hại cho SCB gần 141.000 tỉ đồng.

Bị cáo Đinh Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT SCB, bị truy tố theo khoản 4 tội "tham ô tài sản", khung hình phạt cao nhất tử hình và tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" tại khoản 3 điều 179 BLHS năm 1999, khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù.

Cáo trạng xác định từ ngày 28/6/2012 đến ngày 19/10/2017, bị cáo Thành đã ký hợp thức hồ sơ 174 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 42.700 tỉ đồng. Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 6/12/2020, ký hợp thức hồ sơ 305 khoản vay, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 189.000 tỉ đồng, và gây thiệt hại hơn 99.600 tỉ đồng. 

 Bị cáo Trương Mỹ Lan thâu tóm SCB, biến thành "công cụ" tài chính

Theo cáo trạng, bị cáo Trương Mỹ Lan là người điều hành "đế chế" Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp lớn và nhỏ, trong và ngoài nước. Để có nguồn vốn duy trì hoạt động "hệ sinh thái" doanh nghiệp khổng lồ này, bị cáo tìm cách thâu tóm SCB, nhằm biến ngân hàng này thành "công cụ" tài chính của mình.

Thông qua chiêu trò thu gom cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên hộ, bị cáo Trương Mỹ Lan nắm giữ từ 85% đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB. Là một cổ đông lớn, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.

Theo cáo buộc, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỉ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỉ, gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỉ đồng.

VKSND tối cao xác định Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và đồng phạm có thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Đặc biệt, để che giấu thực trạng yếu kém của ngân hàng SCB, giúp ngân hàng này thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc toàn bộ 18 thành viên đoàn cán bộ thanh tra. Bà Lan bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước 5,2 triệu USD.

Trong số 18 thành viên đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn bị truy tố về tội nhận hối lộ 5,2 triệu USD; 10 bị can bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 7 người khác không bị xử lý hình sự.

Xử vụ Vạn Thịnh Phát: Gần 200 luật sư bào chữa, tòa triệu tập hơn 2.400 người liên quanXử vụ Vạn Thịnh Phát: Gần 200 luật sư bào chữa, tòa triệu tập hơn 2.400 người liên quan

Tại phiên toà xét xử Trương Mỹ Lan và 84 bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát, toà triệu tập hơn 2.400 người liên quan.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại