5 công nghệ tốt nhất và 4 điều dở tệ nhất tại sự kiện MWC 2018

Minh.T.T |

Điều gì đã diễn ra tại MWC 2018? Có lẽ tốt hơn nên bắt đầu với những điều không diễn ra: Huawei không tung ra chiếc flagship nào, LG "xào" lại chiếc flagship cũ, và Motorola cùng HTC thậm chí chẳng mang chiếc điện thoại nào tới đây cả. Trận lũ quét của các siêu phẩm đã không diễn ra như thông lệ.

Thế nhưng MWC năm nay vẫn không phải là một show diễn nghèo nàn, hoàn toàn không. Chúng ta được chứng kiến Nokia trở lại sàn diễn với dàn chiến binh hùng hậu, cả cũ lẫn mới.

Các đối tác phần cứng của Google giới thiệu những thiết bị Android Go đầu tiên. Những hứa hẹn về 5G và AI thì tràn ngập khắp nơi. Thậm chí bạn còn thấy những chiếc laptop khá hấp dẫn nữa.

Dưới đây là tổng hợp những nét nổi bật của MWC và một vài nét không được nổi bật cho lắm, theo trang công nghệ TheVerge.

1. Những sản phẩm, công nghệ tốt nhất

Sự biến mất của viền màn hình

5 công nghệ tốt nhất và 4 điều dở tệ nhất tại sự kiện MWC 2018 - Ảnh 1.

Dù các hãng điện thoại gọi bằng những cụm từ khác nhau, như full-screen, all-screen, FullVision, hay Infinity Display, không hề sai khi nói rằng nét nổi bật dễ nhận thấy nhất ở các điện thoại năm 2018 là những đường viền siêu mỏng xung quanh màn hình.

Nhờ viền siêu mỏng, các công ty như Asus có thể tạo ra những chiếc flagship màn hình cực lớn lên đến 6.2 inch nhưng với thân máy thậm chí còn nhỏ hơn các thiết bị 5.5 inch trước đó, cụ thể ở đây là sự tiến hoá của Zenfone 4 năm ngoái thành Zenfone 5 năm nay.

Với cả ngành công nghiệp di động nói chung, từ chỗ chỉ có Samsung và LG là những đại diện duy nhất với các smartphone viền siêu mỏng năm 2017, hiện tại nó đã trở thành một điều hết sức bình thường.

Samsung Galaxy S9 và S9 Plus

5 công nghệ tốt nhất và 4 điều dở tệ nhất tại sự kiện MWC 2018 - Ảnh 2.

Có thể bạn đã thất vọng với bản nâng cấp S9 năm nay của Samsung, nhưng khó có thể tìm được một chiếc điện thoại nào tốt hơn bộ đôi flagship mới của Samsung tại MWC 2018.

Những nét mới của bộ đôi này gồm: camera 2 khẩu độ, cảm biến vân tay đặt vị trí hợp lý hơn ở mặt lưng và vi xử lý mới nhất. Galaxy S9 chắc chắn sẽ là gã khổng lồ thống trị thị trường Android ít nhất cho tới hết năm nay, giống như người tiền nhiệm S8 năm ngoái.

Điện thoại Ma trận - Nokia 8110

5 công nghệ tốt nhất và 4 điều dở tệ nhất tại sự kiện MWC 2018 - Ảnh 3.

HMD Global - công ty đang nắm giữ thương hiệu Nokia - đã chứng tỏ được rằng mình là một chuyên gia trong lĩnh vực tinh chế và nâng cấp các điện thoại cổ điển của Nokia để mang ra thế giới hiện đại.

Giá của 8110 chỉ dưới 100 USD nhưng lại được trang bị một loạt những chức năng tiên tiến cùng thiết kế nắp trượt quen thuộc. Chiếc điện thoại này có LTE, Google Assistant và Google Maps, Twitter, Facebook, Rắn săn mồi (tất nhiên rồi!), và thời gian chờ lên đến 25 ngày.

Những chiếc Chromebook tuyệt vời của Lenovo

5 công nghệ tốt nhất và 4 điều dở tệ nhất tại sự kiện MWC 2018 - Ảnh 4.

Dù MWC không phải là một show diễn của laptop, nhưng những chiếc Chromebook dành cho trường học mà Lenovo mang đến đây đã để lại những ấn tượng tích cực với người xem.

Mọi chiếc chromebook lần này của Lenovo đều chống rơi và chống đổ nước, và khả năng ghi chú tuyệt vời trên hai mẫu cao cấp hơn. Theo đó, một mẫu máy cho phép bạn viết bút chì trực tiếp lên màn hình, mẫu còn lại dùng bút cảm ứng nhưng đã được tối ưu hoá để không còn độ trễ nữa.

Đáng chú ý hơn, mẫu chromebook đắt nhất trong số này của Lenovo lại có giá rẻ bèo chỉ 349 USD, tương đương với giá của những chiếc netbook trước đây.

Mẫu điện thoại concept Vivo Apex

5 công nghệ tốt nhất và 4 điều dở tệ nhất tại sự kiện MWC 2018 - Ảnh 5.

Vivo thu hút khá nhiều sự chú ý tại CES 2018 khi là công ty đầu tiên giới thiệu một thiết bị với cảm biến vân tay tích hợp trực tiếp trên màn hình. Tại MWC, hãng tiếp tục tung ra một mẫu điện thoại concept mang xu hướng tương lai mang tên Apex.

Điểm đặc biệt của Apex? Thiết bị này có viền màn hình siêu mỏng, thậm chí cả cạnh trên lẫn cạnh dưới, và màn hình của máy sẽ rung lên để tạo ra âm thanh thay thế cho chiếc loa thoại thông thường nay không còn chỗ chứa nữa.

Vivo còn đưa camera selfie ẩn vào bên trong máy và chỉ trồi lên trên đỉnh khi cần sử dụng.

Chiếc Vivo Apex đã cho chúng ta thấy những ý tưởng táo bạo cho một chiếc smartphone thế hệ tiếp theo trong tương lai.

2. Những sản phẩm, công nghệ dở tệ nhất

Cơn cuồng "tai thỏ"

5 công nghệ tốt nhất và 4 điều dở tệ nhất tại sự kiện MWC 2018 - Ảnh 6.

Với trào lưu viền màn hình siêu mỏng mới nhất, các công ty thoả sức sáng tạo những kiểu thiết kế màn hình độc đáo của riêng họ. Và nhiều (rất nhiều) trong số các hãng tại MWC 2018 đã lựa chọn con đường sao chép "tai thỏ" của iPhone X.

Đó là một lựa chọn tồi tệ, bất chấp dư luận, với Asus là kẻ tội đồ lớn nhất khi ngạo mạn tự nhận chiếc "tai thỏ" của mình nhỏ hơn đến 26% so với "tai thỏ" của iPhone, trong khi vờ như quên mất rằng lý do khiến "tai thỏ" của iPhone lớn đến vậy là vì chứa cụm laser cho tính năng Face ID.

Các nhà sản xuất Android thậm chí chẳng thèm nghiên cứu một tính năng tương tự Face ID, họ chỉ "bê nguyên xi" thiết kế "tai thỏ" rồi chỉnh sửa đôi chút cho khác biệt mà thôi.

Chiếc Asus Zenfone 5 chính là một đại diện cho hai mặt của xu hướng màn hình mới: mặt tốt là các cạnh viền đã bị tối giản, và mặt xấu là sự lười nhác trong thiết kế.

Jack âm thanh 3.5 dần biến mất

5 công nghệ tốt nhất và 4 điều dở tệ nhất tại sự kiện MWC 2018 - Ảnh 7.

Xu hướng ngày nay của ngành công nghiệp di động là xem jack âm thanh 3.5 như một phần cứng cổ điển. Do đó, nó tiếp tục xuất hiện trên các mẫu điện thoại giá rẻ (cùng với cổng microUSB) và một số mẫu điện thoại của những hãng không muốn đi theo xu hướng như Samsung và LG.

Năm nay, cả Nokia và Sony đều giới thiệu những chiếc flagship mới không có jack âm thanh 3.5 với kỳ vọng rằng các bộ giải mã âm thanh Bluetooth cao cấp sẽ khiến người dùng quên đi sự tiện nghi, đơn giản và từng rất phổ biến của jack 3.5.

AR Emoji của Samsung

5 công nghệ tốt nhất và 4 điều dở tệ nhất tại sự kiện MWC 2018 - Ảnh 8.

Nó thật kỳ quặc, bạn có nghĩ vậy không? Trong một nỗ lực bám đuổi iPhone và iOS, Samsung đã giới thiệu câu trả lời của mình dành cho Animoji với tên gọi AR Emoji.

Về mặt kỹ thuật, AR Emoji khá ấn tượng khi quét khuôn mặt mà chỉ cần camera trước và không cần thêm một công cụ chuyên dụng nào (như cụm camera TrueDepth của iPhone). Thế nhưng trên thực tế, kết quả bạn nhận được lại là những tác phẩm kỳ quặc, dị dạng đầy ám ảnh.

LG V30s ThinQ

5 công nghệ tốt nhất và 4 điều dở tệ nhất tại sự kiện MWC 2018 - Ảnh 9.

Với nhiều ngành công nghiệp, việc lấy một sản phẩm hiện có, thay đổi đôi chút và tung ra dưới một thương hiệu mới là điều hoàn toàn bình thường.

Nhưng với ngành công nghiệp điện thoại, nơi tốc độ thay đổi của công nghệ là cực kỳ chóng mặt, thì việc làm này lại trở nên thừa thãi.

Năm 2018, LG cho thấy ngành công nghiệp điện thoại có vẻ sắp đi vào con đường sai lầm này bằng cách tung ra LG V30 (một lần nữa) với tên gọi mới LG V30s ThinQ. V30s chính là chiếc V30 có thêm RAM và bộ nhớ trong.

Mọi thứ đáng chú ý về V30s là camera được trang bị AI - vốn hoạt động cũng không hoàn hảo lắm - cũng sẽ được mang lên V30 thông qua một bản cập nhật phần mềm.

Rốt cuộc, LG sử dụng MWC 2018 chỉ để...tung ra một bản cập nhật phần mềm. Thật không còn gì để nói!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại